12 giây - thời gian làm cả thế giới cất cánh

Họ là hai anh em người Mỹ gồm Orville Wright và Wilbur Wright, những người đầu tiên thử nghiệm thành công máy bay.

Hai anh em nhà Wright. Ảnh: Internet

Hai anh em nhà Wright. Ảnh: Internet

Từ hình vẽ bay lên trời với đôi cánh…

Ước mơ bay lên bầu trời từng bị loài người xem là xa xôi, hoang đường. Nhưng cũng không thiếu những con người luôn nhiệt huyết khám phá những điều bí ẩn và tin vào sức mạnh của sự chinh phục. Anh em nhà Wright chính là những người như vậy.

Trên thực tế, những cái “đầu tiên” trong lịch sử không phải lúc nào cũng được quy định rõ ràng. Muốn biết được người đầu tiên chế tạo ra máy bay, ta cần phải xét đến tất cả những khía cạnh. Đó là máy bay có chạy bằng năng lượng hay không, có điều khiển được hay không, nó phải bay được bao xa, bao lâu hoặc lên tới được độ cao bao nhiêu…

Cuốn sách Lịch sử và Huyền thoại các danh nhân của NXB Văn hóa Thông tin cho biết: Hơn 50 năm trước, tại làng quê bang Ohio Mỹ đã xảy ra một sự kiện nhỏ. Sự kiện nhỏ bé này nhìn bằng con mắt hiện nay, nó đã làm thay đổi cuộc sống của nhân loại, ảnh hưởng lớn đến hậu thế loài người.

Cái ngày “vận mệnh” Orville Wright đến thư viện Diton, bang Ohio mượn một quyển sách có vẽ hình ảnh Lilian Deru người Đức bay trên trời với đôi cánh. Sau khi đọc cuốn sách này, anh trằn trọc không sao ngủ được: Người ta nếu quả là bay được trên bầu trời thì hay biết mấy và anh đã mơ màng hình tượng ấy trong giấc mơ.

Orville Wright đã kể cho người anh của mình là Wilbur Wright nghe và thấy hứng thú. Thế là hai anh em hợp sức cùng nghiên cứu, phát minh ra máy bay kiểu Wright. Từ đó, tên của hai anh em mãi trở thành bất tử.

Hai anh em nhà Wright chưa hề học qua đại học, đang học trung học phải bỏ dở. Nhưng ở hai người có những thứ mà bằng tốt nghiệp đại học không thể sánh được. Đó là sự suy nghĩ phong phú táo bạo và chí hướng lớn.

Bất kể vào lúc nào, hai anh em vẫn không quên ước mơ bay lên bầu trời. Các buổi chiều Chủ nhật, họ thường nằm dài trên sườn núi ngắm nhìn không biết chán đàn chim bay lượn trên không theo làn gió thổi.

Ít lâu sau, họ bắt đầu thử luồng gió làm cánh tay cơ chịu sức gió. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu thả diều. Cuối cùng, một chiếc diều cỡ lớn, cũng là chiếc máy bay có cánh được chế tạo ra. Họ mang đến ngọn núi đất Jirudiwonu thuộc tỉnh Jidihaker bang Ohio để bay thử. Nơi đây chỗ nào cũng có gió biển thổi liên tục, mặt đất là nền cát nhấp nhô.

Sau vài năm liên tục thử nghiệm máy có cánh, họ cho lắp cần lái bằng tay thành chiếc máy bay. Ngày 17/12/1903 là ngày quan trọng nhất trong lịch sử bay lên bầu trời của loài người. Hai anh em phải dùng đồng tiền sấp ngửa để bốc thăm xem ai được lên máy bay trước.

Kết quả, Orville Wright đã thắng. Hôm ấy, trời giá lạnh nhiều mây, bờ biển Jidihaker gió lạnh thổi thấu xương. Nhưng dù gió lạnh thế nào, Wright cũng không mặc áo khoác vì nếu có nó sẽ làm cho máy bay phải chịu nặng hơn.

