35 năm sự kiện Gạc Ma - Trường Sa: Kể mãi Gạc Ma

Câu chuyện về Gạc Ma vẫn được tiếp tục kể, không chỉ bởi những người trong cuộc, đồng đội mà còn bởi những người trẻ, nặng lòng với biển đảo.

Lát cắt lịch sử qua báo chí về Trường Sa 1988

Cuối năm 2021, cuốn sách “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử” của nhà nghiên cứu Võ Hà (39 tuổi, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng) được NXB Đà Nẵng và Phanbook xuất bản, và lập tức hút sự chú ý của dư luận.

Tác giả Võ Hà tặng sách.

Gặp tác giả Võ Hà quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, dáng người cao gầy, thư sinh, nghe kể về đứa con tinh thần mà anh ấp ủ từ hơn một thập kỷ. Nhiều năm trước, dù là một cử nhân ngành Lịch sử, anh Hà nhận thấy còn khá mơ hồ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. “Đó có lẽ không chỉ là vấn đề của riêng tôi mà còn của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ về sự tường tận lịch sử Trường Sa - Hoàng Sa”, anh Hà kể.

Chọn góc tiếp cận từ nguồn thông tin trên hai tờ báo lớn là báo Nhân dân và Quân đội nhân dân xuất bản trong đúng thời điểm năm 1988, anh đã hệ thống hóa và phác họa cho độc giả, nhất là những người trẻ cái nhìn khách quan, chính xác về sự kiện Gạc Ma năm 1988. “Thuận lợi của tôi là đơn vị công tác có đầy đủ các số báo Nhân dân và Quân đội nhân dân trước và sau sự kiện thảm sát Gạc Ma, trong khoảng từ tháng 2/1988 đến tháng 6/1988 - khoảng thời gian tôi khảo sát, nghiên cứu để viết sách”, anh Hà nói.

Cuốn sách hệ thống các bài báo về sự kiện Gạc Ma, được tác giả sắp xếp theo 5 chương lớn. Trong đó, ấn tượng nhất đối với nhà nghiên cứu Võ Hà đó chính là loạt ký sự của các nhà báo trên báo Nhân dân và Quân đội Nhân dân về những người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở Gạc Ma, những người mẹ mòn mỏi chờ con, những người anh, người chị, người vợ đợi mãi lời hẹn trở về. “Ở Đà Nẵng, có phường Hòa Cường - nơi có 8 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, nhiều nhất trong các phường xã trên cả nước thời điểm đó. Là một người con của đất Quảng - Đà, tôi nhớ nhất ký sự “Tiếng gọi từ Hòa Cường” đăng trên báo Quân đội Nhân dân được giới thiệu trong phần 5 của cuốn sách. Không kể về bom đạn, khói lửa chiến trường, đó chỉ là lời kể về những người cha, người mẹ mong mỏi chờ tin con từ Trường Sa; về gia đình lập bàn thờ, đeo tang con khi chưa có thông tin báo tử với hi vọng “con trở về thì tháo băng tang xuống”; về người em nhỏ vẫn ngơ ngác “anh Xanh đi nghĩa vụ chưa về”…”, anh Hà kể.

Cuốn sách ra đời, nhiều bạn bè của anh Hà là giáo viên ở các trường tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận liên hệ để mua và giới thiệu cho học sinh tham khảo. Anh mong muốn cuốn sách của mình sẽ cho những thế hệ sau có cái nhìn đúng đắn, khách quan về một thời điểm lịch sử quan trọng của dân tộc. Để biết về những hi sinh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của các thế hệ đi trước. “Biết sự thật lịch sử, thế hệ sau mới hiểu và có nhận thức đúng đắn, có trách nhiệm với xã hội”, anh Hà tâm huyết.

