1001 chiêu lách luật 'ăn tiền' của đại lý sim thẻ

Chủ một cửa hàng sim thẻ từng nói: "Kinh doanh sim thẻ mà chỉ biết mua đi bán lại để ăn lời thì chúng tôi sống bằng gì, thà buôn bán rau quả còn hơn". Theo anh này, bất cứ một hình thức khuyến mãi hay chiến lược kinh doanh nào của nhà mạng, anh đều có thể lách được để kiếm lời.

Từ lợi dụng kẽ hở của nhà mạng... Gần đây nhất, các nhà mạng tung ra chương trình sim sinh viên với nhiều ưu đãi như cước gọi, nhắn tin, dịch vụ giá trị gia tăng giảm và cộng tiền khuyến mãi vào tài khoản hàng tháng cho đối tượng khách hàng là sinh viên. Nắm bắt được tâm lý muốn sở hữu loại sim trên của nhiều khách hàng không phải sinh viên, các cửa hàng sim thẻ đã nhanh chóng tìm cách tuồn hàng ra thị trường. "Mánh" của dân buôn sim thẻ khá đơn giản, chỉ cần tiến hành đăng ký ảo sim sinh viên, hoặc câu kết với một số nhân viên của nhà mạng để mua với giá rẻ. Theo một chủ đại lý kinh doanh sim, thẻ, có thời điểm họ có thể mua được sim sinh viên của Vinaphone từ một nhân viên của nhà mạng này với giá chỉ 8.000 đồng một chiếc (nhưng phải mua ít nhất 1.000 chiếc mỗi lúc), sau đó bán ra với giá 50.000 – 65.000 đồng. Như vậy, với mỗi chiếc sim ưu đãi nhà mạng có ý định phát miễn phí cho sinh viên thì dân buôn bán sim thẻ "ăn" được vài chục nghìn đồng. Một số nhà khai thác di động khi biết thực trạng trên cũng đành “bó tay” vì không quản lý xuể, thậm chí có nhà mạng đã phải tạm ngừng chương trình cung cấp sim sinh viên như Vinaphone. Trước đó, để khuyến khích người dùng đăng ký thông tin cá nhân, các mạng di động đã rót hàng trăm tỷ đồng vào việc tặng thưởng cho những đại lý, cửa hàng sim thẻ thực hiện việc khai báo thông tin cho thuê bao trả trước. Trung bình, các cửa hàng, đại lý được thưởng trên 10.000 đồng cho mỗi sim được khai báo. Nhận thấy món lợi “béo bở” này, nhiều cửa hàng đã tự ý kích hoạt hàng loạt sim, khai báo thông tin người sử dụng ảo, sau đó bán dần số sim trên. Việc làm này “ồ ạt” đến nỗi theo thống kê của các nhà khai thác di động, hiện có đến 60 triệu thuê bao trả trước nằm trong diện phải thu hồi số vì vượt quá quy định 3 sim cho mỗi một số đăng ký thông tin cá nhân. Trong đó, Viettel chiếm khoảng 23 triệu, VinaPhone 16 triệu, MobiFone hơn 15 triệu thuê bao, còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác. Việc đại lý tự ý khai báo thông tin ảo khiến không ít khách hàng mua sim trả trước bị "vạ lây". Nhiều người cho biết, thường xuyên rơi vào trường hợp khi kích hoạt một chiếc sim trả trước vừa mua thì bị nhà mạng yêu cầu đăng ký lại thông tin cá nhân. Sắp tới, khách hàng đang dùng những chiếc sim nằm trong diện phải thu hồi trên còn có nguy cơ bị cắt liên lạc và bị thu hồi hết số tiền còn trong tài khoản. ... đến biến không thành có Ngoài các chiêu “lách” quy định thông thường thì không ít cửa hàng, đại lý sim thẻ còn câu kết với các công ty nội dung số (hay công ty SMS) để có những hành vi kiếm lời mang tính thủ đoạn như rửa tiền qua các đầu số dịch vụ. Công đoạn rửa tiền này thực ra khá đơn giản, dựa vào nguồn sim khuyến mãi của các nhà mạng lớn bán nhan nhản trên thị trường. Trước tiên, các công ty SMS mua một loạt sim khuyến mãi trên, với giá chỉ 32.000 – 35.000 đồng một sim, tài khoản có 147.000 đồng (50.000 đồng trong tài khoản chính và 97.000 đồng trong tài khoản phụ). Sau đó, họ phát sim cho nhân viên và yêu cầu nhân viên, với mỗi sim, bắn 3 tin nhắn vào các đầu số dịch vụ có mức cước 15.000 đồng một tin nhắn và bắn 1 tin vào đầu số dịch vụ có mức cước 4.000 đồng một tin (tổng cộng mức phí là 49.000 đồng, trừ vào tài khoản