19 sinh viên ĐH Quốc Gia TPHCM nghi ngộ độc thực phẩm

Thông tin từ Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức (TP Thủ Đức), chưa đầy 4 tiếng, có 19 sinh viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM phải nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức) - nơi tiếp nhận 19 sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM nghi ngộ độc thực phẩm.

Chiều 9/5, trả lời Báo Giáo dục và Thời đại, BS.CKII Hồ Thanh Phong, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, cho biết, trong đêm, 19 sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM nhập viện trong tình trạng hầu hết đau bụng, một số kèm nôn ói, tiêu lỏng.

Cụ thể, trước đó, lãnh đạo và ekip bệnh viện có nhận được thông tin có trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm tại ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM nên đã cử bác sĩ qua thăm, khám.

22 giờ ngày 8/9, 4 sinh viên nhập Khoa Tiêu hóa của bệnh viện. Đến 2 giờ 30 phút ngày 9/5, bệnh viện bắt đầu điều phối các khoa tiếp nhận tổng 19 sinh viên.

"19 sinh viên đều nằm ở khoa thường, không có trường hợp nặng, diễn tiến nhanh. Hiện, sức khỏe của các sinh viên đã ổn định tuy nhiên chưa rõ trước đó 19 sinh viên đã ăn món gì. Ngay khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã có báo cáo gửi đến các đơn vị liên quan và các cơ quan chức năng", BS Phong cho hay.

Liên quan đến vấn đề, ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc 19 sinh viên nghi ngộ độc thực phẩm nhập Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Hiện, HCDC đang cùng cơ quan chức năng tiếp xúc các bệnh nhân, điều tra dịch tễ.

Trước đó, 16 học sinh của 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức cũng nhập Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu, nghi ngộ độc thực phẩm. Qua khai thác bệnh sử, đa số các học sinh ăn sushi từ hàng rong bán trước cổng trường.

Thời gian qua, trên đại bàn TPHCM và các tỉnh lân cận liên tục ghi nhận tình trạng bệnh nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm.

Các chuyên gia nhận định, thời tiết nắng nóng, nắng mưa thất thường và độ ẩm kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, làm thức ăn nhanh hỏng.

Mỗi người dân cần tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách bảo quản thực phẩm đúng cách, nâng cao ý thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; phải ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn,…

Nếu xuất hiện tình trạng tiêu lỏng, nôn ói, sốt… phải đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, không được tự ý mua thuốc vì ở trẻ bệnh diễn tiến rất nhanh.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/19-sinh-vien-dh-quoc-gia-tphcm-nghi-ngo-doc-thuc-pham-post682565.html