10 năm chuẩn bị chống Nga của vùng Baltic

10 năm nữa, quân đội NATO có thể vào vùng Baltic thông qua căn cứ quân sự ở cửa ngõ Latvia ngay sát nách Nga.

Latvia đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự đặc biệt tại thành phố cảng Liepaja, trên bờ biển Baltic vốn là của quốc gia nhưng cho phép tàu chiến của NATO tới đây.

Bộ Quốc phòng Latvia cho hay, căn cứ quân sự trên sẽ được hoàn tất trong thời gian 10 năm, bao gồm các công trình và trang thiết bị phục vụ tàu chiến theo tiêu chuẩn của NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Janis Garisons tuyên bố các lực lượng quân sự nước ngoài có thể sử dụng căn cứ mới, đặc biệt là các tàu chiến của NATO.

Binh lính NATO trong một cuộc tập trận ở Latvia.

Động thái mới từ phía Latvia rõ ràng đang nhằm mục tiêu đưa NATO sát nách mối nguy hiểm mang tên Nga, đặc biệt là trong thời điểm NATO tăng cường gia tăng các động thái quân sự cả không quân, hải quân, bộ binh giáp quốc gia láng giềng Nga.

Các nước thành viên châu Âu của NATO và các quốc gia gần biển Baltic đều có các hạm đội Hải quân. Điển hình như Đan Mạch, Na Uy và Ba Lan. Ngoài ra, các hạm đội của lực lượng Hải quân của Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan và Bỉ ở rất gần vùng biển Baltic. Một khi xảy ra xung đột, sự hợp lực có thể tới một cách nhanh chóng.

Mới đây, Đức đã sớm thúc đẩy thương vụ mua 5 chiến hạm trị giá 1,5 tỉ euro để đối phó với các thách thức an ninh tại Baltic, Địa Trung Hải. Theo kế hoạch, toàn bộ 5 chiếc mẫu hạm sẽ được chuyển giao cho Hải quân Đức vào năm 2023.

Hiện tại sau khi hoàn thành việc trang bị lại sức mạnh của Hải quân Đức và các hạm đội được tăng cường mạnh mẽ. Hải quân Đức sẽ được trang bị sáu tàu ngầm của dự án 212, thêm bốn tàu khu trục hạm đa năng của dự án 125, 3 chiến hạm của dự án 124, 4 của dự án 123 và 6 của dự án MKS-180, cũng như năm tàu hộ tống của dự án 130.

Trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột toàn diện ở biển Baltic, người Đức sẽ sử dụng lực lượng này và chiếm ưu thế không nhỏ so với hạm đội của Nga.

Tập hợp lực hượng Hải quân của tất cả các nước nhằm mục đích xây dựng Hạm đội rắn và sau đó tăng cường các hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng của NATO tại biển Baltic. Với chiến lược này, rõ ràng NATO muốn kiểm soát lâu dài vùng biển Baltic và Kaliningrad.

Binh sĩ Italia triển khai tại Latvia.

Không chỉ Hải quân, NATO đã lần đầu tiên nhất trí triển khai lực lượng quân sự tại các quốc gia vùng Baltic và phía Đông Ba Lan, đồng thời tăng cường tuần tra trên biển và trên không nhằm làm yên lòng các nước đồng minh, sau khi Nga sáp nhập Crimea từ nước láng giềng Ukraine.

Hôm 14/10, 140 binh sĩ Italia đã tham gia phái bộ của NATO tại Latvia để "ổn định và bảo vệ khu vực biên giới dưới tư cách một liên minh ở khu vực Đại Tây Dương” - theo Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni.

hồi tháng 7 vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới 3 nước vùng Baltic và Ba Lan vào đầu năm 2017 trong bối cảnh tình hình căng thẳng gia tăng ở Đông Âu.

Litva sẽ là nước đầu tiên tiếp nhận một tiểu đoàn do Đức dẫn đầu. Cả 4 tiểu đoàn trên phải sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vào mùa Hè 2017. Dự kiến, quân số mỗi tiểu đoàn từ 800 đến 1.200 người.

Khoảng 800 quân Anh cùng vũ khí trang thiết bị sẽ được triển khai đến Estonia từ tháng 5/2017. Đây là một phần trong kế hoạch của NATO nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho các nước thành viên "nơi tuyến đầu."

Dư luận khu vực đón nhận kế hoạch triển khai quân của NATO như một minh chứng cho cam kết về an ninh. Thậm chí, giới chức quân sự Estonia còn quả quyết rằng Chính phủ Anh sẽ theo đuổi những cam kết mạnh mẽ hơn đối với phòng thủ tập thể và môi trường an ninh châu Âu, ngay cả khi họ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Quan hệ giữa phương Tây - Nga nói chung và quan hệ NATO - Nga nói riêng, đã xuống tới mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với đỉnh điểm là Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Clip NATO tập trận tại Đông Âu hồi đầu năm 2016

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/10-nam-chuan-bi-chong-nga-cua-vung-baltic-3323233/