22 người tử vong do sốt xuất huyết, Bộ Y tế họp khẩn chống dịch

Theo Cục Y tế dự phòng từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong. Trong đó số người phải nhập viện là 69.085 trường hợp.

Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao nên chiều 10/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp để cập nhật và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, so với cùng kỳ năm 2016 (số người bị sốt xuất huyết là 51.742 và tử vong 17 ca) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.

Tại Hà Nội tính đến ngày 9/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 13.982 mắc, và có 5 ca tử vong, trong đó tại quận Hoàng Mai có 2 ca, quận Đống Đa 1 ca, một ca ở Ba Đình và 1 ca ở Hà Đông. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, 532/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 91% số xã, phường); hiện tại còn 366 phường (chiếm 63% tổng số xã, phường) ghi nhận bệnh nhân mắc chưa qua 14 ngày; số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2016 (581 người) do dịch đến sớm hơn 3 tháng. Số bệnh nhân đang còn phải điều trị tại bệnh viện là 1.673 trường hợp (12% tổng số bệnh nhân), còn lại đều đã khỏi bệnh. Typ vi rút lưu hành: D1, D2, D4.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, tính đến 9/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 1.538 ổ dịch tại 25/30 quận, huyện; 241/584 xã, phường. Tổng số bệnh nhân trong ổ dịch là 3.580 bệnh nhân (chiếm 25.6% tổng số bệnh nhân); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1191 ổ (77%) có 1-2 bệnh nhân; 272 ổ (18%) có 3-5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc phân bố chủ yếu tại 2 quận Đống Đa và Hoàng Mai.

Cục Y tế dự phòng cho biết, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, tại khu vực miền Nam cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Trong khi đó sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí, một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch do đó miễn dịch cộng đồng giảm.

Dịch bệnh tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài một phần do nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước, nhiệt độ ấm ngay từ đầu năm, mùa mưa đến sớm tạo thuận lợi cho muỗi phát triển; điều kiện vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống xen kẹt, công trường với nhiều dân vãng lai đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn.

Bên cạnh đó ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch (tại Hà Nội, 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất).

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết lan rộng, Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết. Kích hoạt văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tăng cường phối hợp liên ngành, có thể huy động thêm các ban ngành như huy động các lực lượng như quân đội, công an trên địa bàn phối hợp tích cực và cùng vào cuộc quyết liệt trong việc tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt trong hoạt động diệt bọ gậy lăng quăng tại các điểm nóng, hộ gia đình, tham gia các đội cùng y tế đi phun hóa chất.

Ngoài ra, ngành xây dựng, ngành tài nguyên môi trường và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng. Ban quản lý công trường, nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm nếu để còn có các ổ đọng nước có lăng quăng của muỗi truyền bệnh tại công trình xây dựng.

P.Thuý

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/22-nguoi-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-bo-y-te-hop-khan-chong-dich-post234152.info