12 năm cưu mang, dạy dỗ trẻ mồ côi

12 năm nay cô Thạch Thị Vân Anh đã cưu mang những em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ và nuôi dạy chúng trưởng thành với tất cả tình yêu thương và tâm huyết.

Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Hướng Dương nằm tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang nhưng lại thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ do Hội Rayon de Soleil (Pháp) tài trợ, cùng với sự góp sức của các mạnh thường quân và nhà hảo tâm tại địa phương.

Hiện nhà trẻ nuôi 22 em tập trung và 3 em ngoài cộng đồng là con em các tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, gia đình khó khăn hay ông bà già yếu không đủ khả năng chăm lo.

Nhà Nuôi Dạy Trẻ Mồ Côi Hướng Dương tại quốc lộ 1A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Cô Thạch Thị Vân Anh với tên gọi thân mật là cô Tư, nay đã 70 tuổi. Bén duyên với nhà trẻ từ năm 2012, gắn bó và nuôi dạy những cảnh đời thiếu thốn vòng tay ôm ấp của gia đình cho đến nay. Hiện cô Tư là quản lý học tập kiêm bảo mẫu cho các em gái tại nhà trẻ.

Sau giờ dạy trẻ, cô Tư trải lòng về những vui buồn và ký ức một thời làm giáo viên. Cô kể, sau khi kết thúc hợp đồng dạy tại trường Tiểu học Phương Ninh, tỉnh Hậu Giang, trong một dịp tình cờ về Cà Mau chơi cô nhìn thấy những em nhỏ vùng sâu, vùng xa của xứ rừng đước, rừng tràm không có điều kiện học chữ vì hoàn cảnh đến trường khó khăn, cách trở và thiếu giáo viên tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

“Năm 1990, khu đó là rừng đước, phòng học thì không có, chỉ là một chòi lá được bà con dựng lên để tìm giáo viên/ người biết chữ dạy lại cho con em của họ. Các em rất đông, mình cũng nhớ nghề nên xin phép chính quyền địa phương mở lớp dạy học. Mới đầu tính đi chơi thôi, xuống thấy tình hình như vậy, chưa có đường lộ đi, di chuyển chủ yếu là ghe xuồng. Cô mở và phân loại lớp, mỗi lớp từ 30 - 40 em, bà con biết tới cũng gửi con em mình vào lớp”, cô Tư nhớ lại.

Cô Thạch Thị Vân Anh và các em học sinh ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vào những năm 90

Những năm đó, tuy vất vả, không có nhiều điều kiện dạy và học như bây giờ nhưng thời gian gắn bó với các em học sinh vùng đất cuối cùng của tổ quốc là quãng ký ức cô Tư không thể nào quên.

Năm 2008, sau khi nghỉ hưu và trở về Cần Thơ, cô Tư cũng nhớ nghề lắm: “Về trên đây một thời gian, cô cũng tham gia dạy cho các em nhà trẻ. Nhà trẻ cũng đang thiếu giáo viên, biết vậy nên cô làm đơn xin vô trong này. Vì cô cũng độc thân, không con cái nên ở đây gắn bó chăm sóc và nuôi dạy các cháu cho tới bây giờ".

Chính thức công tác tại nhà trẻ vào năm 2012, phụ trách học tập cho tất cả các em từ lớp 1 đến lớp 5, còn cấp hai trở lên thì cô chỉ dạy trong khả năng của cô, nhắc nhở và kiểm tra bài vở cũng như liên hệ với thầy cô trong trường để theo dõi việc học của các em.

Cô Tư không chỉ tận tình chỉ bảo cho các em cách đối nhân xử thế, trên kính dưới nhường, xử phạt phân minh mà cô Tư còn trò chuyện, tâm sự riêng với từng em để thấu hiểu cá tính, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp. Không phải em nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép hay chịu học mà cần thời gian để thích nghi, nhắc nhở và rèn luyện. Quan điểm của cô là giáo dục bằng cái “tâm” của mình.

