3 'nút thắt' cần gỡ bỏ của nền kinh tế thị trường

Tại Diễn đàn 'Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng tưởng' diễn ra ngày 24/10, ông Nguyễn Thâm – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam đã đề cập đến hàng loạt những nút thắt cần phải tháo bỏ để nền kinh tế có thể phát triển.

Theo nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam, nút thắt đầu tiên là “lợi ích nhóm”.

Theo định nghĩa của Wikepidia Tiếng Việt, “Nhóm lợi ích” (lợi ích nhóm) hay còn gọi là nhóm vận động, nhóm gây áp lực xã hội là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách sử dụng các hình thức tuyên truyền, vận động để tác động đến dư luận hoặc chính sách của chính phủ.

Cụm từ này vốn dĩ không có nghĩa xấu nhưng theo ông Thâm thì “ở chúng ta thì nó lại rất xấu”.

Ông Nguyễn Thâm – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam cho rằng tình trạng lợi ích nhóm, sân sau, giấy phép con... chính là những nút thắt cần phải tháo bỏ để nền kinh tế có thể phát triển.

Theo ông, những tác động của “lợi ích nhóm” tới cơ chế thị trường, tới các doanh nghiệp và nền kinh tế xã hội là “quá rõ ràng” vì khi “quyền lực + tư bản = kết quả phi thường”.

Rào cản thứ 2 mà ông Thâm chỉ ra là “lợi ích sân sau”. Ở rào cản này, ông Thâm đưa ra ví dụ cụ thể trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.

Khi thực hiện Luật PCCC, các doanh nghiệp phải lập các phương án PCCC. Trên thị trường về dịch vụ này có nhiều công ty hoạt động tư vấn, có nhiều công ty kinh doanh cung cấp các trang thiết bị PCCC. Tuy nhiên, ông Thâm cho biết, doanh nghiệp phải chọn công ty cung cấp trang thiết bị PCCC hay công ty tư vấn làm phương án PCCC cho mình theo “gợi ý”, "chỉ định" của tổ chức phụ trách PCCC đơn vị mình.

“Trang thiết bị PCCC doanh nghiệp phải mua theo "chỉ định" có cùng nhà sản xuất, có kiểm định đầu ra và hạn sử dụng như nhau nhưng giá thiết bị và và giá dịch vụ tư vấn cao hơn nhà cung cấp khác từ 10-15%” - ông Thâm nói.

Tương tự như tình trạng PCCC, ông Thâm chỉ ra rằng, lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng có một “quy trình” như thế. Luật Bảo vệ môi trường quy định doanh nghiệp cần có phương án bảo vệ môi trường, kho chứa rác thải rắn, rác thải độc hại... Ngoài ra còn phải lập trạm quan trắc. Nếu không phải thuê tư vấn quan trắc đo đạc và lập báo cáo định kỳ. Nhưng các công ty làm dịch vụ này đều phải được cán bộ quản lý môi trường khu vực "chỉ định".

Rào cản thứ 3 mà ông Thâm chỉ ra chính là tình trạng giấy phép con.

Đầu tháng 7/2016, Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Sau khi đưa vào áp dụng, các Nghị định này đã chính thức xóa sổ hàng loạt giấy phép con, các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư, quy định của các bộ, ngành.

Mượn lời của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Thâm cho rằng “cuộc chiến” loại bỏ giấy phép con sẽ cởi trói cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc mà mới... bất đầu.

Theo thống kê, có khoảng 3.000 giấy phép con trong tổng số gần 7.000 điều kiện kinh doanh đang tồn tại. Nhiều trong số đó đã trở thành “giấy phép mẹ” nghĩa là điều kiện kinh doanh được quy định trong nghị định của Chính phủ. Nhiều giấy phép mẹ đã được bãi bỏ nhưng cũng không ít quy định lại được đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của các ngành.

Từ đó, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam kiến nghị, cần rà soát lại hệ thống luật pháp, những văn bản nào không phù hợp, làm ách tắc sản xuất kinh doanh cần dỡ bỏ. Cần tiếp tục cuộc chiến loại bỏ “giấy phép con”, khơi thông dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho sức sản xuất phát triển.

Ông Thâm cũng kiến nghị, cần dành những ưu tiên cho khu vực kinh tế tư nhân cũng như đầu tư chiều sâu cho nền kinh tế bằng việc đầu tư vào giáo dục vì đó là đầu tư cho trí thức khoa học và văn minh.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/loi-ich-nhom-loi-ich-san-sau-giay-phep-con-nhung-nut-that-can-phai-go-bo-cua-nen-kinh-te-thi-truong-118816.html