13 cá tính nghệ thuật cùng 'Chơi' Trung thu

Đến hẹn lại lên, chiều 7.9, nhóm họa sĩ G39 đã trở lại với triển lãm tranh chủ đề Trung Thu với tên gọi độc đáo: Chơi. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 12.9 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).

Nhóm họa sĩ G39 tham gia triển lãm “Chơi”.

Mùa trăng, mùa thu, mùa trăng tròn giữa thu, Tết Trung thu,… tựu chung lại là một cái Tết đặc biệt dành cho trẻ con mà cũng không hẳn chỉ cho trẻ con. Đó còn là một cái Tết của bạn bè, gia đình, của sum vầy, gặp gỡ và trao nhận yêu thương.

Có người lớn nào mà đã không từng là trẻ con? Một người lớn đúng nghĩa thì bao giờ cũng có một phần, một góc trẻ con trong mình. Phải chăng người ta đi qua được những bất ưng trong cuộc đời này phần nào cũng là do họ biết: biết giản dị, biết ngây thơ, biết “ấu thơ”.

“Chơi” dành cho tất cả con trẻ và những ai đã từng là trẻ con.

70 tác phẩm Chơi giống như một lễ hội đêm rằm rực rỡ sắc màu: Hình ảnh trẻ con chơi đùa trong đêm trăng với những trò rước đèn, múa rồng, múa lân… gợi nhiều ý cho tạo hình, tạo màu, tạo khối, tạo sắc; Hình ảnh cá chép trong đôi lông mày của đầu lân, của đèn cá đều là ước muốn của người lớn về sự tốt lành cho trẻ nhỏ khởi từ cái ý lưỡng ngư vọng nguyệt, hoặc cá chép vượt vũ môn; Hình ảnh những vị tiến sĩ bằng giấy màu là mong muốn cho trẻ nhỏ học giỏi, thi cử, đỗ đạt…

Chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, Chơi là triển lãm nối tiếp hoạt động của nhóm G39 được tổ chức vào dịp Trung thu hàng năm. Tiêu chí của những tác phẩm tham gia triển lãm phải là mới, chưa trưng bày ở nơi khác, bởi với việc tổ chức thường niên yếu tố mới được đặt lên hàng đầu để không có sự lặp lại.

“Nội dung quan trọng nhất năm nay của chúng tôi là đưa được thông điệp về trò chơi dân gian, gợi lên những ký ức về nó, kêu gọi mọi người bảo tồn nó”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Một số bức tranh chủ đề Trung thu với chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Những trò chơi trẻ em truyền thống đang dần biến mất, các họa sĩ đặt ra câu hỏi thay đổi và hiện đại là đương nhiên nhưng có nhất thiết phải đánh mất truyền thống không? Nếu Kéo cưa lừa xẻ, Trồng nụ trồng hoa, Thả diều, Nhảy dây… mất đi thì đâu chỉ là mất những trò chơi đó mà hiểu rộng ra là mất ký ức, mất tuổi thơ, mất truyền thống. Bởi ở trong những trò chơi đó là văn hóa. Phải giữ văn hóa.

Giữ gìn trò chơi truyền thống là một đề tài mà các họa sĩ mong muốn được lan tỏa qua triển lãm này.

Chơi có sự góp mặt của 13 nghệ sĩ: Vương Linh, Lê Thị Minh Tâm, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Nguyễn Quốc Thắng, Lê Ngọc Thuận, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Chu Hồng Tiến, Tào Linh, Đào Trọng Lưu.

Nguyễn Quốc Thắng tham gia với một serie cùng tên Rằm trung thu ở làng. Với chất liệu sở trường bột màu trên giấy dó và giấy báo cũ, làng Cự Đà nơi anh sống chưa bao giờ “lung linh” như thế, tươi mới như thế. Vẫn là rước đèn, múa lân nhưng bằng một bảng màu gần như không pha, tương phản mạnh nên Trung thu Cự Đà trở thành một lễ hội màu.

Vài bức khác, Nguyễn Quốc Thắng vẽ mâm cỗ Trung thu, rất Tết, rất thu vì có tết Trung thu mới được phá cỗ. Vẫn phải nhắc lại, qua những bức tranh lần này càng thấy rõ Thắng hơn, thấy anh luôn hồn hậu, tươi mới, luôn giữ được cái trẻ con trong ánh nhìn của mình.

Rước cá chép, bột màu trên giấy dó của Nguyễn Quốc Thắng, 60x80cm.

Lê Minh Trí góp mặt bằng 5 tác phẩm điêu khắc, chính xác là điêu khắc kết hợp hội họa, điêu khắc màu. Trên cái hình chung gợi Bồ Tát ngồi thiền, anh cho đồng hiện lên đó một đêm hội trăng rằm bằng những tín hiệu của đèn kéo quân, của mặt nạ với kiểu đi mẫu mảng phẳng, kỷ hà. Có vị Bồ Tát nào mà không mang lại an lành, đó cũng là lời cầu chúc của Minh Trí cho Tết trăng rằm.

