3 khả năng dẫn đến xung đột quân sự Mỹ - Trung Quốc ở Biển Đông

Khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang theo đuổi những mục tiêu riêng ở Biển Đông, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự hoàn toàn có thể xảy ra xuất phát từ lực lượng chiến đấu cơ, tàu chiến và tàu ngầm của hai bên.

Tạp chí National Interest dẫn nhận định của ông Robert Farley, giảng viên tại Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson cho rằng trong tương lai gần, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn có chiến tranh. Bởi ngay cả khi được chính phủ mạnh tay chi tiền đầu tư phát triển các loại vũ khí, quân đội Trung Quốc hiện vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu với Mỹ. Về phần mình, chắc chắn, Mỹ cũng muốn tránh rơi vào cảnh hỗn loạn cũng như tránh mọi khả năng làm bùng nổ xung đột với Trung Quốc.

Xung đột trên Biển Đông hoàn toàn có thể xảy ra khi mà Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi những mục tiêu của riêng mình.

Song, nguy cơ bùng nổ xung đột hoàn toàn có thể xảy ra khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang theo đuổi những mục đích riêng của mình ở Biển Đông. Cụ thể, Trung Quốc không ngừng có hành động bành trướng mở rộng chủ quyền đơn phương như xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hành động của Mỹ đang khiến chính quyền Bắc Kinh đứng ngồi không yên.

Ông Farley cho rằng, có 3 khả năng dẫn tới xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ tiến gần đảo nhân tạo

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông mà giới chuyên gia vẫn thường gọi là "vạn lý trường thành bằng cát".

Cụ thể, Trung Quốc đã cho mở rộng diện tích một nhóm đảo trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để phục vụ hoạt động xây dựng các đường băng, lưu trữ vũ khí và các cơ sở hạ tầng kiên cố khác. Hành động của Trung Quốc đã thể hiện cam kết của chính quyền Bắc Kinh trong việc bảo vệ các đảo nhân tạo mới được xây dựng trái phép ở Biển Đông như một phần của lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, hành động này hoàn toàn đi ngược lại với Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc.

Về phần mình, Mỹ vẫn triển khai chương trình tuần tra với lý do được đưa ra là để "đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông". Các tàu chiến của Mỹ còn tiến sát tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Hành động của quân đội Mỹ và Trung Quốc có thể nhanh chóng bùng phát thành xung đột. Nếu tàu chiến hoặc chiến đấu cơ của Mỹ tiến vào vùng biển Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, các thủy thủ, binh sĩ và phi công Trung Quốc sẽ ngay lập tức đưa quân đội Mỹ vào tầm ngắm. Và chỉ cần một phản ứng quân sự cũng sẽ nhanh chóng khiến tình hình căng thẳng leo thang đẩy Mỹ vào thế là bên phải chịu thiệt hại nặng nề.

Va chạm trên không

Trung Quốc và Mỹ đã từng vài lần đứng trước bờ vực rơi vào xung đột sau các vụ va chạm máy bay quân sự. Cụ thể, khi chiếc máy bay trinh sát P-3 Orion va chạm với máy bay quân sự J-8 của Trung Quốc vào năm 2001, hai bên đã phải mất tới vài tuần lời qua tiếng lại đổ lỗi cho nhau cũng như tiến hành đàm phán trước khi phi hành đoàn P-3 được quay trở về Mỹ.

Còn trong thời điểm hiện nay, tình trạng căng thẳng sẽ còn gia tăng nhanh chóng nếu như phi công Trung Quốc nổ súng bắn máy bay Mỹ hoặc ngược lại. Đặc biệt, nếu như phi công Mỹ nổ súng về phía máy bay Trung Quốc, dư luận Trung Quốc sẽ nhanh chóng dậy sóng và buộc chính quyền Bắc Kinh có hành động đáp trả Washington.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc quyết tâm biến tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông thành sự thật, tình hình sẽ còn trở nên phức tạp hơn.

Ngoài tuyên bố phản đối, Mỹ đã có những hành động phớt lờ trước việc Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh. Nhưng ở Biển Đông, vùng biển chiến lược gắn với lợi ích lớn, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ qua cho Mỹ nếu như Washington phớt lờ vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập.

Điều chắc chắn, nếu như Trung Quốc ban bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, Mỹ sẽ lên tiếng phản đối và có những hành động thách thức Trung Quốc như ở biển Hoa Đông. Đây sẽ là lúc các máy bay Trung Quốc và Mỹ áp sát nhau một cách nguy hiểm và nguy cơ va chạm dẫn tới bùng nổ xung đột hoàn toàn có thể xảy ra.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.

Đụng độ tàu ngầm

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũ và NATO đã trải qua không ít lần tàu ngầm hai bên "gần như mất tích" trong quá trình truy đuổi nhau và thậm chí còn đâm nhau ở Đại Tây Dương, Bắc Cực và Bắc Hải.

Tuy nhiên, sự việc tương tự khó có thể xảy ra với lực lượng tàu ngầm của Mỹ và Trung Quốc một phần là do Trung Quốc đã thiết lập hoạt động tuần tra bằng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN). Quan trọng hơn, các tàu ngầm Trung Quốc hiện thời không có khả năng hoạt động tầm xa như các tàu ngầm của Liên Xô trước đây. Song một khi lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc được trang bị khả năng hoạt động ngày càng xa thì nguy cơ xảy ra va chạm cũng sẽ ngày một tăng.

Hiện tại, nhiều nhà phân tích Trung Quốc có chung nhận định rằng, hải quân nước này cần đưa lực lượng tàu ngầm hoạt động ngoài chuỗi đảo thứ nhất để ngăn chặn Mỹ tiếp cận khu vực bờ biển quốc gia. Song hành động này sẽ đẩy các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ngay sát khu vực mà các tàu ngầm Mỹ và Nhật Bản đang được triển khai.

Và nếu một vụ va chạm tàu ngầm xảy ra giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, chắc chắn tổn thất về người và tài sản sẽ lớn hơn nhiều so với một vụ va chạm chiến đấu cơ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/3-kha-nang-dan-den-xung-dot-quan-su-my-trung-quoc-o-bien-dong-post239480.info