Đúng 10 giờ 35 phút, Orville Wirght lên máy bay, hai chân cùng đạp, lao về phía trước, tay kéo cần điều khiển. Phút chốc, máy bay phát ra tiếng động cơ rồi khói thổi mạnh ra từ ống xả, nhẹ nhàng bay lên bầu trời.

Chiếc máy bay bay lên, bay xuống, chao đảo, nghiêng cánh được 12 giây rồi hạ cánh xuống bãi cát cách chỗ xuất phát 100 thước Anh (30m). Đó chính là chuyến bay đầu tiên của loài người.

Lần bay tiếp theo do Wilbur thực hiện kéo dài 59 giây và đi được 296 mét. Chiếc máy bay lúc đó được gọi là Flyer I. Nó có sải cánh khoảng 12 mét và nặng khoảng hơn 300 kg, với động cơ xăng 12 mã lực.

Chiếc máy bay chưa thể tự cất cánh mà phải nhờ một thiết bị phóng bằng vật nặng cho thả rơi và khi cất cánh, hạ cánh phải lựa theo chiều gió. Nhưng sự kiện này đã gây ra được tiếng vang dư luận rất lớn. Anh em nhà Wright đã biến giấc mơ từ ngàn xưa của loài người thành sự thật.

…đến kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nhân loại

Từ chuyến bay đầu tiên được thực hiện trong lặng lẽ năm 1903, họ đã liên tục thực hiện những thử nghiệm vào các năm tiếp theo. Wirght nói: Tuy đã bay được lên bầu trời nhưng tôi vẫn không vui lắm. Nếu cho thế là bay thì tôi đã bay rồi. Wirght chỉ nói có thế. Hai anh em nhà Wirght vốn là người ôn hòa, nhân hậu.

Anh em Wirght theo đạo Cơ Đốc nên ngày Chủ nhật phải đi lễ nhà thờ, không tổ chức bay. Một lần quốc vương Tây Ban Nha muốn lên máy bay, bay thử vào ngày Chủ nhật, đặc biệt còn ra lệnh cho họ bay nhưng đã bị anh em họ từ chối. Dù kính trọng quốc vương nhưng họ cũng không thể vi phạm lễ nghi tôn giáo.

Hai anh em ở vậy suốt đời, người cha của họ nói rằng: Bất kể là anh hay em, giữa lấy vợ và máy bay chỉ có một. Thế là hai anh em đã chọn máy bay thay vì việc lập gia đình.

Cho đến năm 1908, sau rất nhiều căng thẳng, mệt mỏi lắp đặt, sửa chữa, cân nhắc, trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả giới chức Pháp, Wilbur Wright đã lái 9 lần với các vòng lượn rộng.

Đồng thời biểu diễn kỹ năng điều khiển máy bay. Lần lượn lâu nhất kéo dài 8 phút 13 giây. Thành tích của anh em Wright lần đầu tiên được nhìn nhận ngoài phạm vi nước Mỹ. Hai ông thành lập Công ty Wright.

Bằng sự say mê hiếm thấy, sự thông minh, nhiệt huyết và tận tụy, họ đã trở thành những người đầu tiên bay lên bầu trời. Hai anh em nhà Wright mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nhân loại.

Năm 1909, chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng với hai ông chế tạo chiếc máy bay quân sự đầu tiên. Chiếc máy bay bay thử nghiệm lần đầu tiên hiện nay đã được lưu giữ tại viện bảo tàng thủ đô Washington.

Wilbur qua đời bởi bệnh thương hàn khi mới 45 tuổi. Người em Orville một mình điều hành Công ty Wright sau đó bán lại với giá ít ỏi. Ông muốn nhường chỗ cho những người nối tiếp tương lai.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/12-giay-thoi-gian-lam-ca-the-gioi-cat-canh-oQbxXWNnR.html