230.000 tỷ đường bộ cao tốc Bắc-Nam: Cần, nhưng...

Việc xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là rất cần thiết, sẽ là động lực giúp phát triển kinh tế các tỉnh duyên hải miền Trung.

Phục vụ phát triển kinh tế, du lịch

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tuyến Hà Nội - TP.HCM với tổng chiều dài 1.372 km.

Bộ này cho biết, hiện đang triển khai một số dự án cao tốc, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 470 km. Do vậy, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.800 km, sẽ phải đầu tư thêm 1.372 km từ nay đến 2020.

Phương án này có kinh phí đầu tư khoảng 229.800 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động khoảng 136.300 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40%).

Trước thông tin về đề án trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 14/10, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: "Đường bộ cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường vô cùng quan trọng, nó sẽ kết nối các vùng, giúp Quảng Bình kết nối với các tỉnh phía Bắc, phía Nam, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, là trong khi Quảng Bình đang thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng thêm các tuyến du lịch mới, nên đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng với tỉnh Quảng Bình".

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đưa vào khai thác năm 2015

Bên cạnh đó, theo ông Hoài, hiện nay, do chúng ta đang gặp một số khó khăn về mặt phát triển kinh tế, nên cần phải xem xét, cân nhắc, còn về mặt chiến lược, kế hoạch dài hạn rất cần dự án trên.

Nhưng trong 5-10 năm tới, chúng ta cần có tuyến đường bộ cao tốc, bởi VN đã làm rất chậm so với các nước trên thế giới.

Mặc dù, tuyến đường QL1A đi qua Quảng Bình, chưa đến mức bị ùn tắc nhưng chỉ đảm bảo tối đa vận tốc 80km/h, còn đường cao tốc có ý nghĩa hoàn toàn khác, tốc độ cao hơn, đỡ lãng phí thời gian trên đường, hiệu quả kinh tế là hoàn toàn thấy rõ.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc mức phí BOT hiện nay đang có nhiều tranh cãi, liệu tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ rơi vào trường hợp tương tự, ông Hoài hoàn toàn đồng tình và cho rằng việc lo ngại là đúng.

Vì vậy, khi xây dựng xong phải tính toán cho đúng, nhưng không ai tính toán kỹ bằng chủ đầu tư, khi họ bỏ tiền ra để làm. Về phía nhà nước quản lý cần giám sát sao để mức phí phù hợp với sức dân. Cùng với đó, nếu làm đường cao tốc phải đảm bảo sẽ rút ngắn thời gian chạy, tiết kiệm nhiên liệu, đảm bảo sự an toàn vận tải.

"Về phía tỉnh Quảng Bình, chúng tôi mong muốn có tuyến đường này, nhưng về phía Bộ ngành Trung ương chắc chắn sẽ xem xét cụ thể, tổng thể quy mô cả nước, suy nghĩ đưa ra giải pháp. Nhưng có điều, VN là nước chạy theo chiều dài, cho nên, đối với giao thông cực kỳ quan trọng.

Hơn nữa, trong cơ sở hạ tầng thì đầu tư cho giao thông phải đi đầu, kể cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không đều quan trọng.

Vì thế, nếu có điều kiện xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là vô cùng tốt, chỉ xem xét về mức thu phí sao cho hợp lý, tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch làm sao tìm được nhà đầu tư đủ năng lực xây dựng.

Nhưng thiết nghĩ, vẫn còn tồn tại QL1 song song, nên người dân có sự lựa chọn, nếu không muốn mất phí", ông Hoài chỉ rõ.

Trước lo lắng, ít xe đi lại tuyến đường cao tốc nếu thu phí BOT như cao tốc HN - Hải Phòng, theo ông Hoài, có đường thì mới có xe, đừng nghĩ có xe đi mới làm đường.

Vị Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh: "Các nước họ làm đường cao tốc từ lâu lắm rồi, còn chúng ta nếu không làm thì sẽ bị tụt hậu so với thế giới".

Phải xem xét nguồn lực

Cũng là một địa phương có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Chủ trương về dự án trên là rất tốt, tuyến đường sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế của các tỉnh duyên hải miền Trung".

Trong khi đó, nêu ra quan điểm về dự án trên, ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lại cho rằng, việc xây dựng các tuyến đường chắc chắn sẽ giúp cho việc đi lại được thông thoáng hơn, cho nên chủ trương xây dựng là hoàn toàn đúng.

Thế nhưng để làm thì phải bàn bạc, xem xét cụ thể, làm đường xá kết nối giao thông là tốt, như đường sắt, đường biển chưa khai thác hết, cùng với đó phải xem nguồn lực tài chính có đáp ứng được hay không.

Hiện tượng đề xuất xây dựng dồn dập là không ổn, vừa rồi là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam lên tới 50 tỷ USD, và giờ là đường bộ cao tốc.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/230000-ty-duong-bo-cao-toc-bac-nam-can-nhung-3320843/