2.000 học sinh trung học hào hứng 'đánh thức giấc mơ' cùng chuyên gia

Sáng 4/3, chương trình 'Chắp cánh ước mơ' với chủ đề 'Đánh thức giấc mơ của bạn' được tổ chức tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM).

Ba chuyên gia tư vấn trong chương trình "Chắp cánh ước mơ" với chủ đề "Đánh thức giấc mơ của bạn". Ảnh: Cẩm Anh

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây, gần 2.000 học sinh khối 10,11,12 đã tham gia chuyên đề: “Đánh thức giấc mơ của bạn”.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tư vấn hướng nghiệp do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Báo Giáo dục & Thời đại và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.

Các em học sinh THPT Đào Sơn Tây trong chương trình "Chắp cánh ước mơ" sáng ngày 4/3.

Chương trình nhằm hỗ trợ các bạn học sinh thông tin, kiến thức cơ bản trong việc chọn ngành, chọn trường để có chiến lược học tập phù hợp, nhằm hiện thực hóa ước mơ của mình.

Tham gia ban tư vấn có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục: Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, Chuyên gia Tâm lý & kỹ năng, ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia nguồn nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM và Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh – Sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Mở đầu chương trình tư vấn, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, Chuyên gia Tâm lý & kỹ năng, chia sẻ về vấn đề lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp và dựa vào yếu tố nào để đưa ra lựa chọn tối ưu.

Trả lời những câu hỏi để nhận diện nghề nghiệp. Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A cho biết, hiểu rõ và đánh giá chính xác bản thân, xác định đúng mục tiêu nghề nghiệp là yếu tố quan trọng khi chúng ta lựa chọn ngành nghề.

Chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân là một quá trình khoa học cần sự cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này không chỉ dựa trên việc hiểu rõ bản thân, mà còn đòi hỏi sự nhận thức rõ ràng về các ngành nghề mà bản thân đang cân nhắc. Để đưa ra quyết định công tâm và chính xác, hãy lựa chọn thông minh chứ không chỉ cảm tính.

Học sinh trường THPT Đào Sơn Tây hào hứng giao lưu với Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A.

Tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ các bạn khoan hãy gọi tên nghề, hãy dành vài phút để tự trả lời những câu hỏi: Mình muốn làm việc với con người hay máy móc? Mình thích làm việc ở một chỗ hay thích di chuyển nhiều nơi? Mình thích làm việc với con số, chữ viết hay dạng sơ đồ hình ảnh? Mình thích làm việc theo kiểu quy trình làm việc lặp đi lặp lại ổn định, hay công việc có nhiều yếu tố mới xuất hiện mỗi ngày? Mình thích những công việc phục vụ con người hay muốn tương tác với tài liệu nhiều hơn?

"Tìm kiếm danh mục nghề nghiệp, đọc mô tả lao động của nghề. Từ đó so với những câu hỏi bên trên để trả lời câu hỏi nghề nghiệp của mình muốn là gì. Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp mỗi người vẽ nên bản đồ sự nghiệp mà bản thân muốn theo đuổi trong tương lai", tiến sĩ Tô Nhi A nói.

Trong quá trình tương tác với các em học sinh trường THPT Đào Sơn Tây, Tiến sĩ Tô Nhi A có đưa ra câu hỏi: "Bạn muốn chọn nghề đam mê hay muốn chọn nghề mình giỏi?"

Trả lời câu hỏi đó, em Nguyễn Đăng Ngọc, lớp 10a7, Trường THPT Đào Sơn Tây chia sẻ, em đam mê nghề giáo viên. Em sẽ chọn ngành học sư phạm và theo đuổi đam mê của mình. Khi đó, em có thể làm việc lâu dài, vui vẻ và thoải mái hơn. Thay vì chọn nghề lương cao nhưng 1,2 năm sau em sẽ chán và áp lực.

Em Nguyễn Đăng Ngọc, lớp 10a7, Trường THPT Đào Sơn Tây chia sẻ trong chương trình.

Trong chương trình, Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh – Sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ về tầm quan trọng giữa việc chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.

