10 ngày du mục trên miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ Istanbul, mất ba chặng xe bus mới đến được miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Tôi từng có cơ hội đến tìm hiểu đất nước nằm bên hai bờ Âu Á, chuyến đi 10 ngày đã để lại những kỷ niệm khó quên. Bác tài xế và cô hướng dẫn viên cực kỳ thân thiện còn người dân tại các điểm đến đều rất cởi mở, sẵn sàng nhoẻn miệng cười khi tôi xin chụp ảnh. Họ thậm chí còn nhiệt tình mời khách lạ dừng bước chỉ để rít một hơi shisha. Trừ Istanbul đông đúc và vội vã, những đô thị khác trên đất nước 74 triệu dân đều thanh bình kể cả thủ đô Ankara.

Người Thổ ban xưa là bộ tộc được hình thành cụ thể dưới thời đế chế Ottoman năm 1299. Đất nước đã trải qua những thăng trầm với nhiều hoàng đế và chỉ được thống nhất bởi vị lãnh tụ Ataturk mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ tôn làm người cha của cả dân tộc năm 1922. Lãnh thổ với vị trí địa lý đặc biệt nằm trên hai lục địa, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa, tôn giáo và nhân chủng. Con người được ghi nhận có mặt trên mảnh đất này từ 27.000 năm trước qua những di chỉ tìm thấy trong hang động ở gần thành phố miền nam Antalya.

Những chiếc xe bus tiện nghi

“Người Thổ luôn thích sự tiện nghi, vì thế họ tạo ra hãng hàng không, xe bus, tàu điện, khách sạn với rất nhiều trang bị bên trong”- đó là kết luận của Kan, người bạn sống tại Istanbul mà tôi quen từ khá lâu. Phải công nhận bay với hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ khá sướng dù là hạng ghế economy, khách sạn nhà trọ sạch sẽ, trang bị đầy đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân. Đặc biệt xe bus ở Thổ đã làm tôi đồng ý hoàn toàn với nhận định của Kan.

Bến xe bus chính rộng lớn 3 tầng ở Istanbul

Màn hình và tai nghe trên những chiếc xe bus

Sau chuyến xe bus từ nội đô, tôi lần đầu chạm bước bến xe bus chính – Istanbul otogar. Ngỡ ngàng và choáng ngợp bởi có quá nhiều xe và hàng tá công ty, tôi theo lời chỉ dẫn của Kan thẳng tiến đến Metro, hãng bus có tuyến đường phủ gần như mọi đô thị.

Chặng đường ban đầu của tôi sẽ từ Istanbul đi Chanakkale, ngủ 1 đêm, hôm sau đi Pegamon rồi ngày kế tiếp sẽ xuôi xuống miền nam, nơi thành phố Antalya tọa lạc.

Người Thổ đúng là quan tâm đến sự thoải mái và đó là lý do họ có những chiếc xe bus trông bề ngoài bình thường nhưng bên trong gần giống cabin máy bay. Trước ghế ngồi là màn hình, tai nghe cá nhân. Hành khách có thể xem phim, nghe nhạc, chơi game. Sau khi xe đi vào đường cao tốc bằng phẳng, anh tiếp viên ăn mặc lịch sự với quần đen áo trắng thắt nơ đen bắt đầu dựng chiếc xe đẩy, đặt lên đó khay đầy bánh, nước ngọt, trà và cà phê phục vụ hành khách. Khoảng 2-3 tiếng tôi lại được mời uống nước khoáng hoặc nước ngọt một lần.

Bus là phương tiện di chuyển phổ biến của những người Thổ đặc biệt tại các vùng nông thôn và thành phố nhỏ

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, bạn phải trả 1 TL (Turkish Lira, khoảng 11.000đ) mỗi lần đi vệ sinh. Để thu hút hành khách, các công ty xe bus thường quảng cáo bạn không phải trả phí toilet khi sử dụng dịch vụ của hãng. Trạm nghỉ chân ở Thổ khá sạch sẽ, có quầy thức ăn, cửa hàng lưu niệm. Các bác tài ngoài việc được dùng trà, bánh miễn phí, còn có hẳn đội ngũ nhân viên giúp lau kính xe cẩn thận.

