300 triệu trẻ nhỏ đang hít phải khí độc mỗi ngày

Theo nguồn tin từ Quỹ nhi đồng của LHQ, khoảng 300 triệu trẻ em trên thế giới đã và đang phải hít thở không khí chứa độc tính cao. Tệ nạn ô nhiễm môi trường đã tác động mạnh mẽ tới sức khỏe và quá trình phát triển trẻ nhỏ, tương lai của nhân loại.

Trong số những đứa trẻ trên có tới 220 triệu trẻ sống ở Nam Á, nơi ô nhiễm không khí cao gấp 6 lần mức cho phép của WHO. Hít quá nhiều khói bụi độc hại đã ảnh hưởng không nhỏ sức khỏe của trẻ. Nicholas Rees, tác giả của báo cáo khẳng định: “Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi vì phổi của chúng vẫn đang trong quá trình phát triển. Tiếp xúc sớm với không khí độc hại sẽ khiến chúng phải gánh hậu họa suốt đời”.

Trong số các chất gây ô nhiễm không khí, nguy hiểm nhất là hạt không khí hay còn được gọi là PM2.5, phần tử có kích thước bằng chiều ngang sợi tóc con người. Chúng được hình thành từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và hoạt động sản xuất công nghiệp, hoặc từ tự nhiên như cát bụi…Loại hạt này siêu mịn, đi theo không khí qua phổi vào máu, làm suy giảm sức khỏe tim, tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, gây ra các vấn đề hô hấp nghiêm trọng như bệnh suyễn và viêm phổi.

Trước đó, UNICEF cũng từng tiến hành nghiên cứu phát hiện thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường và khả năng nhận thức của trẻ. Ngoài ra, tiếp xúc với khí độc hại có thể tăng nguy cơ sẩy thai ở phụ nữ mang thai, sinh thiếu cân.

Ngoài ra, theo báo cáo của UNICEF cho thấy, năm 2015, có khoảng 7 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó có 600.000 trẻ dưới 5 tuổi. Như vậy, người lớn đã và đang đánh đổi sức khỏe, tương lai của con em mình để phát triển kinh tế bất chấp tình trạng ô nhiễm gia tăng.

Các quốc gia đông dân, tốc độ phát triển công nghiệp hóa nhanh chóng đã kéo theo sự gia tăng hàn lượng độc hại trong không khí. Nổi trội là Ấn Độ và Trung Quốc. Ramanan Laxminarayan, nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Princeton khẳng định: Ô nhiễm không khí là một vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ, nguyên nhân một phần từ việc đốt rơm rạ của nông dân miền Bắc nước này sau khi thu hoạch mùa màng. Như vậy, công nghiệp chưa phải là mối đe dọa lớn nhất cho bầu không khí ô nhiễm ở Ấn Độ. Trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc – đất nước chú trọng tăng trưởng thần tốc bất chấp nguy cơ đe dọa môi trường sống.

Trong năm 2013, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, có trụ sở tại Paris đã cảnh báo: ô nhiễm đô thị có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới vào năm 2050. Mỗi năm sẽ có khoảng 3,6 triệu người chết sớm vì ô nhiễm không khí chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Môi trường sống của con người bị đe dọa nghiêm trọng nhưng rất khó có thể cải thiện khi tồn đọng nhiều vấn nạn. Một cuộc điều tra tại trám máy giám sát tại huyện Trường An đã bắt giữ 5 nhân viên, trong đó có He Limin, giám đốc Cục bảo vệ môi trường Tây An vì cố tình làm sai báo cáo chất lượng không khí, hòng che đậy tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ vậy, Bộ bảo vệ Môi trường đã phát hiện thêm 7 trường hợp làm sai lệch dữ liệu chất lượng không khí vào tháng 6/2015. Thậm chí, có người đã lẻn vào trạm giám sát máy để nhồi bông vào cảm biến khiến máy đọc sai dữ liệu. Hành động vụ lợi trước mắt chính là giết chết tương lai, sức khỏe của con em mình.

Trong khi đó, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, đứng trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Chất lượng không khí Việt Nam thấp hơn hơn so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.

Trong khi đó, việc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm trong thời gian dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 100.000 dân thì có 4,1% số người mắc các bệnh về phổi, 3,8% số người bị viêm họng và viêm amidan cấp, 3,1% bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Những con số khô khan không thể tác động mạnh mẽ tới ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người, song tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh về đường hô hấp ngày càng tăng, các bệnh về mũi khá phổ biến, và ngày càng nhiều người bị ung thư phổi... khiến ta phải rùng mình lạnh sống lưng.

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/300-trieu-tre-nho-dang-hit-phai-khi-doc-moi-ngay