2024 là năm phát triển ngành bán dẫn, AI tại Việt Nam

'Công nghệ bán dẫn Việt Nam sẽ phát triển trong nước lẫn toàn cầu, vừa có tự chủ vừa có hợp tác quốc tế', Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu tại sự kiện. Ảnh: ICT Vietnam.

Khai mạc Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam năm 2023 (VEFT 2023), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành bán dẫn tại Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số.

"Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể tự cường, không thể hùng cường thịnh vượng", Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng TT&TT, 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chuyển đổi quốc gia về phát triển công nghệ bán dẫn. Đây là công nghệ nền tảng và trọng yếu của quốc gia trong 30-50 năm tới. “Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, việc xử lý dữ liệu bằng chip bán dẫn vẫn tiếp tục trọng yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Công nghệ bán dẫn cũng là cốt lõi của chuyển đổi số. Việt Nam, với 100 triệu dân ở giai đoạn phát triển, công nghiệp hóa, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử cao, sẽ là một thị trường lớn với thuận lợi cho sự tăng trưởng. “Công nghệ bán dẫn Việt Nam sẽ phát triển trong một hệ sinh thái trong nước lẫn toàn cầu, vừa có tự chủ vừa có hợp tác quốc tế”, Bộ trưởng TT&TT nói tại sự kiện.

Bên cạnh công nghệ bán dẫn, năm 2024 còn là năm cho phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng, con người nắm quyền kiểm soát bằng cách quyết định dữ liệu, thuật toán và “nuôi dạy đứa con AI” để chúng giúp việc cho họ. “Mỗi người rồi sẽ có trợ lý ảo của riêng mình, mang bản sắc cá nhân của họ. Trợ lý sẽ vẫn mãi là trợ lý, trừ khi con người tự từ bỏ vai trò của mình”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham gia diễn đàn VEFT 2023. Ảnh: VOV.

Chia sẻ tại sự kiện VEFT 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cao vai trò của các nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ số. Sở hữu hạ tầng, công nghệ và nhân lực, các doanh nghiệp từ nay có thêm một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo ứng dụng số, chuyển đổi số nhằm năng suất lao động.

“Phát triển ứng dụng số cho các ngành cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Tại sự kiện, Bộ trưởng TT&TT chia sẻ diễn đàn được tổ chức tháng 12 hàng năm là dịp kỷ niệm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, ngày doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12. Việt Nam hiện vẫn là nước duy nhất trên thế giới có ngày này.

Đây là dịp để tổng kết và đánh giá sự phát triển, đồng thời tôn vinh các sản phẩm nổi bật thông qua giải thưởng Make In Việt Nam.

Đây là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong 4 năm qua, ngành công nghiệp số Việt Nam có mức tăng trưởng đáng chú ý với số lượng công ty công nghệ tăng 30%, doanh thu tăng 32% và sản xuất phần mềm cho thị trường nước ngoài tăng 43%.

Tỷ lệ sản phẩm “Made in Vietnam” đã tăng từ 21% lên 29%. Hiện nay cả nước có hơn 1.400 công ty công nghệ có doanh thu gần 10 tỷ USD. "Nhìn lại chặng đường 4 năm từ 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/2024-la-nam-phat-trien-nganh-ban-dan-ai-tai-viet-nam-post1448241.html