10 vụ ngân hàng phá sản tồi tệ trong lịch sử

Trong lịch sử, có nhiều vụ phá sản ngân hàng đã làm rung chuyển hệ thống tài chính toàn cầu; trong đó, vụ há sản Lehman Brothers đã trở thành biểu tượng của Cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

Trụ sở của Franklin National Bank tại Mỹ năm 1974. Ảnh: Getty Images

Trụ sở của Franklin National Bank tại Mỹ năm 1974. Ảnh: Getty Images

1. Franklin National Bank (1974)

Vụ sập tiệm vào ngày 8/10/1974 của Franklin National Bank, tại Long Island, New York (Mỹ) là vụ phá sản lớn nhất thời đó. Ngân hàng này đã từng hoạt động rất hiệu quả cho tới khi ông trùm Mafia tài chính (Italy) là Michele Sindona mua lại để dùng ngân hàng này cung cấp tín dụng, chuyển và rửa tiền tiền cho các quỹ, vốn liên quan tới Vatican và các hoạt động buôn bán ma túy tại Italy.

Để che giấu những việc làm mở ám, Sindona đã xây dựng quanh mình cả một thể chế ngân hàng hùng mạnh và hiện đại. Tuy nhiên, Franklin National Bank vỡ nợ do quản lý kém, đầu cơ ngoại tệ và chính sách cho vay lỏng lẻo.

2. Continental Illinois National Bank and Trust Company (1984)

Từng là ngân hàng lớn thứ 7 nước Mỹ xét trên lượng ký quỹ, Continental Illinois National Bank và Trust Company phá sản vào năm 1984 sau khi dư luận phát hiện ra cuộc sát nhập của ngân hàng này với Penn Square Bank là vô giá trị.

Continental Illinois National Bank and Trust Company vỡ nợ do nợ xấu, cho các nhà sản xuất dầu vay trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ những năm 1980 và 1990 tại Texas, của Penn Square Bank.

3. Bank of Credit and Commerce International (1991)

Với tài sản hơn 20 tỷ đôla, hoạt động trải dài trên 78 quốc gia với 400 chi nhánh, Bank of Credit and Commerce (BCCI) đã trở thànhmột trong những vụ sụp đổ có phạm vi rộng nhất.

Được thành lập tại Pakistan, ngân hàng này được cho là đã nhận hỗ trợ vốn từ CIA. Vào giai đoạn thịnh vượng, BCCI sở hữu nhiều chi nhánh, các công ty vận tải, và thương mại. Tuy nhiên, đến năm 1991, BCCI đã bị phong tỏa bởi các nhà chức trách Anh và Mỹ và sụp đổ nhanh chóng do liên quan tới các hoạt động rửa tiền, hối lộ, tài trợ khủng bố, mua bán trái phép ngân hàng và bất động sản, trốn thuế, và buôn bán vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân.

4. Bank of England (1992)

Bank of England đóng vai trò là người cho vay cuối, cứu giúp các định chế tài chính. Ngân hàng từng được quốc hữu hóa này đã phải trải qua thua lỗ và không tự cứu nổi mình. Sau khi thất bại trong việc neo giữ tỷ giá đồng bảng với các ngoại tệ lớn tại châu Âu do lạm phát tại Anh ở mức cao, giới đầu cơ đã bán mạnh nội tệ với hy vọng mua lại sau khi Bank of England điều chỉnh lại chính sách.

Vào ngày 16/9/1992, giới đầu cơ đã bán khống lượng bảng Anh có giá trị khoảng 10 tỷ đôla. Hệ quả là Bank of England buộc phải rút khỏi cơ chế một tỷ giá của hệ thống tiền tệ châu Âu và tiến hành phá giá đồng bảng.

5. Barings Bank (1995)

Trước khi giải thể vào năm 1995, Baring Bank là ngân hàng thương mại lâu đời, thành lập vào năm 1762, và có uy tín nhất London. Đây cũng là ngân hàng cá nhân của Nữ Hoàng và đã từng tài trợ cho cuộc chiến của Napoleon vào thế kỷ 19.

Lý do Baring Bank bị phá sản bắt nguồn từ việc một trong những nhân viên của ngân hàng tại chi nhánh Singapore là Nick Leeson gây nên khoản lỗ tới 827 triệu bảng, tương đương 1,4 tỷ đôla khi đầu cơ vào các hợp đồng tương lai. Đến tháng 3/1995, thông tin được công bố khiến Baring Bank phá sản. Baring Bank bị bán cho ING, Tập đoàn Tài chính có trụ sở tại Hà Lan, với giá 1 bảng.

6. Northern Rock (2007)

Vào năm 2006, Northern Rock mở rộng hoạt động sang lĩnh vực cho vay thế chấp bằng bất động sản với đối tác là Lehman Brothers. Tuy nhiên, khủng hoảng thị trường nhà đất và tín dụng đã đẩy cả Northern Rock và Lehman Brothers tới bờ vực phá sản.

Ngày 17/9/2007, khoảng 4 tỷ đôla đã bị khách hàng rút khỏi ngân hàng. Northern Rock mất thanh khoản và được Chính phủ Anh tiếp quản vào ngày 22/3/2008.

