3 lưu ý trước khi nhảy xuống cứu người đuối nước

Nếu không nằm lòng 3 lưu ý sau thì chính người cứu cũng có thể trở thành nạn nhân, kể cả khi bạn bơi giỏi.

Trong trường hợp gặp một người bị đuối nước, chắc ai cũng hiểu việc cứu người là khẩn cấp như thế nào. Tuy nhiên, nếu không nằm lòng 3 lưu ý sau thì chính người cứu cũng có thể trở thành nạn nhân, kể cả khi bạn bơi giỏi.

Để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, hãy đảm bảo bản thân phải ghi nhớ những điều sau đây trước khi quyết định nhảy xuống cứu người:

1. Nhận dạng người đang đuối nước

Thông thường, một người bị đuối nước bắt đầu chìm trong vòng 20s - 60s, nên nhận ra càng sớm, cơ hội cứu người càng cao. Dấu hiệu người đuối nước: Đầu tiên, đầu của họ ngửa ra sau, nhưng liên tục chìm rồi nổi, thân thể lại chỉ ở yên một chỗ, không hề di chuyển.

Miệng bị nước vào liên tục, hoặc chỉ hé được một chút bên trên mặt nước. Ngoài ra, người đó sẽ trông rất khổ sở, nhưng không hề kêu cứu, vì có thể chẳng đủ oxy mà làm chuyện đó.

2. Kêu cứu, ưu tiên sử dụng các vật cứu hộ

Sau khi biết có người đang đuối nước, việc đầu tiên bạn cần làm là tri hô. Bởi mọi sự hỗ trợ lúc này đều đáng quý.

Tiếp theo, hãy tìm các vật dụng hỗ trợ xung quanh. Tại các bể bơi hay bãi biển đều sẽ có dụng cụ cứu hộ nằm rải rác như phao, dây kéo... Nếu như nạn nhân còn ý thức và ở gần bờ, hãy lôi kéo sự chú ý của họ và ném ra một đoạn dây, hoặc dùng một cành cây dài để họ bám vào và kéo lên.

Nếu nạn nhân ở xa bờ, bạn có thể sử dụng dây thừng dài. Hãy cuộn dây lại thành một vòng cứng rồi ném về phía nạn nhân (nhớ cầm lại một đầu). Lý tưởng nhất là nhắm ném vượt qua nạn nhân rồi thu dây gần về phía họ.

3. Nhảy xuống cứu người

Trong trường hợp nạn nhân ở quá xa, không có bất kỳ vật dụng nào với đến được, hoặc quăng dây và phao nhiều lần mà nạn nhân không bắt được thì đó là lúc bạn cần phải nhảy xuống nước. Nhưng tất nhiên chẳng thể nhảy bừa, mà phải có sự chuẩn bị.

Đầu tiên, bạn phải đảm bảo chắc chắn rằng bạn có khả năng bơi, và phải là bơi giỏi. Người bơi giỏi chưa chắc đã cứu được người, nhưng người bơi kém hoặc không biết bơi nhảy xuống chỉ làm tăng số nạn nhân lên mà thôi.

Tiếp theo, tuyệt đối tránh "tay không nhảy xuống nước". Hãy cầm theo một vật có thể nổi được, có thể là trái bóng, lốp xe... chứ không nhất thiết phải là phao. Hoặc bạn phải cầm theo một sợi dây, với một đầu do người trên bờ cầm, hoặc được buộc cố định vào gốc cây.

Khi đã cầm trong tay vật hỗ trợ, hãy bơi về phía nạn nhân, hướng dẫn nạn nhân bám vào vật để nổi, sau đó bơi về gần bờ hoặc ra hiệu cho người trên bờ kéo về. Tuy nhiên có một điều tuyệt đối phải ghi nhớ: Phải tiếp cận nạn nhân từ sau lưng.

Người bị đuối nước lúc đó đang rơi vào trạng thái hoảng loạn, và họ sẽ làm mọi cách để nổi lên, kể cả việc dìm luôn người cứu xuống. Đa số trường hợp người cứu trở thành nạn nhân tiếp theo cũng vì hiện tượng này.

Đặc biệt trong trường hợp không có vật hỗ trợ, bạn càng phải chắc chắn rằng mình đã tiếp cận nạn nhân đúng hướng. Sau đó, ôm nạn nhân từ phía sau và kéo về gần bờ.

Trong trường hợp nạn nhân đã đuối sức và chìm hẳn trong nước, hãy tiếp cận nạn nhân từ phía dưới. Tóm vào nách nạn nhân, kéo đầu lên khỏi mặt nước và bắt đầu bơi về bờ.

Cách sơ cứu nạn nhân bị đuối nước

Sau khi đưa nạn nhân lên bờ thành công, bạn cần đánh giá tình hình lại một lần nữa.

Nếu như nạn nhân còn ý thức, hãy làm ấm cơ thể họ bằng vải khô.

Nếu nạn nhân bất tỉnh và không còn thở, hãy ngay lập tức thực hiện hô hấp nhân tạo và hồi sức tim phổi (CPR). Trong lúc ấy, những người xung quanh cần gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Chỉ thực hiện hô hấp nhân tạo cho người bị nạn mà tim còn đập (nhưng có thể gây ra thương tổn nguy hiểm).

Không được hô hấp nhân tạo nếu:

Tim nạn nhân ngừng đập.

Bạn không biết cách hô hấp nhân tạo.

Cách hô hấp nhân tạo

Để nạn nhân nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng.

Một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục hai hơi đối với người lớn, một hơi với trẻ em dưới 8 tuổi, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp. Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần. Trẻ dưới 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 - 30 lần.

Cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực

Khi nạn nhân bị ngưng tim (áp tai vào lồng ngực không nghe tim đập và sờ mạch không thấy mạch đập), ngay lập tức phải tiến hành cấp cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực.

Để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người tiến hành ép tim quỳ gối bên trái nạn nhân. Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - 5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đónới lỏng tay ra.

Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút.

Khi nạn nhân vừa ngưng tim vừa ngưng thở: Phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt hai lần, với trẻ sơ sinh là ba lần ép tim thổi ngạt một lần.

Sau khi bệnh nhân tự thở được cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201708/3-luu-y-truoc-khi-nhay-xuong-cuu-nguoi-duoi-nuoc-2834332/