Anh cho rằng nếu như không xác định được mục tiêu của mình thì các bạn sẽ lạc lối, nằm mãi trong giấc mơ của mình. Giấc mơ giúp cho các bạn kiểm soát những điều tiêu cực nhưng đừng ở mãi trong giấc mơ của mình, hãy đánh thức nó.

"Ngành nghề giống như người bạn đời, nó đi theo suốt chặng đường dài hoặc cả cuộc đời của bạn. Nếu bạn đi sai, bạn sẽ ở một vòng quay luẩn quẩn. Chìa khóa quan trọng là bạn cần xác định mục tiêu của mình", Thạc sĩ Trương Quang Trị nói.

Thạc sĩ Trương Quang Trị tổ chức một trò chơi nhỏ với các bạn học sinh với phần học bổng 500.000 đồng để làm nóng chương trình.

Em Tiến Hiếu, học sinh lớp 12C1, trường THPT Đào Sơn Tây giao lưu với Thạc sĩ Trương Quang Trị.

Cuối buổi chia sẻ, ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia nguồn nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết, trong hành trình lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, một yếu tố cần thiết không kém gì việc hiểu rõ ước mơ và khả năng của bản thân đó là việc cân nhắc tình hình hiện tại và dự báo về tương lai của thị trường lao động.

Ông Trần Anh Tuấn tại chương trình chia sẻ với các em học sinh về vấn đề thị trường lao động hiện nay và những kỹ năng cần có ở người lao động.

Theo ông Tuấn, nguồn nhân lực của chúng ta vừa mang tính truyền thống cũ, vừa mang một dáng dấp mới mà thế hệ các em bắt buộc phải tiếp cận.

Sự tác động của cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số đã tác động toàn bộ trên các nền kinh tế xã hội.

Sắp tới sẽ có 68% việc làm đều gắn liền với công nghệ, và cũng là áp lực cho những người làm việc hiện nay. Trong đó, 1% sẽ yêu cầu công việc có công nghệ số đặc biệt cao. Nguồn nhân lực này là điều mà Việt Nam và thế giới đang cần.

Bên cạnh đó, mức độ dịch chuyển lao động hiện nay rất lớn, đặc biệt là các em học sinh lớp 12. Nhưng tất cả thành công của thị trường lao động sắp tới quyết định là trên nền tảng kỹ năng mềm. Vấn đề đặt ra, việc chọn ngành nghề tương lai giúp bản thân tích hợp, tương tác, phát triển toàn diện trên lĩnh vực đó.

Ông Tuấn cho rằng, xu hướng việc làm hiện nay là việc làm mở, việc làm hội nhập, việc làm theo hướng công dân toàn cầu, các em có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào mà mình mong muốn.

"Cho nên các bạn trẻ cần trau dồi và phát triển kỹ năng giao tiếp, tư duy, làm việc nhóm, sáng tạo, năng lực về ngoại ngữ. Một yếu tố rất cần cho nguồn nhân lực hiện nay là tính đạo đức, tính kỷ luật", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thị trường lao động liên tục thay đổi, thất nghiệp hiện nay đang là nỗi lo âu của quốc gia trong tình hình kinh tế đang thay đổi. Do đó, hãy nắm bắt xu hướng, đánh giá tình hình cung cầu việc làm và thu nhập trên thị trường để đưa ra quyết định sáng suốt.

Ban giám hiệu Trường THPT Đào Sơn Tây tặng hoa cho các chuyên gia và Ban tổ chức chương trình.

Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó trưởng Cơ quan Thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại TP.HCM tặng hoa cho cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh – Sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao 5 suất học bổng Nguyễn Tất Thành tại Trường THPT Đào Sơn Tây.

CLB âm nhạc Trường THPT Đào Sơn Tây biểu diễn tiết mục múa hát "Em trong mắt tôi" tại chương trình.

Chương trình chắp cánh ước mơ được thực hiện từ 1/1/2024 đến 15/5/2024. Chuyên gia sẽ đến 40 trường THPT trên địa bàn để thực hiện 6 chuyên đề. Các chuyên đề bao gồm nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; đánh thức giấc mơ của bạn; ứng xử thông minh với mạng xã hội; thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng và kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/2000-hoc-sinh-trung-hoc-hao-hung-danh-thuc-giac-mo-cung-chuyen-gia-post674037.html