Tuyến xe bus đêm thường xuyên đầy khách và tôi là một trong số họ, tiết kiệm thời gian cùng chi phí khách sạn. Sau khi đến nơi, chỉ gần ghé nhà trọ, trả nửa giá bình thường để tắm rửa và ngả lưng buổi trưa, tối đến lại tiếp tục sang thành phố khác. Tôi như gã du mục “ăn dầm nằm dề” nơi đất Thổ mà quyến luyến chẳng muốn rời.

Antalya - Điểm cuối của con đường tơ lụa huyền thoại

Chiếc bus đêm len lỏi qua cung đường đèo và đến bờ biển khi bình minh vừa lên. Ánh nắng xuyên qua cửa sổ đánh thức tâm hồn đang uể oải sau một đêm dài lắc lư. Bờ biển Địa Trung Hải trong xanh mang lại cảm giác phấn chấn. Antalya đã là đây!

Chủ quan không kiểm tra khi in ấn khiến tôi lúng túng với tấm bản đồ bị mờ. Đành dựa vào trực giác của kẻ lữ hành khi không có nhiều người nói tiếng Anh để hỏi đường. Phố xá Antalya khá vắng vẻ, chiếc xe điện chạy trên mặt đất (Tram) thi thoảng trườn qua rung chuông leng keng xóa tan không khí tĩnh lặng.

Tôi quyết định sẽ ở trong khu Antalya cổ hay còn gọi là Kaleici, mang đậm không khí một thời nhộn nhịp. Chạm bước Hadrian Gate đầu tiên, cánh cổng được xây dựng năm 130 sau CN nhân dịp hoàng đế La Mã Hadrianus đến thăm vẫn trường tồn theo thời gian.

Không phải là những mái vòm sừng sững, lớp đá ngàn năm tuổi chỉ cao khoảng 5m nhưng ẩn chứa dòng chảy lịch sử của vùng đất miền nam suốt 19 thế kỷ qua. 4 chân cột đá đỡ 3 cổng vòm được trùng tu nhiều lần và lót kính trên nền để bảo vệ. Những thức cột Ionic được tạc mới và bổ sung trong cuộc trùng tu năm 1959. Lớp rêu phong mỏng không làm giảm đi nét tinh tế của những hoa văn trên đá sa thạch. Cánh cổng đóng vai trò quan trọng giúp các nhà khảo cổ học tìm hiểu cuộc sống và kỹ thuật xây dựng thời bấy giờ.

Cánh cổng Hadrian ngay ngõ vào Antalya cổ

Nhà thờ Cơ Đốc giáo - thánh đường Hồi giáo Kornut

Trong lòng phố cổ Antalya, đâu đâu cũng xuất hiện các công trình từ xa xưa. Nằm ngay ngã rẽ vào nhà trọ của tôi là đền thờ Hồi giáo vốn có nền móng từ thế kỷ thứ 2 sau CN. Đến thế kỷ thứ 6, tòa kiến trúc bị đánh sập và nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng thay thế. Khoảng 100 năm sau đó, người Ả Rập xâm chiếm làm hư hại phần lớn nhà thờ trước khi được sửa lại vào thế kỷ thứ 9 rồi lại được đổi thành thánh đường Hồi giáo năm 1361.

Dưới thời vua Peter của Cyprus (đảo Síp) nó lại biến thành “ngôi nhà của Chúa” một lần nữa. Trong quá trình trị vì của con trai nhà vua Sultan Beyazid II, hoàng tử Konut (1470 – 1509) đã lấy tên mình đặt cho nhà thờ và biến trở lại thành thánh đường Hồi giáo. Năm 1896, trận hỏa hoạn đã kết thúc sứ mạng của công trình.

Ngày nay, những khối đá ngàn năm tuổi đứng đó nhìn thời cuộc, người xứng đáng nhận lời cảm ơn của hậu thế có lẽ là những vị lãnh chúa, cha xứ của hai tôn giáo đã luôn cố gắng gìn giữ những gì thuộc về quá khứ. Đó cũng là nét đặc biệt của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ khi các công trình tôn giáo không bị phá hủy một khi đế chế mới xuất hiện, ngược lại còn được tôn tạo và phát triển.

