12 cổ phiếu gây tranh cãi nhiều nhất tại Mỹ

Đây là kết quả từ chiêu trò của giới quản lý quỹ đầu tư xung quanh cổ phiếu họ mua vào hoặc của chính các công ty niêm yết để thương hiệu nổi tiếng hơn.

1. Best Buy (BBY)

Lĩnh vực: Bán lẻ điện tử

Tình hình giá cổ phiếu 52 tuần qua: -41,2%

Gần đây, tình hình cổ phiếu của Best Buy không mấy khả quan, doanh số bán lẻ của hãng này cũng phản ánh điều này. Tuy nhiên, mùa nghỉ lễ năm nay có thể sẽ là cơ hội cho hãng lật ngược tình thế. Doanh thu của công ty đã có tăng trưởng dương dù chưa ở mức cao. Tháng 12/2012, công ty này còn bị mất một lãnh đạo chủ chốt, và cựu CEO Dick Schulze vẫn tiếp tục tham vọng về một thương vụ mua lại công ty này.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Giá cổ phiếu Best Buy có thể tăng nếu CEO mới Hubert Joly của hãng này có thể thực hiện một cuộc thay đổi ngoạn mục hoặc nếu cựu CEO Schulze mua lại công ty thành công. Hơn nữa, nếu doanh số của hãng tăng cao vượt mức dự đoán, các nhà đầu tư sẽ trở lại với cổ phiếu Best Buy.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Best Buy đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với nhiều hãng khác trong ngành công nghiệp bán lẻ và việc dòng tiền mặt suy giảm khiến khả năng Schulze mua được công ty là rất cao.

2. Groupon (GRPN)

Lĩnh vực: Internet

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: -72,7%

Đầu năm 2012, cổ phiếu Groupon chịu áp lực lớn khi đơn vị kế toán của công ty nhận xét hệ thống kiểm soát nội bộ của hãng này yếu kém. Hiện công ty đang chuyển đổi từ các hợp đồng địa phương sang việc kinh doanh mới hơn "Groupon Goods".

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Ngân hàng trung ương Mỹ (BofA) nhận định cổ phiếu Groupon có thể tăng nếu hãng này thực hiện thành công việc chuyển đổi nói trên và tỷ suất lợi nhuận của hãng có thể cũng sẽ cải thiện.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Vấn đề của Groupon Goods là dự án này có tỷ suất lợi nhuận thấp. BofA nhận định khi dự án này chiếm tỷ trọng lớn hơn trong việc kinh doanh của Groupon, nó có khiến doanh thu của hãng này bất ổn định.

3. Salesforce.com (CRM)

Lĩnh vực: Internet

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: +67,4%

Dù lợi nhuận thấp và bị bán tháo, giá cổ phiếu của Salesforce vẫn liên tục tăng, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu cổ phiếu này có bị đánh giá quá cao. Tuy nhiên, Salesforce là một tên tuổi lớn trong mảng điện toán đám mây, điều mà các nhà đầu tư đặc biệt yêu thích.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Hiện công ty đang nỗ lực tăng lượng thuê bao, doanh thu ổn định và có thể sẽ thu lời lớn từ việc chuyển đổi cơ cấu sang công nghệ phần mềm đám mây.

Trường hợp cổ phiếu giảm: Hiện Salesforce có lợi nhuận âm và cổ phiếu của hãng này được đánh giá quá cao. Ban quản trị của công ty này còn gặp phải khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

