30 NĂM ĐỔI THAY XÃ ĐẢO TIỀN TIÊU THỔ CHÂU - Bài 1: Thổ Châu ngày ấy

Có một xã đảo cách xa đất liền TP. Rạch Giá khoảng 220km mang tên Thổ Châu thuộc TP. Phú Quốc (Kiên Giang). Giữa biển Tây rộng lớn, xã đảo Thổ Châu được thành lập tròn 30 năm, vẫn đang từng ngày vươn mình đi lên.

Xã đảo Thổ Châu được thành lập theo Nghị định 19/1993/NĐ-CP, ngày 24-4-1993 của Chính phủ, thuộc huyện Phú Quốc, nay là TP. Phú Quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu tuần tra bảo vệ cột mốc A1 trên đường cơ sở thuộc chủ quyền Việt Nam nằm trên hòn Nhạn, xã đảo Thổ Châu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu tuần tra bảo vệ cột mốc A1 trên đường cơ sở thuộc chủ quyền Việt Nam nằm trên hòn Nhạn, xã đảo Thổ Châu.

QUÁ KHỨ CHƯA THỂ QUÊN

Xã đảo Thổ Châu có diện tích 16km2, với 8 đảo lớn, nhỏ tạo thành quần đảo, trong đó hòn Thổ Châu có diện tích lớn nhất trong quần đảo, diện tích trên 14km2. Các đảo còn lại của quần đảo gồm Hòn Hàng, còn gọi là hòn Nhạn diện tích 0,23km2, nơi có cột mốc A1 trên đường cơ sở thuộc chủ quyền Việt Nam; hòn Keo Ngựa; hòn Từ; hòn Cao; hòn Cao Cát; hòn Mô và hòn Khô.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng nhắc lại sau đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, khi cả nước vui mừng đón ngày Bắc - Nam sum họp thì tại vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đã nổi dông bão. Ngày 10-5-1975, quân Pol Pot - Ieng Sary bất ngờ chiếm đóng trái phép quần đảo Thổ Châu và bắt toàn bộ dân trên đảo đưa xuống tàu và chở đi.

Khoảng ngày 14, 15-5-1975, Ủy ban Quân quản huyện Phú Quốc nhận được tin của một người dân chạy thoát được vào An Thới báo là quân Pol Pot - Ieng Sary đã đổ bộ lên đảo Thổ Châu tàn sát và bắt dân trên đảo. Sau thời gian chiến đấu, đến ngày 27-5-1975, bộ đội ta giải phóng hoàn toàn đảo Thổ Châu, nhưng Thổ Châu đã phải trải qua nỗi đau khôn nguôi khi hơn 500 người dân bị quân Pol Pot - Ieng Sary bắt và sát hại.

Đồng chí Đỗ Văn Dừng cho biết: “Năm 2012, trên xã đảo khởi công xây dựng đền thờ tưởng niệm chiến sĩ và nhân dân xã Thổ Châu bị quân Pol Pot - Ieng Sary giết hại. Tại đền thờ đặt linh vị tưởng nhớ hơn 500 đồng bào bị quân Pol Pot thảm sát tháng 5-1975. Đây là sự kiện lịch sử bi thương đối với người dân xã đảo Thổ Châu. Sự đau thương, mất mát đó đã biến thành sức mạnh để cấp ủy, chính quyền, quân dân Thổ Châu không ngừng nỗ lực xây dựng xã ngày càng phát triển”.

Sau khi quần đảo Thổ Châu được giải phóng, Tiểu đoàn 410 thuộc Trung đoàn 195 (Quân khu 9) được lệnh rút quân, giao đảo Thổ Châu lại cho lực lượng địa phương quân huyện Phú Quốc. Một thời gian sau, lực lượng địa phương quân huyện Phú Quốc bàn giao địa bàn quần đảo Thổ Châu cho Tiểu đoàn 561 thuộc Vùng 5 Hải quân quản lý. Lúc này, trên đảo gần như không còn cư dân sinh sống.

TÁI THIẾT XÃ ĐẢO

Ngày 15-2-1993, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xã Thổ Châu lâm thời, đồng thời tổ chức đưa dân ra đảo để sinh sống. Đợt di dân đầu tiên được tổ chức vào ngày 27-4-1992 có 6 gia đình với khoảng 30 người đang cư ngụ tại huyện Kiên Hải ra đảo Thổ Châu để lập nghiệp. Đến cuối năm 1992 và đầu năm 1993, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức di dân đợt thứ hai với vài chục hộ.

Ông Huỳnh Bình Khởi, tên thường gọi Tư Bình, ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu là một trong 6 hộ dân đầu tiên đến xã đảo Thổ Châu sinh sống vào tháng đầu năm 1992. Những ngày mới ra đảo, ông Tư Bình cùng các hộ dân chưa có nhà, phải ở nhờ tại đơn vị bộ đội. Sau đó, bộ đội chặt cây, lấy lá dựng nhà cho dân ở. “Trên đảo ngày ấy toàn cây rừng, không có đường đi lại, chỉ có đường mòn. Dân ra đảo được Nhà nước nuôi ăn một năm. Rồi người dân đóng ghe đi đánh bắt, có cá thì đem lên đơn vị bộ đội đổi lấy gạo, lấy rau. Lúc người dân khó khăn cũng được bộ đội chở che, giúp đỡ”, ông Tư Bình kể.

Ngày 24-4-1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 19/1993/NĐ-CP về việc thành lập xã Thổ Châu, thuộc huyện Phú Quốc. Lúc này, dân cư toàn xã có 94 nhân khẩu. Những ngày đầu xã mới được thành lập, các trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền đều được xây cất tạm bợ. Cán bộ, cùng người dân sống tá túc với bộ đội, mọi sự thiếu thốn, ốm đau đều được bộ đội giúp đỡ. Kết cấu hạ tầng như cầu cảng, điện, đường, trường, trạm, hàng quán, chợ… đều chưa xây dựng. Tàu thường xuyên ngưng chạy do thời tiết xấu, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu đi Phú Quốc. Cả đảo cũng chỉ có 3 chiếc ghe của ông Lê Trắc, ông Huỳnh Bình Khởi và ông Hữu Hà chạy ra, chạy vào đất liền mua hàng hóa, lương thực về bán cho người dân trên đảo.

Đại tá Đào Phúc Lâm - nguyên Đảo trưởng đảo Thổ Chu (Vùng 5 Hải quân), đơn vị tiền thân của Trung đoàn 152 hiện nay, là người đến đảo Thổ Châu công tác từ rất sớm, vào năm 1988.

Đại tá Đào Phúc Lâm kể: “Để bảo đảm đời sống những ngày mới ra đảo, những khi biển động không có tàu ra đảo, chỉ huy đảo chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chia sẻ với dân từ ký gạo, ký đường, bó rau cho đến can dầu, hỗ trợ dân lúc khó khăn đột xuất. Trong khi xã đảo chưa có bệnh xá, trường học, chỉ huy đảo và cơ quan, đơn vị trên đảo tổ chức dạy học cho các cháu đến tuổi đi học, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị miễn phí cho người dân tại bệnh xá của đảo không kể ngày đêm”.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//thoi-su/30-nam-doi-thay-xa-dao-tien-tieu-tho-chau-bai-1-tho-chau-ngay-ay-13379.html