2.000 tỉ đồng 'cứu nguy' cho công nghiệp hỗ trợ

Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang tồn tại một nghịch lý. Trong khi doanh nghiệp kêu rất khó thực hiện được các đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật cao. Trong khi vấn đề của DNVN là với những đơn hàng này, giá thành của DN Việt thường bị đội rất cao, không vào được các nhà cung ứng lớn. Để khuyến khích ngành CNHT phát triển, trong quý II/2016, Chính phủ sẽ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016 - 2020, với tổng kinh phí “cứu nguy” cho ngành này khoảng 2.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia đánh giá, ngành công nghiệp chế tạo VN sản xuất chủ yếu dựa trên nguồn đầu vào nhập khẩu nên không bền vững.

Doanh nghiệp không dám đầu tư

Tại Diễn đàn “Phát triển các ngành CNHT Việt Nam (VN) trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” vừa tổ chức tại Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC) cho thấy, sau gần 30 năm đổi mới, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đóng góp khoảng 38,6% GDP, tốc độ tăng trưởng từ 2005 - nay luôn cao hơn tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế tạo VN chủ yếu dựa trên nguồn đầu vào nhập khẩu. Đến nay cơ bản mới chỉ đáp ứng ở mức thấp nhu cầu tối đa hóa sản xuất tại nội địa.

Theo báo cáo điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỉ lệ mua linh phụ kiện tại chỗ (nội địa hóa) trong ngành CNHT tại VN vẫn thấp, chỉ đạt 32,1%. Trong đó, phần trăm mua từ các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam vẫn là chủ yếu, thực chất tỉ lệ nội địa từ các DN Việt Nam không quá… 13,2%!

Theo GS Phan Đăng Tuất - Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN, Bộ Công Thương, hiện nay số DN CNHT mới chỉ chiếm 0,3% tổng số DN, con số này quá nhỏ và đáng suy ngẫm.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Công ty VPMS cho rằng, hiện Việt Nam đang thiếu những DN thực hiện một số nguyên công do công nghệ phức tạp và khó hoàn vốn, dẫn đến không thực hiện được đơn hàng hoặc thực hiện với giá thành cao, ví dụ như trong việc sản xuất chi tiết chày cho khuôn dập sản xuất phụ tùng ôtô.

Ngoài ra, theo ông Lê Thanh Thủy - Giám đốc Cty TNHH Công nghiệp Trí Cường, khó khăn lớn nhất của DN để tham gia vào CNHT là vốn và công nghệ. Dẫn chứng cho thấy, nhiều nguyên vật liệu để lắp ráp không có sẵn, DN buộc phải nhập khẩu với chi phí rất cao. Chưa kể, nhiều DN không dám đầu tư máy móc mới, hiện đại vì giá đắt, không có khả năng tài chính. Việc vay ngân hàng cũng rất khó, nếu vay được thì lãi suất rất cao.

Ông Thủy cho biết thêm, việc phát triển mô hình DN CNHT cần có các nhà sản xuất vệ tinh nhưng ở VN nhà sản xuất cấp 1 còn yếu, trong khi cấp 2, cấp 3… càng yếu hơn. Các DN chưa dám đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực này vì quá nhiều rủi ro nên chỉ dừng ở mức độ an toàn.

Đồng quan điểm, ông Tuất cho rằng: “Nói cho cùng, chi tiết linh kiện chỉ có 3 loại: Cơ khí, điện tử, nhựa - caosu. Khác với những sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, chi tiết, linh kiện là những sản phẩm gián tiếp, phải qua nhiều chặng mới hình thành nên sản phẩm hoàn chỉnh. Rủi ro ở chỗ làm ra linh kiện hỗ trợ nhưng vẫn có khả năng không bán được, kể cả làm sản phẩm tốt cũng chưa chắc đã bán được!”.

Tập trung mảng nhựa và cơ khí

Trước những thách thức “nhãn tiền” của ngành CNHT, ông Nguyễn Xuân Huy đề xuất cần xây dựng các chuẩn DNHT để tập trung bồi dưỡng các DN gần đạt chuẩn một cách có hiệu quả; tránh việc hỗ trợ tràn lan, đánh đồng. Ngoài ra, cần hỗ trợ đáp ứng các công đoạn còn thiếu, DN thực hiện được có thể được trợ giá hay hỗ trợ đầu tư.

GS Phan Đăng Tuất cho rằng, cần coi chương trình khởi sự “start-up” DN CNHT là quyết sách của Nhà nước, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính nhằm tạo kênh luồng tín dụng, hình thành các lồng ươm DN, cụm CN… để cho ra đời nhiều hơn nữa các DN CNHT.

Ông Tuất tính toán, nên bỏ ra vài chục ngàn tỉ xây dựng các trung tâm “lồng ấp” cho DN CNHT. Sau đó mời các chuyên gia nước ngoài, nhà lắp ráp các hãng đào tạo tại chỗ, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cao cấp… từ đó tạo ra các DN cung ứng trực tiếp, đồng thời khơi dậy đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT với thế hệ trẻ.

Mặt khác, nhìn nhận điều kiện kinh tế VN hiện nay, ông Tuất cho rằng, ưu tiên trước nhất nên tập trung vào phát triển chi tiết nhựa và cơ khí bởi hai chi tiết này trình độ công nghệ không cao và chiếm tỉ lệ rất lớn trong các sản phẩm. Hà Nội và TPHCM sẽ là hai điểm khởi đầu thuận lợi nhất cho sự phát triển CNHT.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/2000-ti-dong-cuu-nguy-cho-cong-nghiep-ho-tro-536024.bld