4. Netflix (NFLX)

Lĩnh vực: Giải trí

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: +8,1%

Netflix, từng là một trong những cổ phiếu được ưa thích nhất trên sàn chứng khoán, đã bị “thất sủng” trong năm 2011. Năm 2012, giá cổ phiếu của hãng này vẫn tiếp tục suy giảm cho tới tháng 9/2012, khi nhà đầu tư Carl Icahn tiết lộ về lượng cố phiếu lên tới 10% trong Netflix của mình, giúp giá cổ phiếu quay đầu tăng lên.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Với các khoản đầu tư từ vài năm trước, Icahn có thể giúp cổ phiếu Netflix tăng. Ngoài ra, gần đây, Netflix cũng ký một hợp đồng độc quyền với Walt Disney, giúp cải thiện hình ảnh công ty và nâng cao tính cạnh tranh cho cổ phiếu của hãng.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Hợp đồng với Disney ngốn của Netflix một khoản tiền lớn là 500 triệu USD. BofA cho rằng Netflix khó có thể tăng nhanh số lượng khách hàng đủ để bù vào khoản chi phí này. Thêm vào đó, BofA dự đoán mảng kinh doanh nội địa – một trong những điểm mạnh của Netflix – sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn.

5. Facebook (FB)

Lĩnh vực: Internet

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: -20,7%

Là cổ phiếu được giá cao nhất trong năm 2012, Facebook lại mang lại nỗi thất vọng lớn. Ra mắt với mức giá 38 USD, cổ phiếu Facebook nhanh chóng rớt xuống 18 USD vào đầu tháng 9/2012. Kể từ đó, cổ phiếu này vẫn tiếp tục ở mức dưới 30 USD.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: JPMorgan nhận xét “Vẫn còn quá sớm để phán xét về mảng quảng cáo di động của Facebook”. Đây cũng là quan điểm chung của những người lạc quan về cổ phiếu Facebook.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Với hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu gần 50 và hệ số EBITDA trên 20, nhiều người cho rằng cổ phiếu Facebook đang bị đánh giá quá cao.

6. Dell (DELL)

Lĩnh vực: Công nghệ

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: -17,4%

Năm 2012 là một năm không may mắn với cổ phiếu Dell. Tuy nhiên, thông tin về việc Dell sắp bị tập đoàn khổng lồ Silver Lake Partners mua lại khiến cổ phiếu Dell tăng vọt. Tuy nhiên, khi nào thương vụ này hoàn thành còn đang nằm trong vòng nghi vấn.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Tháng 12/2012, Goldman Sachs đã nâng bậc cổ phiếu Dell từ “bán” sang “mua”, và nhận định việc nhu cầu máy tính giảm là một phần lý do khiến giá cổ phiếu của hãng này có xu hướng giảm.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Nếu thương vụ mua lại nói trên thất bại, cổ phiếu của Dell có thể rớt giá mạnh. Hơn nữa, những số liệu về nhu cầu máy tính suy giảm cũng là một tin xấu đối với cổ phiếu Dell.

7. Tập đoàn Apollo (APOL)

Lĩnh vực: Giáo dục

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: -64,5%

Apollo là một trong những cổ phiếu tồi tệ nhất trong năm 2012. Cổ phiếu của hãng này là nạn nhân của một đợt bán tháo lớn khi lượng học viên giảm và không còn giành được sự ưu ái của nhà đầu tư.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: JPMorgan đã xếp hạng “mua” cho cổ phiếu này, khi cho rằng thị phần lớn và những động thái cắt giảm chi phí có thể sẽ giúp cổ phiếu của hãng này tăng giá. Ngoài ra, chi phí nợ xấu của Apollo cũng đang có xu hướng giảm khi ban quản trị công ty đang nỗ lực lật ngược tình thế.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Nguồn thu lớn nhất của Apollo Group, đại học Phoenix, đang gặp khó khăn khi lượng học viên suy giảm và doanh thu của Apollo giảm từ 1,17 tỷ USD xuống còn 1,06 tỷ USD vì số đơn xin học giảm 14% so với năm trước. Đây là những tin xấu đối với cổ phiếu Apollo.

