'23 năm con đã luôn ước mơ được 1 lần đón giao thừa cùng mẹ'

Đó là lời nguyện ước của cô gái Phan Thị Trang, trú tại Hà Tĩnh, người con với khao khát một lần trong đời được nhìn thấy khuôn mặt của mẹ.

Cuộc đời em là câu chuyện dài về nỗi đau, sự khốn khó và cả nghị lực phi thường, của một cô gái ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh. Em là Phan Thị Trang (SN 1994), trú thôn Liên Hương, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Ngậm ngùi, Trang cho biết, cố ngoại kể rằng, em là kết quả tình yêu đầu đời của mẹ với người đàn ông nhà bên. Thế nhưng, 2 mẹ con em đã bị chính người đàn ông phụ tình đó chối bỏ trách nhiệm.

Mẹ sinh em ra vào một ngày mùa đông giữa cái rét cắt da, cắt thịt của tiết trời miền Trung, cố ngoại tìm thấy 2 mẹ con tím tái bên bụi chuối sau nhà. Xót con, thương cháu, cố và bà ngoại dựng cho một cái chòi, ở gần đền thờ làng để tá túc.

Bức ảnh chân dung mẹ của Trang thời con trẻ.

Ngày ấy, gái chưa chồng mà chửa là điều khủng khiếp lắm, vì thế để giữ em mà mẹ - cô gái vừa tròn 20 tuổi phải chịu bao nỗi nhục nhã, dèm pha của người đời. Khi em tròn 1 tuổi, cuộc sống quá cơ cực, mẹ đã phải gửi em lại cho cố ngoại để đi làm ăn xa. Từ đó, em không còn biết tin tức gì về mẹ.

Ngày cố ngoại mất, em bơ vơ, lạc lỏng giữa cuộc đời nhưng với niềm tin mãnh liệt, một ngày nào đó mẹ sẽ quay trở về tìm em, Trang vẫn một mình ở lại ngôi nhà cũ, tự bươn chải để lo cho bản thân và có tiền ăn học.

Sáng đến trường, trưa đi giúp việc, chiều đi đổ bê tông thuê…em làm tất, miễn là kiếm được tiền để ăn, học và chờ mẹ về. Là một cô gái đầy nghị lực, chăm chỉ nên Trang được bạn bè, thầy cô rất yêu mến và giúp đỡ rất nhiều.

Rồi em thi đỗ vào trường Đại học xây dựng. 4 năm trên giảng đường đại học trôi qua nhanh chóng, với những lịch học, lịch làm thêm kín mịt, Trang tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi trên tay. Đó là kết quả của những tháng ngày khốn khó, những giọt mồ hôi, sự buồn tủi và cả nước mắt của một cô gái mới lớn.

Trang hi vọng, với bức ảnh này, ở một nơi nào đó, mẹ có thể nhìn thấy và nhận ra em.

Có lẽ, cuộc đời đã lấy đi của em quá nhiều thứ nên cũng muốn bù đắp lại cho em. Sau khi ra trường, em được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty CP Xây dựng số 1 (TP Hồ Chí Minh), với vị trí kỹ sư.

Có 1 công việc ổn định, điều đầu tiên Trang nghĩ là tìm mẹ. Em bắt đầu dò la tin tức về mẹ. Chỉ cần có 1 chút ít thông tin, em lập tức phóng xe đi hàng trăm cây số, đến tận nơi để xác minh với tia hi vọng nhỏ nhoi nhất, nhưng không biết bao nhiêu lần, em đã phải ra về trong thất vọng.

Thầy Nguyễn Thừa Thung, Giáo viên chủ nhiệm của Trang tại Trường PTTH Cẩm Xuyên xúc động chia sẻ về em: “Em Trang là một người học trò mà thầy rất cảm mến. Một cô gái đầy nghị lực. Thầy hi vọng, khi đã thành công trong sự nghiệp, Trang sẽ tìm được người mẹ, mà suốt cả thời thơ ấu, em đã luôn ước nguyện được một lần ở bên”.

Đưa cho chúng tôi tấm hình đã ố màu, Trang cho biết, đó là thứ duy nhất em có được về mẹ - một bức ảnh mẹ gửi kèm lá thư về vào năm em 4 tuổi. Thời điểm đó, cố ngoại nói mẹ đang nấu ăn thuê, cho những công nhân làm đường ở ĐăkLắc. Sau này, em có nghe người ta nói mẹ đang ở Lâm Đồng, cũng có người mách mẹ đang ở Đà Lạt. Trang chỉ nhớ nghe cố ngoại nói mẹ em tên Hương, họ Chu, sinh năm 1973, quê gốc ở thôn Liên Hương, xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên).

“Em chỉ muốn nhìn thấy mẹ, dù chỉ một lần. Em không trách gì mẹ. Ai cũng có nổi khổ riêng. Biết đâu, ở một nơi nào đó trong cuộc đời này, từng ngày, từng giờ mẹ đang phải sống trong đau khổ, dằn vặt. Cảm giác đón giao thừa một mình buồn lắm chị ạ. 23 năm, giao thừa năm nào em cũng đứng ở vách cửa nhìn ra…”, Trang khóc.

Một cái tết nữa lại sắp đến, mong sao giao thừa năm nay, có một cô gái sẽ không còn phải đứng nép mình sau cánh cửa và gặp mẹ trong mơ…

Ai biết thông tin về người mẹ của em Phan Thị Trang, xin hãy liên lạc theo địa chỉ:

Phan Thị Trang, trú Quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Công tác tại Công ty CP Xây dựng số 1.

Số điện thoại: 0962 565 097

Hoặc báo cho Báo điện tử Người Đưa Tin

Số điện thoại: 038.8903176

Ngân Hà

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/23-nam-con-da-luon-uoc-mo-duoc-1-lan-don-giao-thua-cung-me-a310506.html