10 thương vụ M&A nổi bật năm 2016 (Phần 1)

Không chỉ là những thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị lớn, đây còn là những thương vụ tốn khá nhiều bút mực của báo chí trong năm 2016 vừa qua, theo thống kê của BizLIVE.

SCIC ngậm ngùi “nhả” VNM, F&N gom vào

Bên bán: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Bên mua: F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing

Tài sản chuyển nhượng: 78,4 triệu cổ phiếu Vinamilk cho SCIC nắm giữ, tương ứng 5,4% cổ phần Vinamilk

Giá trị chuyển nhượng: 11.300 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD)

Sau một thời gian dài chần chừ thoái vốn khỏi Vinamilk, ngày 12/12 vừa qua, SCIC đã chào bán cạnh tranh 130,6 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 9% vốn điều lệ của Vinamilk. Tuy nhiên chỉ có 2 tổ chức nước ngoài tham gia đăng ký mua 5,4% cổ phần Vinamilk là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing, với khối lượng mua của mỗi đơn vị là gần 39,2 triệu cổ phiếu. Giá đấu thành công bình quân là 144.000 đồng/cổ phiếu, bằng mức giá khởi điểm.

Trước khi cuộc chào bán diễn ra, F&N Dairy Investment là cổ đông ngoại nắm giữ 10,95% vốn tương ứng 159 triệu cổ phần của Vinamilk. Trong khi F&N NBEV chưa sở hữu cổ phần nào tại Vinamilk. Hai tổ chức này đều đến từ Singapore, là công ty con 100% vốn của Fraser & Neave Limited (F&N). F&N là tập đoàn đồ uống có trụ sở tại Singapore nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ của ThaiBev.

Sau giao dịch, F&N đã tăng sở hữu tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam lên gần 16,5% vốn.

Mobifone chi gần 9.000 tỷ đồng mua cổ phần AVG

Bên mua: Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone)

Tài sản chuyển nhượng: 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG)

Giá trị chuyển nhượng: Gần 9.000 tỷ đồng (tương đương gần 400 triệu USD)

Đầu tháng 1/2016, Tổng công ty Viễn thông MobiFone vừa chính thức phát đi thông cáo báo chí về việc đã mua cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) để phục vụ cho việc kinh doanh truyền hình - một trong bốn lĩnh vực chiến lược của MobiFone - cùng với di động, bán lẻ và đa phương tiện. Tuy nhiên giá trị thương vụ không được công bố.

Cho đến khi Mobifone lần đầu công bố báo cáo tài chính, giá trị thương vụ này mới được hé lộ: 8.889 tỷ đồng.

Đầu tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố quyết định thanh tra toàn diện Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Thời hạn thanh tra là 50 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định (không kể ngày nghỉ, ngày lễ). Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

BigC Việt Nam bị sang tên đổi chủ 1,1 tỷ USD

Bên bán: Tập đoàn Casino của Pháp

Bên mua: Central Group

Tài sản chuyển nhượng: Hệ thống Big C Việt Nam

Giá trị chuyển nhượng: 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD)

Cuối tháng 4/2016, tập đoàn Central chính thức công bố nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu euro (1,05 tỉ USD). Việc bán Big C cho Central Group nằm trong một phần kế hoạch của chuỗi bán lẻ thực phẩm Pháp nhằm cắt giảm bớt các khoản nợ đang ngày một tăng cao.

Thương vụ này vốn được rất nhiều tập đoàn lớn “tham chiến”, ngoài Central Group còn có Aeon, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, TCC Holding của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, Dairy Farm (Hong Kong) cũng quan tâm đến Big C Việt Nam. Hai doanh nghiệp Việt Nam là Massan và Saigon Co.op cũng tham dự vào của đua tỷ đô này. Thương vụ này diễn ra khá phức tạp, đến mức ngay Central Group cũng có lúc tính bỏ ý định mua chuỗi siêu thị này.

Sau khi mua hệ thống chuỗi siêu thị Big C Vietnam, ông Tos Chirathivat, CEO tập đoàn Central Group cho biết lên kế hoạch đổi tên Big C Việt Nam vào năm sau.

Thương vụ lòng vòng của HAGL

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2016, một thương vụ lòng vòng của Hoàng Anh Gia Lai tuy có giá trị không quá lớn nhưng khiến báo chí tốn khá nhiều bút mức khi các thông tin liên tiếp đưa nhà đầu tư vào mê cung mua bán cổ phần doanh nghiệp.

Ngày 22/2/2016, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Arico - mã HNG) cho biết doanh nghiệp đã phát hành xong 59 triệu cổ phiếu cho 2 đối tác chiến lược với giá 28.000 đồng/cổ phiếu, như vậy HNG đã thu về khoảng 1.652 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh với số cổ phần mua lần lượt 31,5 và 27,5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên vào ngày 22/2, giá cổ phiếu HNG đóng cửa ở mức 9.400 đồng/cổ phiếu. Theo tính toán sơ bộ, với số tiền ban đầu bỏ ra, 2 công ty trên đã lỗ gần 1.100 tỷ đồng.

Chỉ sau 10 ngày hoàn tất phát hành riêng lẻ cổ phiếu, HAGL Agrico lại dùng 1.650 tỷ đồng, số tiền tương đương số tiền 2 doanh nghiệp trên bỏ ra mua cổ phiếu HNG, để mua lại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương từ Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh. Được biết, cao su Đông Dương do Cao su Cường Thịnh và Cao su An Thịnh góp vốn thành lập. Trong đó, Cao su An Thịnh góp 774 tỷ đồng, tương ứng 52,83% vốn điều lệ Cao su Đông Dương; cao su Cường Thịnh nắm giữ 47,17%, tương ứng 691 tỷ đồng.

10 thương vụ M&A nổi bật năm 2016 (Phần 2)

Nguyên Minh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/10-thuong-vu-ma-noi-bat-nam-2016-phan-1-2330656.html