Một cửa hàng lưu niệm ngay trên đường phố cổ Antalya

Con đường dẫn đến bến cảng nhỏ xinh và sạch sẽ

Len lỏi qua những ngõ nhỏ chỉ vừa một chiếc xe ô tô, nhiều căn nhà cũ kỹ thấp bé vẫn tồn tại như một ký ức khó quên của Antalya. Cuối con dốc là bến cảng Roma, nơi từng tập trung đông đúc tàu thuyền giao thương cho đến tận năm 1980. Một cảm giác rung động đến kỳ lạ, đây chính là một trong những điểm cuối của con đường tơ lụa huyền thoại. Vạn dặm thiên lý từ thành Trường An – Trung Quốc, sang trung Á rồi Thổ Nhĩ Kỳ và kết thúc tại bến cảng này. Từ đây, con đường huyền thoại tiếp tục rong ruổi trên đại dương vươn xa hơn đến La Mã và các quốc gia trong vùng Địa Trung Hải.

Tôi ngồi dưới chân ngọn hải đăng, ngắm nhìn hai ông cháu mải mê câu cá, đôi bạn trẻ tình tứ trước mũi đá, những con thuyền du lịch chầm chậm ra khơi cuốn theo những tưởng tượng miên man về một thời rộn ràng của phố và cảng cổ Antalya.

Hai ông cháu đang câu cá ngay bến cảng ngàn năm tuổi

Bến cảnh Roma nay đã trở thành bến thuyền du lịch sau khi kết thúc sứ mạng lịch sử của nó năm 1980

Atallos, người đã khai phá ra thành phố Antalya ngày nay

Ngang sang bên kia ngọn đồi là khu chợ rộng lớn, chính giữa quảng trường đặt bức tượng Attalos II đứng oai phong. Sinh năm 220 trước CN, Attalos xuất thân từ vương quốc Pergamon hùng mạnh. Là người chịu trách nhiệm bảo vệ quốc gia và những con đường giao thương đang phát triển, ông đã đi dọc theo đường bờ biển từ tây bắc xuống miền nam Thổ. Trong một chiến dịch năm 159/158 trước CN, Attalos đã tìm ra bến cảng mới và đặt theo tên ông là Atalleia. 21 năm là người đứng đầu đô thị, ông mất ở tuổi 82 để lại di sản quý giá chính là thành phố tươi đẹp Antalya ngày nay.

Tarsus - Nơi Thánh Paul ra đời và ngôi nhà thờ mang tên ông

Thêm một chuyến xe đêm từ Antalya đến Mersin cũng là thành phố ven biển miền nam. Ngồi cạnh tôi là anh bạn người Thổ vui tính, luôn rủ uống trà mỗi khi xe dừng và nhất định không cho trả tiền bởi “cậu là khách trên đất nước tôi”.

Mersin đón tôi bằng cái nắng nóng, từ đây phải phải bắt tiếp xe đến Tarsus. Xuống bến tôi mới nhận ra là có xe đi thẳng Tarsus, thêm một bài học về sự hấp tấp khi mua vé. Âu cũng là cơ hội tìm chỗ rửa mặt mũi và chuẩn bị về thăm quê nhà của vị thánh có vai trò rất quan trọng trong Thiên Chúa giáo.

Những tín đồ người Ý đang làm lễ trong nhà thờ thánh Paul.

Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, tôi không nghĩ đất nước này lại có nhiều công trình và di chỉ liên quan đến Thiên Chúa giáo đến thế. Nhà thờ (nay là bảo tàng Haya Sofia) ở Istanbul với mái vòm lớn kỷ lục, ngôi nhà cuối cùng của đức mẹ Maria tại siêu đô thị Ephesus và nơi tôi đang tìm đến Tarsus, quê hương của thánh Paul (thánh Phao-lô).

