2 'công chúa xiếc' nước Việt

Đằng sau những màn biểu diễn đỉnh cao, làm rạng danh nước nhà là công sức khổ luyện hơn 20 năm của hai nữ nghệ sĩ xiếc.

Vào cuối năm 2022, hai nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng đã đoạt giải vương miện vàng “công chúa xiếc” với tiết mục đu son tại Liên hoan xiếc quốc tế diễn ra ở Nga, nơi được coi là cái nôi của xiếc thế giới.

Thành công đó là kết quả bảy năm tập luyện cho riêng tiết mục này và hàng chục năm bám trụ với nghề của hai cô gái 9X (cùng sinh năm 1990).

Cả thanh xuân gắn với xiếc

Tôi gặp Thúy và Hướng khi cả hai đang bận rộn với lịch biểu diễn dày đặc tại Rạp xiếc Trung ương, nơi đang diễn ra chương trình “Những cánh hồng bay 2023” nhằm tôn vinh những “cánh hồng” của làng xiếc Việt.

Trải lòng về nghiệp xiếc, Hướng đặt tay lên cổ mình để miêu tả về những vất vả mà cô và bạn diễn đang phải trải qua. “Em chẳng nhớ người mình có bao nhiêu chấn thương nữa, nào là trên cổ, trên người, tay chân, nhất là khi tập diễn tiết mục đu son. Hôm đó em đã rơi tự do xuống sàn. May là lúc tập đu độ cao vừa phải nên giờ em mới có thể ngồi đây nói chuyện với anh” - Hướng tâm sự.

Ngồi bên cạnh bạn diễn, Thúy trần tình: “Tai nạn đó là lỗi của em. Em là người trụ nhưng do sơ suất nên bị tuột dây. Nói thật lúc thấy bạn ấy rơi xuống, tim em như ngừng đập”.

Không chỉ cùng tập với nhau một tiết mục bảy năm mà cả Hướng và Thúy đều có chặng đường gắn bó với xiếc từ rất sớm. “Cả tuổi thanh xuân của chúng em đã dành cho xiếc” - cả hai bày tỏ.

Với Thúy, nhà ở gần trường xiếc nên mỗi lần thấy các nghệ sĩ biểu diễn, cô thường bị cuốn vào. Năm 11 tuổi, Thúy nộp đơn và thi đỗ vào trường xiếc, nay là Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam.

Còn với Hướng, con đường đến với xiếc của cô lại nhờ “lọt vào mắt xanh” của thầy cô trong một lần về tuyển trạch tại nơi Hướng đang theo học văn hóa. Sau khi được kiểm tra về hình thể, tay, chân… Hướng được vào học tạo nguồn hai tháng. Năm 13 tuổi, Hướng gắn bó với xiếc bằng những bước đi đầu tiên.

Vinh quang nơi xứ người

Khoảnh khắc tiết mục đu son được xướng lên tại Nga đã qua một thời gian nhưng cả Hướng và Thúy đều cảm giác như mới diễn ra hôm qua.

Thúy nhớ nhất là những tiếng vỗ tay không ngớt của những khán giả đa phần từ nước Nga xa xôi. “Em không hiểu được những tiếng hò hét của họ, không hiểu họ muốn nói gì với mình nhưng nhìn vào ánh mắt, khuôn mặt họ, chúng em hiểu họ đang dành tình cảm rất lớn cho chúng em” - Thúy chia sẻ.

Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng nhận giải thưởng “Công chúa xiếc”. Ảnh: VT

Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng nhận giải thưởng “Công chúa xiếc”. Ảnh: VT

Đu son là tiết mục mà Thúy sẽ mở đầu bằng cách đu bay với đạo cụ hình khóa son lớn treo lơ lửng, trong khi đó Hướng tạo dáng kéo đàn violon. Khóa son được kéo lên cao, Thúy lập tức treo ngược người trên khóa, dùng tay bắt lấy chân Hướng. Trong tư thế dốc ngược, Hướng vẫn say sưa chơi đàn ở độ cao gần 10 m so với mặt đất. Cùng với tiết tấu của âm nhạc mỗi lúc lại được đẩy lên, cả hai người liên tục đu bám, di chuyển thoăn thoắt trên khóa son với những tạo hình mềm mại, đẹp mắt.

