3.000m3 nước thải chưa được xử lý mỗi ngày

(ANTĐ) - Đến thời điểm này, Hà Nội có tổng cộng 60 BV trực thuộc thành phố, gồm 40 BV công và 20 BV tư nhân. Trong khi áp lực từ công tác khám chữa bệnh ngày càng lớn thì việc xử lý chất thải y tế độc hại tại các BV cũng còn rất nhiều khó khăn.

Theo quy định của Bộ Y tế, những BV đa khoa, chuyên khoa tư nhân đều phải có phương án xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng y tế độc hại mới được cấp phép hoạt động. Thế nhưng đến thời điểm này tại Hà Nội mới chỉ có 9 BV công có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế độc hại, 6 BV đang trong quá trình đầu tư lắp đặt hệ thống. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, dự kiến đến hết năm 2010, sẽ có 15 BV của thành phố có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế độc hại, hết quý 2-2011 tiếp tục có thêm 10 BV nữa được trang bị lắp đặt hệ thống này, nâng tổng số BV công lập có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế độc hại lên 25/40 BV. Hiện tại, các BV của Hà Nội chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế độc hại vẫn đang cố gắng khắc phục bằng cách thu gom, đưa vào bể đựng, thực hiện xử lý bằng phương pháp vi sinh (sử dụng Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước thải trước khi xả thẳng vào hệ thống nước thải chung của thành phố). Biện pháp này về cơ bản vẫn đảm bảo được vệ sinh nguồn nước, môi trường, song nếu quá trình xử lý nước thải chưa sạch, không được giám sát thường xuyên rất dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm, nhiều chất độc hại trong nước thải BV chưa được xử lý kỹ đã đổ vào môi trường, là nguồn lây truyền bệnh nguy hiểm. Do đó, một số BV cũng đang trong giai đoạn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các BV còn lại thuộc thành phố, các quận, huyện sẽ tiếp tục được cải tạo, nâng cấp. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2011 cả 40 BV công lập trên địa bàn đều được trang bị hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế. Về hệ thống xử lý chất thải rắn, hiện tất cả các BV trong khu vực nội thành đều có hợp đồng xử lý, thu gom rác thải theo lò đốt rác thải y tế tập trung. Tuy nhiên đối với khu vực phía tây Hà Nội hiện mới có BV Hà Đông và Sơn Tây đã lắp đặt hệ thống xử lý chất thải rắn. Một số BV đa khoa khu vực hoặc BV huyện như BV Vân Đình, BV huyện Chương Mỹ… hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn độc hại. Phòng điều hành xử lý nước thải tại BV Xanh Pôn Trên thực tế, qua các đợt kiểm tra gần đây, không chỉ các BV chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế mà ngay tại những BV đã đầu tư xây dựng được hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế tương đối hiện đại, việc vận hành xử lý vẫn tồn tại rất nhiều vi phạm. Nguyên nhân chủ quan là do việc xử lý chất thải rất tốn kém. Theo thống kê, chỉ tính riêng 32 BV lớn ở Hà Nội mỗi ngày xả trên 6.000m3 nước thải, trong đó gần một nửa chưa qua xử lý. Đây chính là một trong những nguồn ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Về điều này, ông Lê Anh Tuấn cho biết, để giám sát, xử lý vi phạm, Sở đã yêu cầu giám đốc các BV phải có sổ nhật ký ghi chép lại hoạt động của hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế của đơn vị mình theo định kỳ. Ngoài tính tự giác, tự chủ từ lãnh đạo các BV còn có sự phối hợp giám sát, thanh kiểm tra thường xuyên của các lực lượng thanh tra y tế, thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường trong việc thực hiện đúng, đảm bảo quy trình, kĩ thuật khi xử lý chất thải y tế độc hại. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, đảm bảo tuyệt đối về cảnh quan môi trường xung quanh BV. Đặc biệt, nếu như BV đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng vận hành không đúng hoặc không đảm bảo được quy trình xử lý chất thải lỏng y tế thì càng phải xử lý nghiêm. Cũng theo ông Tuấn, việc xử lý chất thải lỏng y tế độc hại có phần khấu hao về vật tư nhất định. Tất cả phần này ngoài kinh phí nhà nước cấp theo định mức giường bệnh, theo định mức bảo hiểm y tế, nguồn thu viện phí… còn tính từ nguồn thu dịch vụ của mỗi BV. Chẳng hạn, BV có dịch vụ lớn, thu được nhiều thì cũng phải bỏ ra một phần nhất định để xử lý môi trường.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83071&channelid=5