180 trẻ em dự Liên hoan phim ngắn 'Lan tỏa ước mơ'

Ngày 16-9, Liên hoan phim trẻ em 'Lan tỏa ước mơ' với chủ đề trẻ em và thanh - thiếu niên vùng cao tự làm phim về cuộc sống của mình diễn ra tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Chương trình thu hút 180 em nhỏ chủ yếu đến từ các địa bàn khó khăn.

Trao thưởng cho các nhóm đoạt giải.

Trao thưởng cho các nhóm đoạt giải.

Tại Liên hoan phim, 12 bộ phim ngắn xuất sắc nhất trong tổng số 22 bộ phim với độ dài từ 3-5 phút được trình chiếu. Đồng thời, tại sự kiện này, ban tổ chức cũng mở ra các hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ ý tưởng của quá trình thực hiện làm phim, các quan điểm cá nhân trong cuộc sống của các em với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền các huyện…

Kết thúc Liên hoan, ban tổ chức đã trao 15 giải, trong đó có một giải do khán giả bình chọn và 14 giải Ban giám khảo chấm theo tiêu chí chuyên môn. Cụ thể, sáu giải chính và tám giải phụ như quay, kịch bản, kỹ thuật xử lý hình ảnh, nhạc nền, đến đoàn làm phim có tuổi đời nhỏ nhất…

Phim “Điểm tựa cho con” của các em xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đạt giải phim xuất sắc nhất.

Phim “Giá như” của các em xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đạt phim có diễn viên chính xuất sắc nhất.

Phim “Một hắn khác” của trẻ em xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn, đạt giải phim có đạo diễn xuất sắc nhất.

Phóng sự thể hiện có giá trị báo chí tốt nhất là “Nhà tiêu hợp vệ sinh” (Thượng Tiến - Kim Bôi - Hòa Bình).

Phóng sự mang tính thời sự nhất là “Con dốc trường em” (Nà Pặc - Ngân Sơn - Bắc Cạn).

Phim “Một ngày của Như” (Cuối Hạ - Kim Bôi - Hòa Bình) đạt giải phim phản ánh vấn đề của trẻ em rõ ràng nhất.

Liên hoan phim ngắn của trẻ em với tên gọi “Lan tỏa ước mơ” là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Kết nối tiềm năng lãnh đạo” do tổ chức ChildFund Việt Nam triển khai tại ba địa phương Hòa Bình, Cao Bằng và Bắc Cạn với sự tài trợ của Chương trình Viện trợ phát triển của Chính phủ Australia trong giai đoạn 2016-2019.

Kết quả cuộc khảo sát của tổ chức ChildFund Việt Nam thực hiện năm 2016 cho thấy, chỉ có 3,9% trẻ em nam và 9,7% trẻ em nữ có tiếng nói trong các quyết định liên quan tới mình. Đây cũng được xác định là một trong những yếu tố cản trở quá trình tham gia của trẻ em và thanh - thiếu niên trong các quyết định có ảnh hưởng tới cuộc sống của các em.

Để phần nào hỗ trợ giải quyết thực trạng này, dự án đã tạo cơ hội cho hơn 300 trẻ em và thanh - thiếu niên dân tộc miền núi ở các địa bàn khó khăn trong độ tuổi từ 8 đến 24 tham gia hoạt động làm phim. Qua đó, dự án giúp các bạn nhỏ bày tỏ những suy nghĩ của chính mình về các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày với những góc nhìn đa dạng.

Các em được tập huấn về cách xây dựng kịch bản, cách sử dụng máy quay, các kiến thức cơ bản về bố cục ánh sáng và khuôn hình, xây dựng kịch bản, quay phim, diễn xuất và đạo diễn rồi tự lựa chọn đề tài và xây dựng bộ phim.

Ngoài ra, các em cũng được trang bị các kiến thức về sự tham gia và kỹ năng ra quyết định. Mỗi thành viên trong nhóm giữ vai trò và trách nhiệm cụ thể dựa trên điểm mạnh và sở thích của mình. Đây là cơ hội tốt để trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của mình bằng quá trình tiếp cận với thiết bị công nghệ hiện đại. Thông qua những thước phim, chính quyền địa phương và các phụ huynh cũng sẽ hiểu sâu hơn về thế giới nội tâm của trẻ em, đồng thời có cách nhìn nhận tiến bộ hơn về sự tham gia và tiếng nói của các em.

Dự án “Kết nối tiềm năng lãnh đạo” của ChildFund Việt Nam nhằm tăng cường sự tham gia, tiếng nói, tính tự đại diện của trẻ em và thanh thiếu niên để các em có cái nhìn tích cực vào tương lai và truyền cảm hứng cho các trẻ em khác trong cộng đồng. Hoạt động đang được triển khai tích cực tại 12 xã ở các huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Cạn) và huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng).

Tin, ảnh: ĐỨC ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34108202-180-tre-em-du-lien-hoan-phim-ngan-%E2%80%9Clan-toa-uoc-mo%E2%80%9D.html