1001 câu chuyện xung quanh quy định chó ra đường phải đeo rọ mõm

Từ ngày 15/9, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ có hiệu lực. Theo đó, đối với chó nuôi, nếu không đeo rọ mõm cho chó khi đưa chúng đến nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt từ 600 - 800.000 đồng.

Điều này khiến cho nhiều người đang nuôi cún cưng rèn luyện sức bền rất hoang mang bởi sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng.

Theo đó, quy định cũng đưa ra phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắcxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

Phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh (trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc).

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Người người vội vàng mua phụ kiện để đối phó

Chỉ còn 2 ngày nữa, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ chính thức đi vào thực tiễn. Theo đó, đối với chó nuôi, nếu không đeo rọ mõm cho chó khi đưa chúng đến nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt từ 600 - 800.000 đồng. Chính vì vậy, trong những ngày qua người người, nhà nhà nuôi chó đều tất bật đi mua sắm phụ kiện cho cún cưng nhà mình.

Nhiều người đổ xô đi mua phụ kiện cho chú cún nhà mình (Anh: Tintuc)

Anh Nguyễn Văn Hòa (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà mình có một chú cún nhỏ, cứ rảnh là gia đình lại đưa ra công viên Bách Thảo đi dạo. Cún nhà mình là thú cưng, gia đình chăm sóc rất sạch sẽ, kỹ càng. Mình nghĩ với thú cưng thì không nhất thiết phải đeo rọ mõm khi ra ngoài đường, chúng rất đáng yêu, không bao giờ biết sủa, cắn như các loại chó to khác. Tuy nhiên, do có quy định phạt tiền nên gia đình đành phải sắm đề phòng cho chúng”.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số cửa hàng trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình – Hà Nội) rất đông khách đến tìm mua đồ. Thế nhưng, theo một chủ của hàng, bên cạnh nhiều khách hàng lựa chọn đồ rất kỹ lưỡng, khó tính nhưng không ít người lại mua đồ đại khái để dùng đối phó.

Không ít kẻ hoang mang

Trả lời trên báo tinnhanh, bác sỹ thú y Hà Văn Trưởng (Phòng khám thú y Animal Care) cho biết: "Tất nhiên việc đeo rọ mõm là không tốt cho sức khỏe của chó nhưng đã là quy định thì chủ nuôi phải chấp hành. Với những dòng chó mà chủ chó thường rèn luyện chạy bền, rèn thể lực thì việc đeo rọ mõm sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của chó".

"Như chúng ta được biết thì chó không có tuyến mồ hôi như con người chúng ta nên chó phải xả nhiệt chủ yếu qua đệm bàn chân và hơi thở. Nếu rọ mõm trong quá trình cho chó chạy đường dài hoặc gặp thời tiết nắng nóng có thể cản trở việc hô hấp, không thở được sẽ gây ứ đọng nhiệt trong cơ thể, sốc nhiệt và thậm chí là chết", bác sỹ Trưởng giải thích thêm.

Vì vậy, với nhiều ông chủ nuôi chó chuyên nghiệp thì lại thấy khá bất cập. "Mình đang nuôi một con chó Béc giê, một con chó dòng Rottweiler nên thường xuyên phải rèn cho chạy để lấy sức bền. Nhưng sắp tới, dắt chó ra đường đều phải đeo rọ mõm, luật là thế mình phải tuân thủ nhưng nếu cứ đeo rọ mõm khi chạy suốt thì lại ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của chó", anh Nguyễn Hùng ở Cầu Giấy cho biết.

Phải chăng chúng ta nên học cách nuôi dạy cún cưng ở nước ngoài

Tỷ lệ nuôi chó trong nhà ở ta rất lớn từ nông thông đến thành thị. Tuy nhiên, việc thả dông và phóng uế bừa bãi đã và đang là thực trạng nhức nhối, khiến những người không lựa chọn nuôi chó rất khó chịu và làm ô nhiễm môi trường lớn. Đó là chưa kể đến chủ nuôi trốn tránh việc tiêm phòng dại, phòng dịch. Thực tế, điều này đã gây ra rất nhiều hậu quả đau lòng khi vật nuôi vô tình cắn người và lấy bệnh dại, cướp đi sinh mạng con người.

Quy định đeo rọ mõm cho chó khi ra nơi công cộng, thực chất chỉ đảm bảo được một phần rất nhỏ tránh cắn, sủa bừa bãi. Thế nhưng, khi về gia đình thì những chú chó ấy lại được tự do, thoải mái. Và việc người lạ đến nhà chơi, thăm hỏi...thì vẫn có thể bị nạn.

Thiết nghĩ, quy định thì có thể dễ đối phó và mang lại hiệu quả tức thời nhưng về lợi ích lâu dài thì mỗi chúng ta nên chăng phải học cách nuôi dạy vật nuôi trong nhà của người dân ở các nước tiên tiến trên thế giới. Các chú cún cưng không chỉ văn minh nơi công cộng mà còn lịch sự ngay trong gia đình.

Một blogger sống Mỹ chia sẻ: Anh bạn Marty nuôi con mèo. Đi đâu cũng chỉ kể về mèo nhà tôi thế này, mèo nhà tôi thế kia. Biết đi vệ sinh vào lavabo, giật nước như người. Không có con nên chỉ tập trung vào mèo. Nhưng bỗng một hôm, mèo lôi một con chim sẻ bị vồ ngoài vườn về, máu vương vãi khắp nhà. Vốn đời, mèo đã quen mui vồ chim thì thế nào cũng tập dượt, xem cái giống này hót hiếc thế nào khi đã ở trong miệng đầy răng. Ngày nào Marty về nhà, không thấy mèo vồ chim là sướng lắm. Nhưng tần suất vồ trúng quá cao, cuối cùng đành đưa mèo đi trại cải tạo, huấn luyện không được vồ chim.

Chị hàng xóm có berger to đùng, cỡ 30-40kg. Nàng hay sủa làm hàng xóm già về hưu phải cáu kỉnh. Cãi nhau đưa lên xã, xã xuống hòa giải, và quyết định, chó nhà chị phải đi phục hồi nhân phẩm vì đã sủa không đúng lúc, làm phiền nhà bên cạnh.

Chó luôn là những người bạn

Còn đối với người Nhật, khi đưa thú cưng ra ngoài đường, bao giờ ông (bà) chủ cũng mang sẵn những chiếc túi, nếu chúng phóng uế ra nơi công cộng thì sẽ theo sau dọn sạch sẽ, không để ảnh hưởng đến môi trường sống.

Nguyễn Huệ

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/1001-cau-chuyen-xung-quanh-quy-dinh-cho-ra-duong-phai-deo-ro-mom-33527.html