3 năm thực hiện Nghị quyết 30a: Giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững

Hôm qua (16-12), Văn Phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị.

Cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm tại 62 huyện nghèo

Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyên trình bày nêu rõ, sau 3 năm triển khai thực hiện, kết quả cho thấy Nghị quyết 30a đã khắc phục được một phần những hạn chế, tồn tại trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đến nay, bình quân tỷ lệ nghèo của 62 huyện nghèo là khoảng 60% (chuẩn nghèo theo Quyết định số 09/2011); ước thực hiện đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo còn khoảng 55%, giảm được 5%. Đáng chú ý là sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, về cơ bản các huyện đã hoàn thành việc xóa nhà tạm ở 62 huyện nghèo, đạt 97,27% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Báo cáo cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là công tác truyền thông, phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân còn hạn chế. Thời gian đầu, việc ban hành các văn bản hướng dẫn của một số Bộ, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể khiến khi đưa xuống địa phương khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc phân cấp, giao quyền chủ động cho cấp huyện ở một số tỉnh thực hiện chưa triệt để.

Tại Hội nghị, về cơ bản, đại diện lãnh đạo các địa phương có huyện nghèo thuộc diện được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thống nhất với Báo cáo sơ kết của Bộ LĐ-TB&XH. Bên cạnh đó, cũng phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hầu hết các địa phương như Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đều đưa ra những khó khăn về nguồn vốn bố trí triển khai thực hiện các chương trình thuộc Nghị quyết 30a. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ngãi ở mức cao, trong đó có huyện nghèo nhất nước. Các huyện này do điều kiện tự nhiên và xã hội còn nhiều khó khăn, nên đầu tư nâng cao đời sống cho người dân không dễ dàng và cần nguồn lực rất lớn. Tỉnh đã xây dựng một số đề án hỗ trợ trong khuôn khổ Nghị quyết 30a và đã được Trung ương phê duyệt nguồn lực thực hiện, nhưng thực tế nguồn lực được bố trí còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lực chưa đáp ứng được những yêu cầu ban đầu đề án đặt ra, nên ảnh hưởng đến kết quả là điều khó tránh khỏi. Ngoài nguồn lực do Trung ương cấp, thì các địa phương còn nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trên địa bàn. Tuy nhiên, những năm gần đây do bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên nguồn cam kết này khó thực hiện đầy đủ. Do đó, đại diện nhiều địa phương khuyến nghị các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xem xét kết hợp với hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho lao động của địa phương. Điều này là bước đi hiệu quả lâu dài, góp phần xóa nghèo bền vững.

Giảm nghèo không phải chỉ có: Xóa nhà tạm

Từ phía các cơ quan Trung ương, vấn đề được quan tâm nhất chính là: Nghị quyết 30a sau 3 năm thực hiện đã đạt tốc độ giảm nghèo nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững. Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đặt câu hỏi: Những gì làm được là đáng quý, nhưng hiện mới đạt được mục tiêu cụ thể là xóa nhà tạm đạt 97,27%, thì chưa thể bền vững. Xóa nhà ở tạm nhưng trong nhà không có gì đáng giá thì làm sao giảm nghèo được? Trong khi bất hợp lý là cơ cấu vốn hỗ trợ đầu tư hiện nay là 80% đầu tư phát triển hạ tầng, chỉ có 20% hỗ trợ sản xuất – như thế là không hợp lý với mục tiêu xóa nghèo bền vững. Trong bước đi sắp tới cần chuyển trọng tâm vào hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo thu nhập ổn định cho người nghèo, nhằm giảm nghèo nhanh mà vẫn bảo đảm bền vững. Cơ cấu vốn hỗ trợ, thay vì tỷ lệ 80% (phát triển hạ tầng) - 30% (phát triển sản xuất) và hỗ trợ 1 lần trong 1 năm, nay nên thay đổi thành tỷ lệ 60% - 40%, và hỗ trợ nhiều lần, trong nhiều năm.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, nhận thức của hệ thống chính trị và dân cư có sự thay đổi đáng kể trong nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, coi đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Do đó, Nghị quyết 30a ra đời đã đi vào cuộc sống rất nhanh bằng các chính sách cụ thể. Phó Thủ tướng biểu dương các địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đạt được thành tích nổi bật; và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Thành tích mới chỉ là bước đầu, kết quả nhanh chóng đạt được nhưng phải làm sao để tiến tới bền vững. Trước mắt, những năm còn lại của giai đoạn 2011-2015, cả hệ thống chính trị nên cần kiên trì với mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Chính sách đã có, nhưng nếu chưa rõ ràng, hợp lý thì cần chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Việc bố trí đủ vốn cho việc thực hiện các chương trình là cần thiết, nhưng cần có sự cân đối linh hoạt, hợp lý; đồng thời gắn liền với giám sát, kiểm điểm kết quả sử dụng nguồn lực.

Cùng đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nhanh chóng xây dựng quy hoạch xóa đói giảm nghèo, lấy gốc của vấn đề giảm nghèo bền vững là tạo được quỹ đất sản xuất cho người dân, xây dựng mô hình sản xuất tốt, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để tiếp tục phát huy lợi thế và phù hợp từng vùng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu không đẩy nhanh công tác quy hoạch thì chính sách chồng chéo chính sách, vô hình chung lãng phí nguồn lực đầu tư, mà hiệu quả không cao.

VŨ ĐÀO

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=43740&menu=1434&style=1