17 bài thuốc quý chữa bệnh từ gừng đen

Theo y học cổ truyền, củ gừng đen có vị cay và tính chất ấm, nóng. Do đó, gừng đen được sử dụng để chế biến thành nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả một số bệnh về tiêu hóa, viêm nhiễm và tăng cường hệ miễn dịch...

1. Đặc điểm cây gừng đen

Tên khoa học: Distichochlamys), thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Tên gọi khác: Ngải tím, Ngải đen, Nga truật.

BSCK2. Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình.

Khác với gừng tươi thông thường, loại cây này được biết đến với màu sắc đặc trưng, với phần thịt bên trong có màu tím đen. Gừng đen có mùi thơm đặc trưng và vị cay nồng, hơi đắng.

Đây là loại dược liệu "rất quý" của miền núi Việt Nam và cũng được tìm thấy ở một số tỉnh thuộc Trung du, Tây Nguyên (Việt Nam). Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người tiêu dùng, loại cây này đã được trồng rộng rãi ở các vùng đồng bằng.

Gừng đen là một loại cây thuộc họ Gừng, nên có nhiều điểm tương đồng về hình dáng với cây gừng thông thường, dẫn đến sự nhầm lẫn cho nhiều người.

Cây trưởng thành thường có thân cao khoảng 1 mét, với tán lá tròn to và hoa màu vàng hoặc tím, được xếp chồng lên nhau. Loại cây này thường phát triển nhiều nhánh phụ quanh thân cây, hình dáng bẹ lá hơi mỏng, dài, màu xanh bóng.

Quá trình thu hoạch củ gừng đen kéo dài khoảng 6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau. Bên ngoài, củ loài cây này giống với củ gừng thông thường, có vỏ màu nâu, nhưng bên trong có màu tím đen đặc trưng và mang theo mùi hương độc đáo, khác biệt.

2. Bài thuốc từ gừng đen

Bài 1- Hỗ trợ người tiểu đường: Gừng đen tươi 10g, nước 300ml. Đun sôi 15 phút, chia uống 2- 3 lần trong ngày.

Bài 2 - Hỗ trợ giảm cân: Gừng đen khô 5g, nước 500 ml. Đun sôi 20 phút, chia uống 4-5 lần trong ngày.

Bài 3- Viêm, sưng nhức khớp: Gừng đen khô 6g, vương tôn 15 g, nước 500 ml. Đun sôi 30 phút, chia uống 3-4 lần trong ngày.

Cây gừng đen có hoa màu tím

Bài 4 - Kháng khuẩn chữa viêm họng, viêm da: Gừng đen tươi 10g, sâm đại hành 10g, nước 500 ml. Đun sôi 20 phút, chia uống 3-4 lần trong ngày.

Bài 5 - Liền vết thương: Gừng đen tươi 10g, sâm đại hành 10g, lá sống đời 20g, nước 400 ml. Đun sôi 20 phút, chia uống 3-4 lần trong ngày.

Bài 6 - Phòng ngừa ung thư: Gừng đen tươi 10g, xạ đen khô 10g, nước 600 ml. Đun sôi 20 phút, chia uống 4-5 lần trong ngày.

Bài 7 - Tăng cường sinh lý nam: Gừng đen khô 10g, sâm béo 10g, cây nưng 15g, nước 500 ml. Đun sôi 30 phút, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 8- Điều trị bệnh vẩy nến: Gừng đen khô 10g, vương tôn 20g, bồ cu vẽ 10g, nước 600 ml. Đun sôi 30 phút, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 9 - Chống lão hóa: Gừng đen khô 5g, cỏ máu khô 5g, kim ngân đằng 5g, nước 1000 ml. Đun sôi 30 phút, thay nước uống trong ngày.

Bài 10 - Tăng năng lượng cơ thể: Gừng đen khô 5g, sâm cát 10g, nước 500 ml. Đun sôi 30 phút, uống 2-3 trong ngày.

Bài 11 - Lưu thông mạch máu: Gừng đen khô 6g, vương tôn 4g, cỏ xước 5g, nước 600 ml. Đun sôi 30 phút, uống 2-3 trong ngày.

Bài 12 - Chữa viêm loét dạ dày: Gừng đen tươi 100g, mật ong 300 ml. Ngâm trong 20 ngày. Mỗi ngày uống 20-30 ml, chia 2 lần, pha với nước ấm.

Bài 13- Chữa phụ nữ bị rong kinh, kinh nguyệt không đều: Gừng đen khô 5g, ngải cứu 10g, nước 600 ml. Đun sôi 30 phút, uống 2-3 trong ngày.

Bài 14 - Chữa chứng kiết lỵ: Gừng đen khô 6g, vỏ thân ổi 10g, nước 600 ml, đun sôi còn 200 ml, uống 2 trong ngày.

Bài 15 - Chữa bệnh gout: Gừng đen khô 6g, vương tôn 20g, cây nở ngày đêm 20g, nước 1000 ml. Đun sôi 30 phút, uống thay nước trong ngày.

Bài 16 - Chữa hen suyễn: Gừng đen khô 6g, lá bàng biển 20, nước 600 ml. Đun sôi còn 200 ml, uống 2 trong ngày.

Bài 17 – Rượu gừng đen tăng cường sức khỏe: Gừng đen 500g, rượu 40 độ 2 lít. Ngâm 30 ngày rượu tạo ra một loại đồ uống độc đáo với hương vị thơm ngon, khai vị tăng cường sức khỏe. Ngày 60 ml chia 02 lần trước bữa ăn.

3. Lưu ý cho người sử dụng

Khi sử dụng gừng đen, cần lưu ý những điểm sau đây để tránh các phản ứng phụ hoặc tác hại có thể xảy ra:

- Dị ứng với gừng đen: Khi bắt đầu sử dụng, hãy quan sát cơ thể, nếu thấy có dấu hiệu khó chịu như buồn nôn, đau bụng, hoặc phản ứng da… nên ngừng sử dụng và nhận hỗ trợ thông tin từ bác sĩ.

- Tương tác với thuốc khác: Loại gừng này có thể tương tác với một số loại thuốc. Nếu đang dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chống đông máu hoặc điều trị các bệnh dạ dày, hãy xin ý kiến với bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền trước khi sử dụng để tránh tác động không mong muốn.

- Thận trọng với các đối tượng: Trẻ em, người mắc bệnh dạ dày nhạy cảm, người mắc bệnh tiền đình, người dễ bị dị ứng, phụ nữ mang thai và cho con bú...

Nhớ rằng, tùy theo cơ địa của mỗi người, phản ứng có thể khác nhau. Luôn luôn chú ý đến cảm giác và phản ứng của cơ thể khi sử dụng sản phẩm gừng đen và tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia y tế nếu cần thiết.

BSCK2. Trần Ngọc Quế

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/17-bai-thuoc-quy-chua-benh-tu-gung-den-169240412210243593.htm