3 vụ 'đại án' nghìn tỷ rúng động dư luận xã hội

Ngày 29/9 'đại án' nghìn tỷ Hà Văn Thắm Oceanbank đã được đưa ra xét xử đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Khép lại vụ án Hà Văn Thắm, cùng điểm lại một số vụ án gây chấn động dư luận làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tài sản của nhà nước và không có khả năng thu hồi.

Vụ cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm gây thất thoát gần 2.000 tỉ

Theo cáo trạng, từ năm 2010, Hà Văn Thắm với vai trò là chủ tịch HĐQT Oceanbank đã chỉ đạo nguyên phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn giải quyết cho ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) vay vốn thông qua công ty Trung Dung trái với quy định của Ngân hàng nhà nước về quy chế cho vay và quy trình thủ tục, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 350 tỉ đồng (không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích).

Tiếp đó, chủ mưu chính Hà Văn Thắm là người ra chủ trương, trực tiếp chỉ đạo chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại 1.576 tỷ đồng (trong số tiền này thì có 246 tỷ đồng do Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt).

Chủ trương này đã được Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo cho Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Minh Phương … triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng hơn 68 tỉ đồng.

Ngày 29/9/2017 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân với Hà Văn Thắm.

Vụ án Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ xảy ra tại VietinBank

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank chi nhánh TP HCM)vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành.

Việc kinh doanh thua lỗ nên từ năm 2010, Như nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các khách hàng.

Như cùng đồng đã làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank rồi dụ các tổ chức, cá nhân bằng việc đưa ra mức lãi suất cao để chiếm đoạt tổng cộng hơn 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.

Vào tháng 1/2014, TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân.

Vụ Bầu Kiên lừa đảo chiếm đoạt tài sản tổng số tiền thiệt hại 1.700 tỷ

Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB từ năm 2003 đến tháng 8/2012 và đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhiệm kỳ từ 1994 – 2008. Năm 2007, “bầu Kiên” là nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của 6 công ty.

Lợi dụng quền hành, ông Kiên đã chỉ đạo các đồng phạm thực hiện các hành vi phạm tội, chiếm đoạt tổng số tiền 1.700 tỷ. Tháng 6/2014, TAND Hà Nội phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) tổng hợp hình phạt là 30 năm với 4 tội danh: Tội Kinh doanh trái phép, tội Trốn thuế, tội Lừa đảo, tội Cố ý làm trái; nộp phạt bổ sung 75 tỷ do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/3-vu-dai-an-nghin-ty-rung-dong-du-luan-xa-hoi-3865294-c.html