3 người ngộ độc, có 1 người tử vong do ăn cá nóc, bác sĩ cấp cứu khuyến cáo gì?

Mới đây xảy ra vụ ngộ độc cá nóc khiến 3 người cùng trú tại Thuận Nam, Ninh Thuận phải nhập viện, trong đó 1 người đã tử vong.

Chất độc trong cá nóc rất nguy hiểm

Trong thời gian qua, rất nhiều người ở khu vực Nam Trung Bộ bị ngộ độc cá nóc, có người đã tử vong.

Mới nhất là trường hợp của ông Huỳnh Văn C (sinh 1989), Đỗ Văn Ph (sinh năm 1989), Đỗ Tài Tr (sinh năm 1988) đều trú Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) cùng lúc bị ngộ độc cá nóc. Sau khi nhập viện cấp cứu, ông C đã tử vong ngày 16/9, hai ông Tr và Ph may mắn được cứu sống.

Trước tình trạng trên, TS.BS – Chuyên gia chống độc Nguyễn Lương Kỷ (Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) đã đưa ra nhiều phân tích và khuyến cáo liên quan đến cá nóc.

Theo bác sĩ Kỷ, độc tố có ở cá nóc là tetrodotoxin, là chất độc thần kinh. Người nào bị nhiễm chất này sẽ bị yếu và liệt cơ, nếu ngộ độc cá nóc nặng sẽ liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

1 ca cấp cứu tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa. Ảnh minh họa

Tetrodotoxin có trong cá nóc không bị nhiệt phá hủy (nấu chín, phơi khô, sấy…), nó được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút.

Theo nghiên cứu thực tế, chất độc tetrodotoxin tập trung ở da, ruột, gan và trứng cá nóc. Vì vậy con cá nóc cái thường độc hơn con cá nóc đực, nhất là mùa sinh sản. Không chỉ có ở cá nóc, chất độc này còn được phát hiện ở bạch tuộc đốm xanh, con so và một số loài ốc (ốc bùn bóng, ốc bùn răng cưa…).

Phần lớn các trường hợp ngộ độc cá nóc thường xuất hiện triệu chứng trong vòng 5 - 15 phút sau khi ăn. Một số ít trường hợp có triệu chứng muộn, khoảng 20 giờ sau khi ăn cá nóc.

Ban đầu, người bệnh sẽ thấy tê miệng, lưỡi, 2 môi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn. Kèm theo đó có thể có các triệu chứng như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó nói; bàn tay, bàn chân tê yếu, mất phản xạ. Trong 4 – 6 giờ các triệu chứng ngộ độc cá nóc có thể tiến triển nặng thêm và dẫn tới tê liệt, mất ý thức cuối cùng là suy hô hấp và tử vong.

Không nên ăn cá nóc

Từ nhiều vụ ngộ độc cá nóc nghiêm trọng đã xảy ra, chuyên gia chống độc Nguyễn Lương Kỷ đưa ra khuyến cáo, nhất định không ăn cá nóc dù mùa nào và hình thức nào, kể cả cá nóc khô.

Nếu không may đã trót ăn cá nóc, ngay khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc đầu tiên là tê lưỡi thì phải nhanh chóng gây nôn và đến cơ sở y tế. Tuyệt đối, không để bệnh diễn biến nặng hơn mới nhập viện vì ngộ độc cá nóc nếu đến bệnh viện muộn sẽ khó khăn trong công tác cấp cứu và điều trị.

Cá nóc là loài có độc tính cao.

Bác sĩ Kỷ phân tích thêm, hiện tại chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc cá nóc. Vậy nên, việc điều trị chủ yếu là hạn chế hấp thu chất độc vào cơ thể (gây nôn, rửa dạ dày, uống than hoạt…) và điều trị hỗ trợ các trường hợp nặng bị liệt cơ hô hấp hay rối loạn chức năng tim mạch bằng cách cho thở máy, bù dịch, dùng thuốc vận mạch, lọc máu…để loại bỏ chất độc.

Trong một năm qua, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) đã tiếp nhận cấp cứu 7 ca ngộ độc cá nóc và loại ốc bùn bóng. Trong đó có 6 ca cứu chữa thành công, 1 ca tử vong.

"Từ kinh nghiệm cấp cứu nhiều ca ngộ độc cá nóc cho thấy, việc điều trị nhanh hay lâu phụ thuộc vào người bệnh ăn nhiều hay ít, có được sơ cấp cứu kịp thời từ ngoại viện không và bệnh nhân vào viện sớm hay muộn"- TS.BS Nguyễn Lương Kỷ khẳng định.

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-nguoi-ngo-doc-co-1-nguoi-tu-vong-do-an-ca-noc-bac-si-cap-cuu-khuyen-cao-gi-169230920161434382.htm