Đưa trò đến thăm thân nhân liệt sĩ Gạc Ma

Là một người thầy nặng lòng với Trường Sa - Hoàng Sa, từ năm 2010, khi đang là Hiệu trường trường THPT Ngũ Hành Sơn, thầy Phan Văn Tánh đã lồng ghép và đưa câu chuyện về chủ quyền biển đảo vào trường học. Ở trường, mỗi lớp học đều dán câu khẩu hiệu “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” để nhắc nhớ học sinh về chủ quyền biển đảo. Theo thầy Tánh, lịch sử không chỉ là những trang sách mà phải chảy cùng với dòng chảy của hiện tại. “Phải làm sao để học sinh tự hào, gắn bó thêm với quê hương xứ sở bắt đầu từ những gì rất gần gũi, như tên đường phố, tên làng mình sống cho đến những thông tin cơ bản về lịch sử quê hương”, thầy Tánh nói.

“Đó là cách chúng tôi, những thế hệ đi sau gìn giữ câu chuyện lịch sử, ghi nhớ những sự hy sinh, đấu tranh của các thế hệ đi trước để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đối với biển đảo Tổ quốc nói chung và đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng. Thành Đoàn sẽ nỗ lực duy trì hoạt động này để những câu chuyện về chủ quyền biển đảo sẽ được kể tiếp cho lớp lớp thế hệ sau, để các em thêm tự hào, biết ơn và tiếp bước”.

Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng

Bởi vậy, những bài học về lịch sử chủ quyền biển đảo luôn được thầy Tánh lồng ghép linh hoạt với nhiều hình thức như sưu tầm sách, báo nói về Hoàng Sa, Trường Sa để học sinh dễ dàng tiếp cận những thông tin chính thống. Đây cũng là một trong những ngôi trường sớm tổ chức chương trình ngoại khóa về chủ quyền biển đảo như: Cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa; Triển lãm nguồn tư liệu của học sinh, giáo viên sưu tập; Xây dựng phòng trưng bày về lịch sử và đời sống của quân nhân trên các quần đảo,… Thời điểm đó, để có được phòng trưng bày với gần 1.000 tư liệu liên quan về vấn đề chủ quyền biển, đảo, nhà trường thành lập tổ hướng dẫn, tổ chức cho các em đi tham quan các bảo tàng trong thành phố, gặp các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Hoàng Sa và Trường Sa… để học sinh tiếp cận được nguồn tư liệu quý giá, khơi gợi hứng thú tìm tòi về lịch sử biển đảo.

Sau này, thời gian về làm Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà), thầy cùng Đoàn trường tổ chức cho học sinh đến thăm gia đình các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. “Tôi nhớ như in các em đã trò chuyện say mê với người thân các liệt sĩ, được tiếp cận trực tiếp giúp các em ghi nhớ sâu hơn, nhiều xúc cảm hơn. Các em đã chụp hình, quay phim, sau đó về thuyết trình lại sự kiện Gạc Ma và nỗi đau của gia đình liệt sĩ ngay trong buổi chào cờ”, thầy nhớ lại.

Gần 10 năm trước, Đà Nẵng đã đưa chương trình lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường THCS, THPT trên địa bàn, trong đó có ưu tiên chủ quyền biển đảo đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên đưa lịch sử biển đảo vào chương trình học.

Ngoại khóa về lịch sử, chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa - Trường Sa tại Đà Nẵng (ảnh: Giang Thanh).

Thành Đoàn Đà Nẵng từ lâu cũng phối hợp với nhà trưng bày Hoàng Sa đưa chuỗi triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam vào các trường học. Những tư liệu lịch sử được giới thiệu, trưng bày giữa sân trường thu hút sự chú ý của các em học sinh cấp 2, cấp 3. Hơn 50 khung hình với gần 100 bản sao tư liệu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như chủ quyền biển đảo Việt Nam được trưng bày theo tiến trình lịch sử. Hệ thống tư liệu gồm các thư tịch, bản đồ và hình ảnh thực địa từ thế kỉ XVII đến nay về chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo. Ngoài ra, hàng loạt tư liệu báo chí về quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được sắp xếp để giáo dục lớp trẻ về tình yêu và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thanh Trần - Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/35-nam-su-kien-gac-ma-truong-sa-ke-mai-gac-ma-post1516982.tpo