chính). Theo quy định về phân chia lợi nhuận giữa nhà mạng và công ty nội dung số, với 3 tin nhắn trên, các mạng di động sẽ phải hoàn trả cho các công ty chủ đầu số số tiền khoảng 34.000 – 35.000 đồng một sim (lớn hơn hoặc bằng số tiền ban đầu công ty này bỏ ra mua sim). Sau đó, các sim chỉ còn tài khoản khuyến mại và tài khoản chính nhiều nhất chỉ 1.000 đồng (tổng cộng 98.000 đồng) sẽ được bán ra thị trường với giá từ 22.000 đến 28.000 đồng một sim. Để làm được việc trên, các công ty nội dung số có sự tiếp tay của các đại lý hoặc cửa hàng sở hữu sim đa năng có chức năng kích hoạt sim của nhà mạng. Và khoản lợi dôi ra trên các công ty SMS cùng với cửa hàng sim thẻ ung dung chia nhau đút túi. Đó là lý do vì sao nhiều khách hàng thắc mắc, bây giờ mua sim khuyến mãi tài khoản chính chỉ có 1.000 đồng. Trưởng phòng tính cước một nhà mạng lớn cho hay, mãi gần đây mới phát hiện ra hành vi trên. “Với hoạt động rửa tiền tinh vi này, nhà mạng thiệt hại cả hàng trăm tỷ đồng. Thành ra tiền bán sim khuyến mãi không đủ để bù vào tiền trả cho các công ty nội dung số. Còn những công ty này và các cửa hàng sim thẻ bằng vài động tác đơn giản lại ăn lời đậm”, vị này nói. Theo các nhà khai thác di động, hành vi “ăn tiền” và lách quy định trắng trợn nhất của các đại lý sim thẻ phải kể đến hành vi rửa tiền ảo thành tiền thật. Anh D., một nhân viên kinh doanh của Vinaphone khi nói chuyện với phóng viên Đất Việt từng phải thốt lên: “Không ngờ việc tung ra gói cước 365 của Vinaphone và Mobiphone lại là yếu tố tiếp tay cho việc rửa tiền ảo thành tiền thật”. Anh D. cho biết, để thực hiện việc trên, các cửa hàng sim thẻ mua một lượng lớn sim khuyến mãi của Vina và Mobi với giá rẻ, sau khi kích hoạt thì chuyển ngay sang gói cước 365, nghĩa là hạn sử dụng của sim sẽ từ 100 ngày lên thành 1 năm. Sau đó họ đợi 6 tháng sau thì bắn toàn bộ số tiền trong sim khuyến mãi sang sim đa năng. (6 tháng là khoảng thời gian quy định để một thuê bao có thể chuyển tiền cho thuê bao khác). Như vậy, dân kinh doanh sim thẻ không phải bỏ tiền ra để mua thẻ cào từ nhà mạng về bán cho khách hàng, mà lấy sẵn tiền trong sim đa năng để bắn cho khách khi họ mua hàng. Điều này cũng giải thích vì sao có những đợt nhà mạng khuyến mãi chỉ 100% đến 130% giá trị thẻ nạp nhưng có không ít điểm bán sẵn sàng “ưu ái” cho khách hàng lên tới 150 – 200%. Họ lấy tiền đâu ra để bù vào phần dôi ra ấy, nếu không phải từ việc rửa tiền ảo thành tiền thật, biến không thành có? “Nói đến mánh làm ăn và lách luật của dân buôn bán sim thẻ thì có nói cả ngày cũng không hết. Theo ước tính của các nhà khai thác di động, mỗi chương trình khuyến mãi nhân đôi tài khoản hay tặng tiền vào tài khoản chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ có khoảng 30% khách hàng được hưởng ưu đãi trên, còn lại là vào túi các đại lý sim, thẻ”, anh D. cho biết. Chủ một điểm bán sim thẻ ngang nhiên "phân trần": “Chúng tôi không phạm luật mà chỉ dựa vào những sơ hở của các nhà mạng để kiếm lời thôi. Làm nghề này muốn giàu cũng phải có đầu óc. Nhà mạng “ăn nhiều” thì cũng phải để chúng tôi "ăn" với chứ”. Có lẽ vì cái nghề nhìn có vẻ tạm bợ này mà kiếm ra "khối tiền", lại không bị ai "tuýt còi" nên các cửa hàng, điểm bán sim thẻ điện thoại ngày càng mọc lên "nhan nhản", phủ kín thành thị đến nông thôn. Có những con ngõ chật chội ở Hà Nội dài chưa đầy một cây số mà có đến cả chục điểm bán sim thẻ và không ít gia đình chỉ "mưu sinh" bằng nghề này mà vẫn sung túc.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/1001-chieu-lach-luat-an-tien-cua-dai-ly-sim-the/200911/69994.datviet