Lê Ngọc Thuận đến với Chơi qua các tác phẩm điêu khắc gỗ củi lũ phủ sơn và thếp vàng, với lối ngôn ngữ thô mộc, gợi khối chứ không tả khối vừa hiện đại vừa là gạch nối đến những tượng trang trí trong nhà Gươl của người Cơ Tu vùng Tây Giang, Quảng Nam.

Hoàng Phương Liên vẫn độc thủ với tranh giấy màu, cắt dán, xé, ghép. Chị kể câu chuyện về một đêm hội Trung thu vừa thực vừa ảo, có múa lân, cổ đèn xếp, có cây đa, có Nguyệt, có chú Cuội chăn trâu mà vẫn có lô xô mái ngói phố cổ. Trời đất, mây gió, trăng và người giao hòa đầy mơ mộng.

“Trung thu”, tranh xé giấy của Hoàng Phương Liên, 60x90cm.

Lê Thị Minh Tâm không múa, không rước, Trung thu với chị là trăng, 6 bức khổ lớn vẽ chị Hằng. Trăng rằm được người hóa, tức là tưởng tượng, là tự do, là phóng khoáng, là thăng hoa, là tung tẩy, không múa lân rước rồng nhưng màu sắc bút pháp của chị bay lượn, đầy biểu cảm và nhục cảm như một vũ điệu của sắc màu.

Chu Hồng Tiến kể câu chuyện về những trò chơi đánh bị, đánh đảo, thả diều, nhảy dây bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Truyền thống được kể bằng hiện đại, những bức tranh nhỏ thôi, như thì thầm, như tiếc nuối, như tiếng gọi nhau của lũ con trẻ ở đâu đó xa xăm vọng về. Hình màu đều rất kiệm, chấm phá vài nét, gợi mở phần nào thôi. Có lẽ Chu Hồng Tiến cố ý “hé cửa” để những trò chơi đó sẽ được người xem khám phá tiếp, chơi tiếp, theo ký ức riêng của mình.

“Trò chơi ký ức”, acrylic trên toan của tác giả Chu Hồng Tiến, 60x40cm

Lần đầu tiên, nghệ sĩ sáo Lê Thư Hương “chơi” chung với Nhóm họa sĩ G39. Vẫn là trò chơi Ô ăn quan quen thuộc, nhưng trong mắt của Hương nó là một vườn địa đàng, một vườn cổ tích, một vườn đồng dao. Mỗi trò chơi dân gian đều gắn với một bài đồng dao. Mà đã là đồng dao tức là vô lý, vẻ đẹp của vô lý, “cái đanh thổi lửa”, “ông thợ nào thua thì về bú mẹ", “hết quan tàn dân thu quân kéo về”...

Tranh của Lê Thư Hương đầy ắp vô lý quan là dân, dân là quan, là con mèo là đàn cá... rất thần tiên, rất mơ mộng, rất hoan ca, rất “Chơi”.

Phong nguyệt, acrylic trên toan của tác giả Lê Thư Hương, 30x30cm

Đào Trọng Lưu nhập cuộc Chơi với hai bức đại cảnh một đêm Trung thu ở Sapa, có trăng, có núi, có những em bé người Mông, người Dao đỏ múa rồng, rước đèn ông sao... màu tươi, tương phản nóng lạnh, tạo hình ít mảng, nhiều nét, gợi là chính... Ông trọng sự “Chơi”, nghệ thuật của ông không bị nghiêm trọng, gò gẫm, mân mê, gọt giũa tỉ mẩn mỹ nghệ. Vui trẻ, vừa có độ trải nghề của thâm niên, vừa có hồn hậu của thiếu nhi, đúng tinh thần “lão nhi”.

Họa sĩ Đào Trọng Lưu cho biết, đây là lần đầu tiên ông tham gia triển lãm cùng nhóm G39 với những bức tranh bộc lộ rõ nét về Trung thu. Những tác phẩm này được ông vẽ ở Sa Pa, ông cho biết, người dân ở đó cũng đón Trung thu tưng bừng không kém gì ở vùng khác và Thủ đô. Đặc biệt, họ sẽ tự làm những đèn lồng, đèn rước, mặt nạ,... để vui Trung thu.

Đêm Trung thu Sapa, acrylic và sơn dầu của họa sĩ Đào Trọng Lưu, 135x230cm.

Một số họa sĩ như Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Vương Linh không rước đèn, không múa may, không đeo mặt nạ, cũng không vẽ về những trò chơi. Họ “Chơi” bằng cách đặc biệt, tham gia Chơi với những tác phẩm mới nhất, mới sáng tác gần đây do chính họ tự chọn. Đấy cũng là một kiểu chơi.

Với quan niệm “nếu không phải là chơi thì không có nghệ thuật”, “chơi là thứ không có mục đích gì cả”, triển lãm mở ra một không gian Trung thu sống động như lời chúc an lành, hạnh phúc của nhóm họa sĩ “Chơi” dành cho tất cả con trẻ và những ai đã từng là trẻ con.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/13-ca-tinh-nghe-thuat-cung-choi-trung-thu-40892.html