28 ngày danh vọng của Flappy Bird

Sau khi “cha đẻ” của Flappy Bird phải hứng chịu những hoài nghi vô căn cứ, trang công nghệ Mashable đã có hẳn một bài viết minh oan cho anh: “28 ngày danh vọng: Câu chuyện hay và ly kỳ về Flappy Bird”

Chỉ trong vài tuần, Flappy Bird đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao nó lại có thể thành công nhanh đến vậy. Rất khó biết được chính xác câu chuyện thành công của Flappy Bird, một phần vì "cha đẻ" của nó, Nguyễn Hà Đông luôn từ chối các lời phỏng vấn báo chí.

Tuy nhiên, Mashable đã sử dụng những thông điệp trên Twitter của Hà Đông và những dữ liệu xếp hạng ứng dụng từ hãng phân tíchứng dụng App Annie tại thời điểm Flappy Bird bắt đầu được biết đến qua cách thức truyền miệng, nhằm tìm kiếm con đường thành công của game này.

Flappy Bird là "một điều kì diệu tự nhiên".

Phần lớn các dữ liệu xung quanh Flappy Bird và thành công bất ngờ của nó là của Zach Williams, một nhà phát triển đã phân tích các số liệu của game này.

Williams đã lấy tất cả những đánh giá ứng dụng Flappy Bird trên iTunes trước khi nó bị gỡ bỏ. Tổng cộng có khoảng hơn 68.000 đánh giá. Sử dụng những thông tin này, Mashable đã có thể tìm ra được những câu chuyện xung quanh thời điểm game này bắt đầu thu hút được sự chú ý, tình cảm của người chơi và leo thang trên bảng xếp hạng.

Thành công tuyệt đối của trò chơi đã khiến cho một số người buộc tội Hà Đông đã sử dụng những cách thức gian lận như mua lưu lượng truy cập hoặc trả tiền để có các đánh giá, đưa Flappy Bird lên top đầu bảng xếp hạng. Tuy nhiên, sau khi xem xét các dữ liệu tương ứng với thời điểm Flappy Bird bắt đầu được truyền miệng, Mashable không tìm thấy bất kì dấu hiệu sai phạm hay gian lận nào.

Thực tế là Flappy Bird không phải là một trò gian lận, mà là một điều kì diệu tự nhiên.

Lúc bắt đầu

Flappy Bird bắt đầu được xuất hiện vào tháng 11/2012 khi trên Twitter, Hà Đông chia sẻ đang tạo một trò chơi, nhưng không kèm thêm thông tin gì.

Sau đó, vào tháng 4/2013, Nguyễn chia sẻ hình chụp màn hình đầu tiên của một game trên iOS có tên gọi Flap Flap. Anh viết: “Một trò chơi đơn giản mới. Flap Flap”.

Game này có đồ họa theo phong cách Nintendo. Đông cho biết anh xây dựng game này chỉ trong hai ngày.

Một tháng trôi qua không có tin mới gì về Flap Flap. Vì đã có ứng dụng khác tên Flap Flap trên App Store nên anh đã đổi tên game thành Flappy Bird .

Flappy Bird bắt đầu ra mắt trên App Store vào ngày 24/5/2013. Hà Đông cũng tweet điểm số cao của mình khi chơi game này cùng với đó là đường dẫn tải trực tiếp game về chơi.

Điềm tĩnh trước “bão”

Sau khi phát hành Flappy Bird, Hà Đông dường như “bỏ rơi” game này và tài khoản Twitter của mình. Theo dữ liệu đánh giá ứng dụng từ App Store, trong khoảng từ 25/5 tới 31/10, Flappy Bird chỉ có 13 ý kiến phản hồi.

Tháng 9/2013, Hà Đông đã phát hành bản cập nhật đầu tiên cho Flappy Bird để sửa một vài lỗi và thêm một biểu tượng mới cho iOS 7.

Trò chơi này tiếp tục “im hơi lặng tiếng” trong 6 tuần tiếp theo. Sau đó, một điều kì diệu đã xảy ra, Flappy Bird đã vào vị trí 1469 trong thể loại game “Family” (Gia đình) vào ngày 29/10, có nghĩa là nó là game “Family” phổ biến thứ 1469 trên App Store.

Tên đầu tiên của Flappy Bird là Flap Flap.

Theo App Annie, ngày 14/11, Flappy Bird vào các bảng xếp hạng trò chơi của Mỹ, ở vị trí 1368, đồng thời bước lên vị trí thứ 393 trong thể loại game “Family”.