Tiết mục đu son do hai nữ nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng thể hiện. Ảnh: NVCC

Tiết mục đu son do hai nữ nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng thể hiện. Ảnh: NVCC

Có lúc Thúy lại treo ngược người, dùng răng cắn lấy đạo cụ được móc vào tóc của Hướng, tác động lực để Hướng xoay tròn 360 độ liên tục trên không với độ văng mạnh...

“Em vẫn nhớ những tràng pháo tay của khán giả ở Nga. Dù xa lạ và không có chung ngôn ngữ nhưng khi chúng em biểu diễn xong, nhiều người vẫn ra xin chữ ký, họ nói gì đó chúng em không hiểu nhưng chúng em hiểu được đó là những động viên, khích lệ để mình bám nghề” - Thúy nhớ lại.

Trầy trật bám nghề

Mật độ tập luyện dày đặc, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào, lại thường xuyên có những chuyến đi lưu diễn ở xa nhưng khi được hỏi về thu nhập và chế độ đãi ngộ, cả Thúy và Hướng đều lặng lẽ cúi đầu.

Phải một lúc sau Thúy mới ngập ngừng chia sẻ lương của cô ở liên đoàn xiếc hiện nay khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Để theo đuổi đam mê, Thúy phải xoay xở làm thêm bằng việc dạy thêm yoga ở bên ngoài. “Khi người ta ngủ trưa thì em đi dạy. Khi người ta ăn uống đàng hoàng em có thể đang ăn vạ vật cái gì đó để kịp giờ tập. Khi người ta đi chơi, nghỉ ngơi thì em đang đi dạy” - Thúy tâm sự.

Còn Hướng chia sẻ có chồng cùng nghề nhưng cả hai đã quyết định chỉ mình Hướng bám trụ lại. Hướng giải thích: “Một phần là vì áp lực thu nhập, phần nữa là chồng em cũng bị chấn thương trong quá trình biểu diễn nên cũng không thể đáp ứng được áp lực công việc”.

Dù đối mặt với những vất vả trong công việc, tuy nhiên Hướng và Thúy chia sẻ vẫn chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ phải rời xa xiếc. Sau giây phút ngậm ngùi, Thúy và Hướng lại say sưa hóa thành những cánh hồng bay trong tiết mục của mình.

Chương trình “Những cánh hồng bay”

Chương trình “Những cánh hồng bay” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được tổ chức nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 nhằm tôn vinh các “công chúa xiếc” của Việt Nam, trong đó có nhiều nghệ sĩ đã giành giải thưởng cao tại đấu trường quốc tế như hai nghệ sĩ Thúy, Hướng qua tiết mục đu son đã giành vương miện vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế năm 2022 ở Nga với chủ đề “Công chúa xiếc” và nghệ sĩ Chu Khánh Huyền giành giải ngựa đồng tại cuộc thi xiếc “không biên giới” cũng diễn ra ở Nga vào tháng 11-2022.

Chương trình diễn ra vào ngày 4, 5 và 8-3 tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội.

Tiết mục hoàn toàn không sử dụng dây bảo vệ, tính mạo hiểm rất cao đòi hỏi sự chuẩn xác của các động tác kỹ thuật phải gần như tuyệt đối. Có những động tác với đu tĩnh đã khó, để thực hiện với đu động như thế này càng khó hơn.

Nghệ sĩ nhân dân TỐNG TOÀN THẮNG, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của tiết mục đu son

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/2-cong-chua-xiec-nuoc-viet-post722886.html