200 lính Mỹ tới Úc hay chiến lược ‘xoay trục’?

Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên gồm 200 người đã tới phía bắc Australia theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước và cũng là một phần của sự thay đổi sức mạnh quân sự Mỹ ở châu Á - TBD.

Bài viết của Boris Volkhonsky, nhà nghiên cứu cấp cao Viên Nghiên cứu chiến lược Nga.

Lính thủy đánh bộ Mỹ tới Australia. Ảnh: Reuters

Động thái này diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Australia tháng 11 năm ngoái. Khi đó, hai nước đã tuyên bố kế hoạch tăng cường thêm nhiều máy bay quân sự Mỹ tới Australia và triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ ở căn cứ thuộc thành phố Darwin nhằm bảo vệ tốt hơn các lợi ích Mỹ ở khắp châu Á.

Vào cuối tháng 3, tờ Washington Post thông tin rằng, việc mở rộng quan hệ quân sự hai nước còn bao gồm khả năng thực hiện các chuyến bay không người lái từ một quần đảo san hô của Ấn Độ Dương (quần đảo Cocos) và tăng cường sự tiếp cận của hải quân Mỹ với các cảng của Australia, và kế hoạch mở rộng căn cứ hải quân Stirling ở Perth.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Rõ ràng là, 200 lính thủy đánh bộ (hoặc thậm chí là 2.500 lính) không thể làm thay đổi tình hình chiến lược ở một phần của thế giới. Vậy tại sao Mỹ lại phải quá bận tâm với các kế hoạch quân sự của họ ở các phần phía nam của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương?

Câu trả lời nằm ở thực tế rằng, đây là khu vực đang trở một vũ đài trung tâm của hoạt động chính trị toàn cầu. Mỹ dường như vẫn bận tâm với các sự kiện ở Trung Đông, nơi trước mắt họ sẽ không dễ dàng rời bỏ. Nhưng thách thức chính với các lợi ích chiến lược Mỹ lại đến từ một nơi khác - Trung Quốc.

Ấn Độ Dương và Biển Đông là những lộ trình quan trọng kết nối vùng Trung Đông giàu có năng lượng với khu vực Thái Bình Dương. Và khoảng một nửa toàn bộ vận chuyển hàng hóa toàn cầu đi qua Ấn Độ Dương cũng như Biển Đông.

Vài năm gần đây, Trung Quốc vô cùng bận rộn trong việc thiết lập sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương. Chiến lược “chuỗi hạt trai” bao gồm việc xây dựng hệ thống các cảng biển ở các quốc gia duyên hải như Kenya, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar, một mặt nhằm đảm bảo an ninh cho các lộ trình vận chuyển, mặt khác để bao vây đối thủ chính trong khu vực - Ấn Độ - từ biển.

Hơn thế nữa, các cảng ở Pakistan và Myanmar có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những lộ trình vận chuyển mặt đất, đảm bảo cho Trung Quốc đi đường vòng vượt qua eo biển hẹp Malacca, giờ đây đầy rẫy cướp biển.

Thử hình dung rằng có một số tranh cãi gia tăng giữa Trung Quốc và những quốc gia láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Nó sẽ khiến Hạm đội 7 của Mỹ điều tàu sân bay và một số tàu khu trục đi kèm, khiến mọi tuyến vận chuyển từ Trung Đông tới Trung Quốc bị phong tỏa. Quốc gia đói năng lượng Trung Quốc sẽ không thể kéo dài bế tắc với nước láng giềng. 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ ở căn cứ của Australia sẽ tương đối hữu dụng.

Nhưng nếu và khi các kế hoạch chiến lược của Trung Quốc liên quan tới “chuỗi hạt trai” được thực hiện, thì bức tranh sẽ thay đổi đáng kể. Sở hữu các tuyến vận chuyển và hệ thống ống dẫn kết nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương trên đường bộ, Trung Quốc có thể kháng cự lại bất kỳ áp lực quân sự hay chính trị nào với hiệu quả tốt hơn nhiều. Bởi thế, đây là điều mà Mỹ không sẵn sàng chịu đựng.

Và không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu như cùng lúc với việc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên tới Australia là sự kiện Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một số hạn chế với Myanmar. Tiếp theo chuyến viếng thăm tới quốc gia Đông Nam Á của Ngoại trưởng Hillary Clinton đầu tháng 12 năm ngoái, ý định của Mỹ thiết lập sự hiện diện chiến lược tại Myanmar và mong muốn dần dần “loại” Trung Quốc khỏi cuộc chơi trở nên rõ ràng hơn.

Cũng như vậy, các dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Pakistan cũng ít nhiều liên quan tới thực tế Trung Quốc xây dựng cảng ở Gwadar của Pakistan.

Như vậy, không phải chỉ 200 hay 2.500 lính thủy đánh bộ, nó là “cuộc chơi lớn” đang ngày một mở rộng hơn.

Thái An (theo ruvr)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/67410/200-linh-my-toi-uc-hay-chien-luoc--xoay-truc--.html