8. Bank of America (BAC)

Lĩnh vực: Ngân hàng

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: +74,7%

Trong nhiều năm, Bank of America vướng phải các vấn đề pháp lý liên quan tới thương vụ sáp nhập Countrywide Financial đen đủi từ năm 2007. Kể từ đó, BofA phải đối mặt với hàng loạt những cáo buộc gian lận thế chấp và buộc phải chi hàng triệu USD để giải quyết.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Nếu BofA thành công trong việc kết thúc các vấn đề pháp lý, cổ phiếu của công ty sẽ có cơ hội tăng giá. Hơn nữa, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bất động sản, là cơ hội lớn cho BofA.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Việc BofA sử dụng phần lớn nguồn vốn huy động vào thị trường bất động sản và nền kinh tế Mỹ nói chung có thể sẽ là tin xấu đối với cổ phiếu công ty này.

9. Manchester United (MANU)

Lĩnh vực: Giải trí

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: +8,9%

Đợt ra mắt công chúng công chúng lần đầu của Manchester United hồi tháng 8/2012 không thành công như nhiều người mong đợi. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại việc lên sàn sẽ không giúp cho việc phát triển câu lạc bộ. Dù chạm đáy hồi tháng 9, cổ phiếu MANU đã tăng so với mức giá IPO.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Cổ phiếu Manchester United có thể sẽ tăng trưởng khả quan hơn với phong độ tốt của câu lạc bộ trong mùa giải này.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Theo ngân hàng Deutsche Bank và giới phân tích nhận định nguy cơ của MANU là chủ sở hữu công ty chiếm tới 98,7% quyền biểu quyết, lạm phát tiền lương cho các cầu thủ, đội bóng hoạt động không đạt mức mong đợi, và việc mở rộng sang mảng viễn thông và thương mại điện tử.

10. Apple (AAPL)

Lĩnh vực: Công nghệ

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: +15,9%

Apple hiện là công ty lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường nhưng cổ phiếu của công ty được ưa thích sàn chứng khoán này bị bán tháo kể từ tháng 9/2012. Tuy nhiên, gần đây cổ phiếu của hãng công nghệ khổng lồ có xu hướng tăng.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Sau khi đợt bán tháo kết thúc, cổ phiếu Apple bắt đầu tăng trở lại.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Apple đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hậu Steve Jobs và khó có thể phát triển tiên tiến vượt bậc như trước. Doanh số bán iPhone cũng không đạt mức dự kiến.

11. Research In Motion (RIMM)

Lĩnh vực: Công nghệ và truyền thông

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: -10%

Trong vài năm qua, cổ phiếu Research In Motion không ngừng trượt dốc khi những dòng điện thoại thông minh như iPhone của Apple hay các sản phẩm chạy trên hệ điều hành Android của Google hất cẳng Blackberry và thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, việc công ty vẫn có bảng cân đối kế toán minh bạch vẫn giúp cổ phiếu tăng đáng kể từ tháng 11/2012.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Việc cho ra mắt điện thoại thông minh Blackberry 10 vào 30/1 tới, có thể sẽ giúp RIM chiếm lại thị phần.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Nếu Blackberry 10 thất bại, giới đầu tư sẽ ngoảnh mặt với cổ phiếu RIM.

12. JC Penney (JCP)

Lĩnh vực: Bán lẻ

Hoạt động cổ phiếu 52 tuần qua: -44,1%

JC Penney tăng điểm trong mắt các nhà đầu tư khi thuê thủ lĩnh mảng bán lẻ của Apple, Ron Johnson, về làm CEO vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, động thái này có vẻ vẫn chưa đem lại hiệu quả khi cổ phiếu của hãng này vẫn lẹt đẹt và doanh số bán lẻ không mấy khả quan.

Trường hợp cổ phiếu tăng giá: Các chiến lược quảng cao mới có thể sẽ giúp lôi kéo nhiều người đến với các cửa hàng của JC Penney, giúp giá cổ phiếu tăng.

Trường hợp cổ phiếu giảm giá: Mặt trái của các chiến dịch quảng cáo này là khiến tỷ suất lợi nhuận giảm và các nhà cung cấp tỏ ra thận trong làm ăn với JC Penney.

Hoài Thu

Theo Business Insider/Infonet

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kinh-doanh/12-co-phieu-gay-tranh-cai-nhieu-nhat-tai-my/a298267.html