2006 - 2010: Tăng trưởng GDP có thể không đạt mục tiêu

Cùng với kết quả của năm 2010, tại báo cáo mới nhất vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dự kiến khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, với 19/29 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt.

Nằm trong số 10 chỉ tiêu “lỡ hẹn”, có tăng trưởng GDP, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ che phủ rừng… Theo đánh giá của Chính phủ, GDP theo giá so sánh đến năm 2010 dự kiến tăng gấp hai lần năm 2000, cũng không đạt kế hoạch đề ra là tăng gấp 2,1 lần. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người quy ra USD theo tỷ giá hiện hành năm 2010 đã đạt trên 1.160 USD, vượt mục tiêu 1.050 - 1.100 USD, đưa Việt Nam ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp. Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra là 7,5 - 8%, chủ yếu là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, làm cho nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm. Ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu cũng được cho là nguyên nhân khiến chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, cơ cấu ngành trong GDP đến năm 2010 với công nghiệp và xây dựng đạt 41,1% (kế hoạch là 43 - 44%), dịch vụ chỉ đạt 38,6% trên 40 - 41% kế hoạch. Tuy đã vượt hơn 3 lần kế hoạch năm 2010, song tính chung 5 năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không đạt 16% là do suy giảm mạnh trong năm 2009, báo cáo nêu rõ. Đáng chú ý, hầu hết các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm đều không đạt kế hoạch, trong khi đây là một trong những vấn đề lớn, gây bức xúc trong nhân dân, Chính phủ nhìn nhận. Trong đó, đạt thấp nhất trong các chỉ tiêu (50%) là tỷ lệ khu công nghiệp khu chế xuất đã thành lập và đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Những kỳ họp gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã “phàn nàn” về sự “nặng” kinh tế, “nhẹ” xã hội và môi trường trong điều hành của Chính phủ và thẩm tra của Quốc hội. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả 5 năm qua thì sự lạc quan lại nằm ở các chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo (9,5% so với 10-11% kế hoạch), tạo việc làm (8,07 triệu lượt người/ 8 triệu kế hoạch). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,52% (kế hoạch là dưới 5%). Hoặc, 63/63 tỉnh thành đã đạt chuẩn chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tốc độ tăng dân số 1,04% (kế hoạch là 1,14%)… Vượt xa kế hoạch đề ra là số thuê bao điện thoại trên 100 dân đã đạt 180 thuê bao (kế hoạch là 35), thuê bao Internet trên 100 dân cũng đã đạt đến 30/12,6 theo kế hoạch. Theo đánh giá của Chính phủ, trong thời kỳ 2006 -2010, các lĩnh vực dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động văn hóa xã hội khác đều đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Năm 2011, năm đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011 - 2015, theo Chính phủ, cũng là thời gian Việt Nam bước vào ngưỡng phát triển nhóm nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh nhiều thuận lợi, Chính phủ nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yếu tố tiềm ẩn gây lạm phát cao và bất ổn định nền kinh tế vĩ mô. Các chỉ tiêu kinh tế được dự kiến cho năm sau là GDP tăng khoảng 7-7,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tổng thu ngân sách Nhà nước 588,5 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ bội chi so với GDP là 5,5%... Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng ý với dự kiến của Chính phủ về tốc độ tăng GDP. Vì, năm 2010 có những khó khăn lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức 6,7%, tạo tiền đề khá tốt cho năm 2011.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20101003111934157p0c9920/2006-2010-tang-truong-gdp-co-the-khong-dat-muc-tieu.htm