7. Lehman Brothers (2008)

Trụ sở của Lehman Brothers tại New York, Mỹ tháng 9/2008. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở của Lehman Brothers tại New York, Mỹ tháng 9/2008. Ảnh: AFP/TTXVN

Định chế tài chính 158 năm tuổi đã phá sản vào ngày 15/9/2008 khi mới chỉ 1 năm trước còn là ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ với số nhân viên lên tới hơn 26 nghìn.

Thiệt hại mà ngân hàng này phải gánh chịu là kết quả của việc biến các khoản cho vay mua bất động sản thành các gói trái phiếu có gốc bất động sản đầy rủi ro cung cấp cho thị trường.

Khi nền kinh tế đi xuống, người vay tiền mua nhà không trả được các khoản vay mua nhà thì rủi ro tín dụng được chuyển sang các gói trái phiếu có các danh mục tín dụng bất động sản làm tài sản đảm bảo. Khủng hoảng càng gia tăng khiến việc phát mãi tài sản càng tăng làm giá bất động sản càng giảm. Điều này có nghĩa giá trị tài sản đảm bảo của trái phiếu càng giảm và rủi ro tín dụng càng tăng. Vòng xoáy khủng hoảng cứ tiếp tục như vậy, làm cho giá chứng khoán sụt giảm mạnh. Hậu quả là hàng loạt ngân hàng đầu tư, trong đó có Lehman Brothers, lần lượt báo cáo các khoản lỗ kinh doanh. Giá trị vốn hóa đỉnh điểm khoảng 45 tỷ vào cuối năm 2007 của Lehman Brothers đã về số 0 chỉ sau gần 10 tháng, tạo nên một trong những vụ sụp đổ ngân hàng chóng vánh nhất.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã trở thành biểu tượng của Cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, quét qua các thị trường tài chính trên thế giới và gây thiệt hại ước tính khoảng 10 nghìn tỷ USD cho sản lượng kinh tế bị mất.

8. Bear Stearns (2008)

Ngày 11/3/2008, từ nhà đầu tư, người cho vay, và khách hàng đều cố rút ra khỏi Bear Stearn, ngân hàng danh tiếng trên phố Wall-chủ yếu hoạt động thông qua các khoản đầu tư vào việc bán khống trái phiếu sắp đáo hạn, một hình thức kinh doanh đầy rủi ro.

Những biến động bất thường của khối tài chính khiến hãng thua lỗ và gặp nhiều khó khăn. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Giám đốc tín dụng của một ngân hàng khác cho rằng Bear Stearn sẽ không thể đạt được lợi nhuận như đã công bố trước đó.

Hệ quả là, chỉ trong hai ngày, vốn cổ phần của ngân hàng này từ 17 tỷ đôla tiền mặt chỉ còn lại 2 tỷ đôla. Trước tình hình trên, Bear Stearn không có lựa chọn nào khác ngoài tuyên bố phá sản.

9. IndyMac

Ngày 13/7/2008, ngân hàng từng một thời là tổ chức cho vay địa ốc lớn nhất nước Mỹ là IndyMac đã bị Ủy ban Giám sát tiết kiệm của nước này (OTS) đóng cửa và chuyển giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC). Đây được coi là vụ đổ bể lớn nhất của một ngân hàng được FDIC bảo hiểm từ năm 1984 tới năm 2008.

Theo Thượng nghị sỹ Charles Schumer, chính sự quản lý lỏng lẻo của OTS là nguyên nhân ban đầu dẫn tới những vấn đề ở IndyMac, cùng như toàn bộ thị trường địa ốc và nền kinh tế Mỹ.

IndyMac là ngân hàng bán lẻ thứ 5 năm được FDIC bảo hiểm bị đổ vỡ từ đầu năm đến nay. Trong khoảng thời gian từ 2005 tới 2007, chỉ có 3 ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ.

10. Washington Mutual (WaMu):

Ngày 26/9, Ngân hàng thường mại lớn nhất của Mỹ là Washington Mutual vừa bị cơ quan chức năng tiếp quản do không còn khả năng thanh khoản. Đây là vụ phá sản ngân hàng thương mại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

JPMorgan Chase ngay lập tức đã mua lại WaMu với giá 1,9 tỷ USD và trở thành ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ xét về số lượng tiền gửi của khách.

Theo Văn phòng Giám sát Tiết kiệm Mỹ (OTS), WaMu phá sản do không còn đủ khả năng thanh khoản để thực hiện các nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, WaMu lâm vào tình trạng bi đát này là do thua lỗ nặng nề ở danh mục cho vay cầm cố địa ốc và sự tháo chạy của các khách hàng gửi tiết kiệm.

Có lịch sử 119 năm, tài sản lên tới 307 tỷ USD và 2.300 chi nhánh tại 15 bang, trước khi bị các nhà chức trách tiếp quản, WaMu là ngân hàng cho vay dưới chuẩn lớn thứ hai ở Mỹ, sau Wachovia, và là ngân hàng tiết kiệm lớn nhất ở Mỹ dưới sự giám sát của OTS./.

A.N/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/10-vu-ngan-hang-pha-san-toi-te-trong-lich-su/284029.html