16 dự án thích ứng biến đổi khí hậu của ĐBSCL: Tiến độ chậm và tăng vốn

Đến nay, 16 dự án thích ứng biến đổi khí hậu của ĐBSCL, sử dụng vốn vay nước ngoài (Mekong DPO) bị đánh giá triển khai chậm và tăng vốn khoảng 12.800 tỉ.

Ngày 9-3, tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng vốn vay nước ngoài (Mekong DPO) họp lần thứ 3 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án Mekong DPO và các dự án liên quan (16 dự án).

Cuộc họp lần thứ 3 về rà soát tháo gỡ khó khăn cho 16 dự án thích ứng biến đổi khí hậu của các tỉnh, thành ĐBSCL tại Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Gợi ý phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết: “Tình trạng chung nổi lên đúng một chữ là chậm! Đây là các dự án Chính phủ muốn làm, địa phương muốn có, các nhà tài trợ ủng hộ mà sao vẫn cứ chậm… Các dự án từ lúc có ý tưởng đến nay là 7 năm mà vẫn chưa đâu vào đâu”.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT đã báo cáo về tiến độ các dự án và cho biết, có sự thay đổi tổng mức đầu tư so với Nghị quyết 108/2023 của Chính phủ, tăng khoảng 12.800 tỉ.

Cuộc họp đã nghe các địa phương trong vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT trình bày các vấn đề liên quan đến dự án DPO đi qua địa bàn, những khó khăn về thủ tục, điều chỉnh dự án…

Video: 16 dự án thích ứng biến đổi khí hậu của ĐBSCL: Tiến độ chậm và tăng vốn

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá sau hai cuộc họp trong năm 2023 và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và đối tác phát triển nước ngoài, tiến độ chuẩn bị các dự án Mekong DPO đã có những chuyển biến ở nhiều cấp độ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp. Ảnh: NHẪN NAM

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/2023 đồng ý huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án Mekong DPO với tổng mức vốn nước ngoài dự kiến huy động được điều chỉnh trên cơ sở nhu cầu vốn đầu tư của các dự án, phù hợp với cam kết của các đối tác phát triển và phê duyệt tỉ lệ cho vay lại vốn vay nước ngoài là 10% đối với 14 dự án thuộc nhiệm vụ chi của địa phương vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 16/2024 về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ trong đó có việc phân cấp cho TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản các dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 61C vay vốn JICA và giao các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh là cơ quan chủ quản các dự án xây dựng cầu Cửa Đại và Cổ Chiên 2 kết nối các địa phương.

Đến nay, có hai dự án đã được Thủ tướng phê duyệt đề xuất; hai dự án đang trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất; 4 dự án đang được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng các nội dung về tài chính.

Tuy nhiên, về cơ bản quá trình chuẩn bị và phê duyệt để triển khai các dự án Mekong DPO vẫn chậm so với chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch dự kiến. Các đề xuất dự án của tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến các cơ quan có liên quan…

Hai dự án xây dựng cầu Cửa Đại (nối Tiền Giang - Bến Tre) và cầu Cổ Chiên 2 (nối Bến Tre - Trà Vinh) mới được các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang đề xuất và huy động vốn tài trợ. Đây là những dự án quan trọng, có ý nghĩa khép nối toàn tuyến đường ven biển vùng ĐBSCL, bổ sung và phát huy tác dụng, hiệu quả của các dự án Mekong DPO.

Bản đồ các dự án Mekong DPO. Ảnh: NHẪN NAM

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp cùng với các địa phương, đối tác phát triển đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Với một số kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Phương cũng bày tỏ chia sẻ và có một số giải đáp. Như liên quan đề nghị của Kiên Giang về cây cầu 15 tỉ - một số tiền rất nhỏ so với tổng đầu tư dự án khoảng 2.700 tỉ, Thứ trưởng đề nghị địa phương làm việc với đối tác phát triển để tìm kiếm nguồn tài trợ nhanh nhất nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường DPO qua Kiên Giang.

Về hai cây cầu Cửa Đại và Cổ Chiên 2, Thứ trưởng Phương đã phân tích các điều kiện về vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, vốn vay ODA để địa phương cân nhắc dùng vốn ODA hay vốn trong nước…

Ông Phương đề nghị Vụ kinh tế đối ngoại sau phiên họp này tổng hợp các ý kiến, các khó khăn vướng mắc để báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt là vướng mắc về Nghị quyết 108 liên quan đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/16-du-an-thich-ung-bien-doi-khi-hau-cua-dbscl-tien-do-cham-va-tang-von-post779632.html