Flappy Bird bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý ở cả hai thể loại trên trong suốt tháng Mười Một. Các đánh giá cũng nhiều hơn. Nhiều đánh giá thể hiện sự yêu ghét lẫn lộn đối với game này. Một người phản hồi: “Tôi vừa yêu vừa ghét game này và tôi rất nghiện nó. Đây là một trò chơi tuyệt vời, nhưng tôi không thể vượt qua điểm số 15”.

Cuốn hút

Hôm 3/12/2013, Flappy Bird chính thức bước vào bảng xếp hạng tổng thế của App Store. Tại thời điểm đó, nó đã đứng ở vị trí 74 trong mục game “Family” và 395 trong game Mỹ.

Trò chơi này tiếp tục phổ biến nhiều hơn. Hôm 11/12/2013, Hà Đông trả lời một người dùng về phiên bản Android của game.

Đến ngày 13/12, Flappy Bird đã lọt vào top 250 ứng dụng miễn phí ở Mỹ, top 80 game của Mỹ và xếp hạng 14 trong “Family”.

Nhiều người dùng bắt đầu tweet lại game này để giới thiệu với bạn bè, bày tỏ sự khó chịu và thất vọng vì không thể chơi giỏi. Hà Đông cũng dành thời gian trả lời lại một số tweet hài hước.

Thời điểm này, Flappy Bird bắt đầu có tới 20 đánh giá mỗi ngày. Nhiều người nói rằng: “Tôi ghét game này nhưng không thể ngừng chơi được”.

Tìm kiếm thành công

Ngày 10/1, Flappy Bird đạt được một mốc quan trọng: Nó đã lọt top 10 ở Mỹ với ứng dụng miễn phí được tải về nhiều thứ 8 và là game miễn phí được tải về nhiều thứ 6.

Kể từ đây, nhiều nhà phát triển game bắt đầu tỏ ra khó chịu. Nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Hà Đông có làm gì gian lận để Flappy Bird vào vị trí top hay không. Hà Đông đã thẳng thừng trả lời rằng anh không làm gì hết. Anh cũng bày tỏ sự phấn khích của mình khi ứng dụng tiếp tục leo thang trong App Store.

Flappy Bird lọt top 10 ứng dụng miễn phí ở Mỹ.

Số lượng tải Flappy Bird về đã tăng tới 136% vào ngày 13/1. Và tới ngày 17/1, nó đã trở thành ứng dụng miễn phí số 1 trên App Store của Mỹ.

Ngày 22/1, Hà Đông thông báo đã có phiên bản dành cho Android trên Google Play. Chỉ trong một tuần, Flappy Bird đã trở thành ứng dụng được tải nhiều trên Google Play.

Đến ngày 24/1, các phương tiện truyền thông bắt đầu chú ý tới Flappy Bird. Các trang tin chuyên về game nổi tiếng như BuzzFeed và Kotaku đã viết bài bày tỏ sự ngạc nhiên về sự thành công của nó. Các nhà phát triển bắt đầu mổ xẻ và bắt đầu đưa ra những cáo buộc vô cớ.

Flappy Bird cũng bắt đầu “nổi đình nổi đám” trên Twitter. Kể từ ngày 25/1, những thông điệp có cụm từ "Flappy Bird" đã vượt qua số 500.000 mỗi ngày.

Hàng loạt các phương tiện truyền thông viết về nó.

Đến ngày 1/2, Flappy Bird đã trở thành game miễn phí số 1 trên App Store của 53 quốc gia.

Vào ngày 6, Apple thậm chí còn phải thừa nhận sự thành công game này, tweet Flappy Bird lên cả tài khoản Twitter chính thức của App Store.

Nhiều phương tiện truyền thông bắt đầu muốn nói chuyện với Hà Đông. Tuy nhiên, anh nhận rất ít cuộc phỏng vấn.

Phát biểu trên TechCrunch, anh nói: "Tôi không biết tại sao game của tôi lại phổ biến đến thế. Hầu hết người chơi đều là các em học sinh. Tôi muốn cảm ơn họ vì đã chơi game của tôi và chia sẻ nó với người khác”.

Kết thúc buồn

Những suy đoán, quy kết rằng Hà Đông đã gian lận để Flappy Bird thành công ngày càng nhiều. Thậm chí nhiều người còn cho rằng Hà Đông đã ăn cắp ý tưởng của game Mario của Nintendo, mặc dù nhiều chuyên gia phát triển game cho rằng việc lấy ý tưởng từ các game cổ điển, được yêu mến là chuyện phổ biến trong làng game thế giới.

Do không chịu nổi áp lực quá, Hà Đông đã gỡ bỏ game này khỏi App Store và Google Play, khiến nhiều người yêu thích Flappy Bird phải tiếc nuối.

Phạm Khánh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/28-ngay-danh-vong-cua-flappy-bird-post116778.info