3 lớp phòng không dày đặc của Nga khiến kẻ thù "khóc thét"

Kể từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thẳng thừng bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria, giới lãnh đạo Nga đã quyết định tăng cường bảo vệ an ninh cho phi đội máy bay của họ đang làm nhiệm vụ trên chiến trường quốc gia Trung Đông bằng việc thiết lập 3 lớp phòng không dày đặc.

Ảnh minh họa

Hôm 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên trong hơn một nửa thế kỷ bắn rơi một máy bay Su-24 của Nga, khiến một phi công thiệt mạng. Ankara tuyên bố bắn máy bay Nga vì chiếc máy bay này liên tục xâm phạm không phận của họ. Đáp lại, Moscow khẳng định chắc chắn rằng, Su-24 của Nga không hề xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khỏi phải nói Nga tức giận như thế nào trước hành động thẳng thừng và phũ phàng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin miêu tả hành động của Ankara là một cú đâm sau lưng của kẻ đồng lõa với tổ chức khủng bố khét tiếng IS. Giới chức ở Moscow cảnh báo sẽ khiến Nga phải trả giá về hành động của họ. Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay của Nga.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hành động của Ankara đã giúp Moscow có lý do đưa một loạt vũ khí hàng đầu đến Syria, dựng lên một hệ thống phòng thủ kiên cố 3 lớp, khiến các kẻ thù của Nga cũng như Syria khó lòng lọt qua.

Nga tuyên bố, từ sau vụ Su-24 bị bắn rơi, nước này sẽ không để cho lực lượng của họ ở Syria gặp bất kỳ mối đe dọa nào. Moscow đồng thời cảnh báo sẽ không ngại ngần bắn rơi bất kỳ chiếc máy bay nào gây ra mối đe dọa dối với các lực lượng Nga đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông.

Hệ thống phòng không 3 lớp kiên cố, dày đặc và tinh vi của Nga được tạo nên bởi các lớp vũ khí hàng đầu.

Cụ thể, lớp đầu tiên được bảo vệ bởi các tên lửa đáng sợ S-400 và S-200VE.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

Trong khi đó, hệ thống tên lửa S-200 được chế tạo và đưa vào trang bị lần đầu tiên và năm 1966. Những quả tên lửa S-200 được thiết kế với mục đích tiêu diệt bằng được các loại máy bay ném bom hay máy bay chiến đấu chiến lược kiểu B-52 và SR-71 Blackbird của quân đội Mỹ.

Lớp thứ hai trong hệ thống phòng không của Nga tại Syria được bảo vệ bởi tên lửa S-300FM Fort-M và tên lửa tầm trung Buk-M2E.

S-300FM Fort-M là một phiên bản hải quân của hệ thống S-300F, chỉ được lắp đặt trên tàu tuần tiễu lớp Kirov RFS Pyotr Velikiy và sử dụng loại tên lửa 48N6 mới. S-300FM Fort-M được giới thiệu năm 1990 và tăng tốc độ tên lửa lên xấp xỉ Mach 6 với tốc độ tiếp chiến mục tiêu tối đa lên tới Mach 8.5, tăng kích thước đầu đạn lên 150 kg và tăng tầm tiếp chiến một lần nữa lên 5–150 km, cũng như độ cao tác chiến 10m-27 km. Các tên lửa mới cũng sử dụng biện pháp dẫn đường tối tân và có khả năng ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

S-300FM Fort-M sử dụng radar kiểu TOMB STONE MOD thay cho radar TOP DOME, có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km. Hệ thống sử dụng một máy tính điện tử, có khả năng theo dõi sáu mục tiêu cùng lúc và hướng dẫn hai tên lửa cho mỗi mục tiêu cùng một lúc.

Về phần Buk-M2E, đây là hệ thống phòng không tự hành, được thiết kể để bảo vệ đội hình tác chiến trong hành tiến của các sư đoàn cơ giới. Hệ thống Buk-M2E sử dụng đạn tên lửa 9M317E (nặng 715 kg, dài 5,55 m, đường kính thân 40 cm, sải cánh 86 cm) tính năng cao do có đường kính thân sau lớn hơn, vây ổn định giữa thân ngắn hơn nên có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay với tốc độ lên đến 1.200 m/s ở tầm cao 25 km.

Buk-M2E có thể bắn hạ được máy bay chiến thuật, chiến lược, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình, vật bay khí động học, tên lửa đạn đạo chiến thuật trong phạm vi 45 km. Xác suất tiêu diệt máy bay tiêm kích F-15 của Buk đạt 90-95%; với tên lửa hành trình tấn công mặt đất đạt 70-80%; tên lửa đạn đạo chiến thuật đạt 60-70%; trực thăng và máy bay không người lái đạt 70-80%.

Buk-M2E còn có cả các thiết bị chế áp điện tử để bảo vệ hệ thống trước các tên lửa dẫn đường và bom thông minh của đối phương. Tên lửa này cũng kèm theo hệ thống radar phát hiện mục tiêu và điều khiển hỏa lực.

Lớp phòng không thứ ba được hỗ trợ bởi các hệ thống tên lửa Osa-AKM và S-125 Pechora-2M.

9K33M3 Osa-AKM là biến thể nâng cấp hiện đại nhất hiện nay của dòng tên lửa phòng không tầm thấp 9K33 Osa được Liên Xô giới thiệu lần đầu tiên vào đầu những năm 1980. Tầm bắn hiệu quả của tổ hợp tên lửa phòng không Osa-AKM được nâng lên đáng kể so với các phiên bản trước đó, nó có thể bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách 15km và ở độ cao 12.000m.

Hệ thống radar của Osa-AKM cũng được nâng cấp, với khả năng phát hiện mục tiêu và khai hỏa chỉ trong vòng 26 giây và nó có thể dẫn đường cho 2 tên lửa cùng một lúc.

Trong khi đó, S-125 Pechora là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô, được thiết kế để bổ sung cho tên lửa S-25 và S-75.

Vân Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201602/3-lop-phong-khong-day-dac-cua-nga-khien-ke-thu-khoc-thet-521978/