24 năm TT Putin cầm quyền: Những thăng trầm và thách thức tương lai nước Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2024 tới. Trong suốt 24 năm cầm quyền, dù ở cương vị tổng thống hay thủ tướng, ông Putin đã vạch ra nhiều chính sách đặc biệt, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nước Nga.

Nền kinh tế Putin

Theo Moscow Times, về mặt kinh tế, 24 năm cầm quyền của Tổng thống Putin có thể được chia thành 4 thời kỳ rõ rệt, bao gồm những năm cải cách của nhiệm kỳ đầu tiên (1999 – 2003), những năm “thống kê” của nhiệm kỳ thứ hai (2004 – nửa đầu năm 2008), những năm khủng hoảng và phục hồi kinh tế thế giới (nửa cuối năm 2008 – 2013) và những năm chiến sự với Ukraine, sự cô lập với nền kinh tế toàn cầu và tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài (2014 – nay).

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Putin đã phê duyệt “Chương trình Gref” vào năm 2000. Đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nga trong giai đoạn 2000 – 2010, đưa ra các cải cách về thuế và lương hưu.

Chương trình này còn giúp xóa bỏ đáng kể các rào cản đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ dân sự và đẩy mạnh đàm phán về việc Nga gia nhập WTO. Nhờ đó, nền kinh tế Nga đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cao và giá trị của đồng rúp mạnh lên.

Ở giai đoạn thứ hai, quá trình quốc hữu hóa nền kinh tế bắt đầu. Những cải cách được tiếp tục trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô và tài chính. Nợ nhà nước gần như được trả hết và Quỹ Bình ổn được thành lập.

Ông Putin tiếp tục tranh cử Tổng thống.

Hệ thống bảo hiểm tiền gửi được thành lập, giúp các ngân hàng lấy lại niềm tin từ người dân. Điều này cũng tạo ra những cơ hội phát triển của khu vực tài chính và tăng trưởng của cho vay doanh nghiệp và bán lẻ, từ đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Những cải cách đúng đắn đã mang lại kết quả ấn tượng. GDP của Nga đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 7% trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Putin. Trong 10 năm từ 1999 đến 2008, GDP của Nga đã tăng trưởng 94%. GDP của Nga đã tăng từ 210 tỷ USD năm 1999 lên 1,8 nghìn tỷ USD năm 2008.

Đây chính là một trong những thập kỷ tăng trưởng nổi bật nhất trong lịch sử kinh tế Nga. Ngay cả trong thời kỳ công nghiệp hóa của Stalin, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Nga cũng chỉ đạt trung bình 5% mỗi năm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thời kỳ bùng nổ này còn được hỗ trợ bởi giá dầu tăng. Theo ước tính của Moscow Times, khoảng 1/3 đến 1/2 tăng trưởng GDP trong thập kỷ đầu cầm quyền của ông Putin là kết quả của việc giá dầu tăng gần 8 lần, từ 13 USD/thùng năm 1998 lên 97 USD/thùng năm 2008.

Ở giai đoạn ba, chính phủ Nga đã xây dựng và thông qua “Khái niệm phát triển kinh tế xã hội dài hạn của Liên bang Nga đến năm 2020”, trong đó ưu tiên việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, đầu tư nhân lực và đổi mới.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đã khiến những cải cách của Nga không thành hiện thực và Nga bắt đầu từ bỏ các kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn.

Vào năm 2012, Tổng thống Putin vạch ra một chương trình phát triển mới với tham vọng tạo ra một nền kinh tế mới. Tháng 5/2012, ông đã ký “Sắc lệnh tháng 5”, trong đó có sắc lệnh liên quan đến chính sách kinh tế nhà nước dài hạn. Sắc lệnh này kêu gọi cải thiện môi trường đầu tư, thu hẹp đáng kể sự hiện diện của nhà nước trong nền kinh tế.

Giá dầu tăng góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ kinh tế Nga.

Dẫu vậy, sau giai đoạn phục hồi ngắn ngủi 2010 – 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga bắt đầu suy giảm nhanh chóng và chỉ còn 1,8% GDP vào năm 2013. Đến năm 2014, Nga là nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới, sản xuất hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,05 nghìn tỷ USD.

Ở giai đoạn từ 2014 đến nay, ảnh hưởng của lệnh trừng phạt từ phương Tây đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga từ 1-1,5 điểm phần trăm mỗi năm.

Thay vì tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 6%, tỷ lệ này chưa bao giờ vượt quá 1% trong giai đoạn 2012-2018. Tính theo đồng USD, GDP của Nga trong giai đoạn này vẫn ở mức năm 2008.

Tuy nhiên, Nga đã trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất với vị trí thứ 8 lần đầu tiên kể từ năm 2014 sau khi sản xuất lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga đã giành lại chủ quyền kinh tế từ tay các tập đoàn tư bản nước ngoài, đơn cử như thu về quyền khai thác và sử dụng 256 mỏ khoáng sản trước đó từng bị rơi vào tay các công ty nước ngoài; quốc hữu hóa 65% ngành công nghiệp dầu mỏ, 95% công nghiệp khí đốt, 99% ngành công nghiệp sản xuất rượu và chất có cồn.

Nga còn phục hồi và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng do Nhà nước quản lý trên cơ sở 50 công ty công nghiệp quốc phòng. Tổ hợp này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo và sản xuất các loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất, giúp đưa Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu và có uy tín nhất thế giới.

Với những đóng góp cho nền kinh tế Nga, ông Putin được tạp chí danh tiếng Fobes (Mỹ) bình chọn là một trong mười nhà lãnh đạo có quyền lực nhất trên thế giới. Năm 2007, tạp chí danh tiếng The Time (Mỹ) bình chọn ông Putin là “Nhân vật của năm”.

Kinh tế Nga thăng - trầm trong 24 năm ông Putin cầm quyền.

Thách thức ở chặng đường tiếp theo

Trải qua nhiều thăng trầm trong 24 năm cầm quyền, theo Reuters, ông Putin có thể sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức kinh tế nếu tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới.

Việc Nga huy động nghĩa vụ quân sự vào năm ngoái và hàng trăm nghìn người di cư kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt với Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực tay nghề cao như công nghệ thông tin, đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục 2,9%.

Thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực còn đẩy mức lương lên cao. Mức lương danh nghĩa tại Nga đang tăng với tốc độ khoảng 15%/năm. Chi phí nhân công cao được tính vào các sản phẩm cho khách hàng, từ đó, dẫn đến lạm phát.

Cùng với đó, lãi suất cao trên 16% và đồng rúp suy yếu cũng đã đẩy lạm phát tại Nga lên mức cao. Lạm phát dự kiến sẽ ở mức khoảng 7,5% trong năm 2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga.

Các chuyên gia cũng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Nga sẽ giảm từ khoảng 3% trong năm 2023 xuống còn 1 – 2% trong năm tới. Chưa kể, quốc phòng và an ninh dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% chi tiêu ngân sách của Nga trong năm 2024.

Có thể thấy rằng, trong nhiệm kỳ 4 năm tới, Tổng thống Nga, dù có là ông Putin hay ai khác, đều phải đối mặt với vô vàn thách thức trong quá trình khôi phục và phát triển nền kinh tế nước nhà.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/24-nam-tt-putin-cam-quyen-nhung-thang-tram-va-thach-thuc-tuong-lai-nuoc-nga-20180504224292667.htm