Cô Thạch Thị Vân Anh (cô Tư) - Quản lý học tập kiêm bảo mẫu phòng nữ tại Nhà Nuôi Trẻ Mồ Côi Hướng Dương (Cái Tắc, Hậu Giang)

Những đứa trẻ được cô Tư chăm sóc và dạy dỗ từ lúc 3 - 4 tuổi giờ nhiều em đã lớn và phụ tiếp các cô nấu ăn, chăm nom các em nhỏ mới vào. Một số em rời nhà trẻ về nhà hoặc theo học Cao Đẳng, Đại Học với khao khát vươn lên để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bé Vũ Huỳnh Thanh Nhi, học sinh lớp 9 là bé gái lanh lợi, có đôi mắt to tròn và gương mặt bầu bĩnh năm nào giờ đã ra dáng thiếu nữ, 8 năm liền đạt học sinh giỏi và thường xuyên thay cô Tư chăm sóc các em nhỏ hơn.

Em vào đây lúc 3 tuổi, ba mẹ thôi nhau, mẹ nuôi hai anh em không nổi nên gửi em vào nhà trẻ và cho anh trai ở nhà phụ mẹ” - Thanh Nhi chia sẻ.

Hay emLưu Thị Mỹ Hạnh, học sinh lớp 8 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được gửi vào nhà trẻ với mong muốn có cuộc sống tốt hơn cũng như được tiếp tục đến trường. Em xúc động bày tỏ: “Em rất biết ơn cô Tư vì đã chăm sóc và dạy dỗ tụi em cũng như tạo điều kiện đủ đầy nhất cho em được đi học cho đến ngày hôm nay” .

Em Vũ Huỳnh Thanh Nhi (vị trí thứ 2 từ phải sang) và em Lưu Thị Mỹ Hạnh (vị trí thứ 4 từ phải sang)

Từ thời điểm dịch bệnh xảy ra cho đến nay đã ảnh hưởng ít nhiều đến nhà trẻ. Cô Tư cho hay: “Nhà trẻ rất thiếu thốn, thiếu kinh phí. Mặc dù nhận kinh phí từ bên Pháp nhưng những năm này kinh tế khó khăn họ chỉ gửi 40% trở lại mà số lượng trẻ ở đây ngày càng nhiều. Nhiều khi không có tiền, phải ra Tổ Nhân đạo xin gạo, mấy năm trước chưa có nhiều người biết đến nhà trẻ nên không đến hỗ trợ.

Hồi trước, cũng nhiều nhà hảo tâm người ta vô cho nhu yếu phẩm, nhưng giờ họ cắt, họ nói làm ăn thua lỗ nên không giúp được nhưng cũng có nhiều nhóm thường xuyên tới hỗ trợ các cháu cái này, cái kia”.

May mắn, các em được lớn lên cùng nhau trong sự yêu thương và dạy dỗ từ những người mẹ thứ hai “thầm lặng” và các mạnh thường quân quan tâm, đóng góp để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, những bữa ăn đủ đầy, góc sân vui chơi đầy ắp tiếng cười...

Cô Tư dạy các em nhỏ viết chữ

12 năm gắn bó “dạy chữ, rèn tâm” cho những đứa trẻ mồ côi, cô Thạch Thị Vân Anh - người lái đò đặc biệt đã chuyên chở biết bao yêu thương mà chẳng màng cuộc sống riêng.

Nâng bước bao thế hệ trưởng thành cô Tư chỉ mong sao được nhìn thấy các em nhỏ kém may mắn mỗi ngày vui đùa hồn nhiên, chăm ngoan và trưởng thành nên người, trở thành người có ích cho xã hội.

Chuông Mây - Tấn Kiệt

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/12-nam-cuu-mang-day-do-tre-mo-coi-d195116.html