Chiếc xe bus nhỏ dừng tại đầu thị trấn Tarsus, cánh cổng Cleopatra giữa bùng binh được cho là nơi nữ hoàng xinh đẹp này từng gặp Mark Antony. Thêm khoảng 1km đi bộ với bảng chỉ dẫn rõ ràng, tôi đến được ngôi nhà của thánh Paul nằm khiêm tốn sau hàng rào và cánh cổng phủ kính dây leo xanh tươi.

Những nhà khảo cổ đã cẩn thận phủ lên một lớp kính bảo vệ phần nền cũ. Bên cạnh đó là giếng nước thánh Paul mà mọi người đều ghé rửa mặt. Không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng tôi cũng hứng một ít nước để mang về tặng cho người bạn thân. Bác bảo vệ thân thiện rủ tôi ngồi uống trà bởi hiếm thấy ai đến đây một mình. Ông cho biết, đa phần khách hành hương đi theo nhóm và chủ yếu từ Ý, Đức, Tây Ban Nha.

Chiếc giếng nước được cho là do gia đình thánh Paul đã sử dụng từ xưa

Ngôi nhà thờ St. Paul rộng mở với tất cả mọi người. Đoàn hành hương người Ý và đức cha vui vẻ mời tôi vào trong để làm lễ. Không có cứ liệu nào chứng minh nhà thờ do chính thánh Paul cho xây dựng. Bảng thông tin bên trong cho thấy, nhà thờ được hình thành năm 1102 và hoàn thiện với hình dáng hiện tại năm 1862.

Trong lòng nhà thờ rất tao nhã với tường, cột và trần sơn trắng. Những bức bích họa vẽ hình Thiên Chúa, các vị tông đồ Matthew, Mark, Luke cùng 2 thiên thần đứng giữa ô cửa kính hình con mắt tạo nên không gian thiêng liêng mà thanh thoát. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, các tín đồ kính cẩn đọc kinh và hát vang những bài thánh ca mà tôi có thể cảm nhận rõ sự thuần thành trong từng trái tim họ.

Sau khi trao nhau những cái bắt tay nồng hậu, tôi dành thời gian tĩnh tại trong ngôi nhà thờ và đọc lại những đoạn mô tả về cuộc đời thánh Paul. Sự đóng góp của ngài quả là to lớn khi cùng với các sứ đồ Peter, John, James là những trụ cột của hội thánh tiên khởi, đặt những nền móng cho sự phát triển của Cơ Đốc giáo thời kỳ sơ khai.

Trong lòng nhà thờ thánh Paul và các tín đồ đang chuẩn bị làm lễ

Đô thị Tarsus nắng và khô, cộng thêm màu vàng nâu từ nhiều công trình kiến trúc cho tôi cảm giác mình đang đứng giữa miền sa mạc. Nhiều di tích cổ nằm xen kẽ nhà cửa phố xá hiện đại. Cổng nhà tắm Roma nay là nơi trú nắng cho người dân và là lối đi qua lại. Ngay sát đó, nhà thờ hồi giáo Baytimur Mosque vang lên tiếng loa cầu kinh buổi trưa. Không khó để nhận ra đây từng là ngôi nhà thờ vào năm 300 sau công nguyên thời Cơ Đốc giáo đang hưng thịnh. Đến năm 1415, khi Ramazanoglu Sehabettin Ahmet Bey chiếm được Tarsus, người ta lại biến thành nhà thờ Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ đã thật sự cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về sự giao hòa của những nền văn hóa, tín ngưỡng và cách họ “đối xử” với các kiến trúc thuộc về lịch sử.

Tạm chia tay với Tarsus, chuyến xe bus lúc 10h tối sẽ lại đưa tôi đi xuyên màn đêm, ngày mai, một thành phố khác phía trước đang chờ đợi…

Những phụ nữ bán hàng lưu niệm ngay bên ngoài ngôi nhà của thánh Paul

Nhà tắm Roma cổ nay là lối qua lại và nơi tránh nắng cho người dân

Đường phố thanh bình ở Tarsus

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam - Bài và ảnh: An Nam

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/luxury-living/10-ngay-du-muc-tren-mien-nam-tho-nhi-ky-30493.html