3 điểm đáng chú ý trong phương án tuyển sinh năm 2022Tin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19

Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố đề án điều chỉnh và thay đổi các phương thức tuyển sinh năm 2022. Phương án tuyển sinh của các trường cơ bản giữ ổn định về quy mô nhưng có nhiều điểm mới về phương thức so với năm 2021.Thí sinh có nhiều cơ hội tham gia thi đánh giá năng lựcThi sính dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hà Thu

Điểm đáng chú ý nhất trong tuyển sinh năm 2022 là các trường đại học mở rộng phương thức tuyển sinh, tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh. Theo đó, các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội được nhiều khối trường đăng ký sử dụng kết quả bài thi như một trong số các phương thức để xét tuyển năm học 2022.

Các bài thi đánh giá các năng lực cơ bản của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thành 2 đợt và thí sinh chỉ cần làm 1 bài thi duy nhất. Đợt 1 dự kiến vào ngày 27-3-2022 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7-2022. Từ năm 2022, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia.

Còn Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ thi đánh giá năng lực trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022 vẫn trong quá trình chuẩn bị. Dự kiến năm 2022 sẽ bố chính thức và theo diễn biến của dịch bệnh. Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để tham gia thi đánh giá năng lực nếu đảm bảo yêu cầu dịch tễ. Hiện đã có 30 trường ĐG sử dụng kết quả này. Cụ thể, các trường thành viên, khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Cục nhà Nhà trường (Bộ Quốc phòng); các trường thành viên, khoa thuộc Đại học Huế; các trường, khoa thuộc Đại học Thái Nguyên;

Các trường đại học: Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Thương Mại, Vinh, Công nghệ Giao thông vận tải, Tài Nguyên Môi trường, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp; Tân Trào; Phenikaa, Hồng Đức, Học viện Tòa án, Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Lao động – Xã hội, Sư phạm Hà Nội 2, Thủ đô, Hùng Vương, Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Học viện Ngân hàng, Nông – Lâm Bắc Giang, Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Công nghiệp Việt Trì, Điện lực.

Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra phương thức tuyển sinh dự kiến hệ đại học chính quy năm 2022. Trường tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm 3 phần: phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Kỳ thi sẽ tổ chức thi thử vào 2 đợt. Hiện đã có 8 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 để xét tuyển.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Cùng với việc sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH, chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng thay đổi. Các trường tốp đầu có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra phương thức tuyển sinh dự kiến hệ đại học chính quy năm 2022. Theo đó, trường tuyển sinh bằng 3 phương án và thay đổi đáng kể về chỉ tiêu. Trường dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Tương tự, Trường Đại học Giao thông Vận tải sẽ duy trì 4 phương thức tuyển sinh. Trường dành 40 – 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ THPT là 20 – 30% chỉ tiêu, tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế chiếm 1 – 2% chỉ tiêu và xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp là 5 – 10%.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. 70% chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, Trường Đại học Thăng Long dự kiến tuyển 30-50% trong tổng 3.230 chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.

Bổ sung phương thức xét tuyển

Nhằm đa dạng nguồn tuyển và cơ hội cho thí sinh, nhiều trường thông báo sẽ bổ sung thêm phương thức xét tuyển. Cụ thể, năm 2022 Trường Đại học Thủy lợi dự kiến sẽ áp dụng thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh dựa theo 4 phương thức là xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngoài 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp, trường có thêm phương thức xét tuyển khác, đó là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức.

Ngoài các trường ĐH phía Bắc, nhiều trường ĐH phía Nam cũng công bố phương án tuyển sinh 2022. Có thể thấy, phương thức tuyển sinh năm nay phong phú hơn năm trước khi nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong xét tuyển. Tuy vậy, phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được lựa chọn và coi là chủ đạo trong mùa tuyển sinh 2022 bởi chỉ tiêu dành cho phương thức này ở nhiều trường vẫn chiếm tỷ lệ từ 50-70%.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo những trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thời gian tổ chức Kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch Covid-19 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố; đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.

Theo Quandoinhandan

THANH PHONG - TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/468360-3-diem-dang-chu-y-trong-phuong-an-tuyen-sinh-nam-2022.html