10 khoảnh khắc thay đổi diện mạo bóng đá nữ tại Anh

Từ lệnh cấm 50 năm đến các sân vận động cháy vé, bóng đá nữ tại Anh đã có những bước tiến dài trong suốt tiến trình lịch sử. Tạp chí Marie Claire đã chọn ra 10 khoảnh khắc nổi bật được coi là đã định hình nên môn thể thao này tại Vương quốc Anh.

Ảnh: Future

Mặc dù bóng đá nữ ra đời cùng thời với bóng đá nam, nhưng ở Anh, phải đến Thế chiến I, nó mới thực sự phát triển. Khi đó, những người đàn ông đang chiến đấu ở xa, vô tình khiến cho bóng đá trở thành môn thể thao phổ biến hơn đối với phái nữ. Những đám đông đến xem họ chơi bóng ước tính lên tới 53.000 người.

Tuy nhiên, khi Thế chiến I kết thúc, bóng đá một lần nữa bị cho là không phù hợp với phụ nữ. Người ta lấy lý do là "lo ngại về sức khỏe", nhưng dường như, điều họ lo ngại là việc phụ nữ chơi bóng đá và tổ chức giải đấu sẽ đe dọa vị thế của các giải đấu dành cho nam giới. Về cơ bản, xã hội lúc đó muốn đặt phụ nữ "trở lại vị trí ban đầu".

Bác sĩ người Anh Mary Scharlieb ở thời điểm đó đã mô tả bóng đá nữ là "trò chơi không phù hợp nhất" và "quá sức đối với thể chất của phụ nữ". Vào tháng 12/1921, Hiệp hội bóng đá Anh ủng hộ quan điểm rằng môn thể thao này không phù hợp với phụ nữ, cấm phụ nữ chơi trên các sân đấu của tổ chức này. Và mặc dù hạn chế này đã được gỡ bỏ sau 50 năm, tức vào năm 1971, cho đến hiện tại, bình đẳng giới trong bóng đá vẫn còn là vấn đề vô cùng nhức nhối.

"Nhiều người nghĩ chúng tôi chỉ đơn giản là biết chơi bóng chứ không chơi giỏi, và đó là một thách thức đối với chúng tôi khi phải cố gắng chứng minh họ đã sai," cựu đội trưởng đội tuyển Anh Steph Houghton chia sẻ. "Chúng tôi đã cho thế giới biết rằng bóng đá nữ đã tiến xa như thế nào. Chúng tôi đã chứng minh được kỹ thuật và thể lực của mình. Trên thực tế, chúng tôi đã đánh đổi rất nhiều để có được ngày hôm nay."

1921: Lệnh cấm bóng đá nữ được thực thi

Đội bóng Kerr Ladies, được thành lập ở Lancashire, Vương quốc Anh trong Thế chiến I (Ảnh: Getty Images)

Như đã nói ở trên, trước những năm 1920, phụ nữ rất thích bóng đá. Tuy nhiên, vào năm 1921, Hiệp hội bóng đá Anh đã cấm phụ nữ chơi trên các sân bóng của họ với lý do "không phù hợp với phụ nữ và không nên được khuyến khích."

Lệnh cấm được đưa ra chỉ một năm sau khi 53.000 người hâm mộ đã đổ xô đến xem hai đội Dick Kerr's và St Helen's Ladies thi đấu tại sân Goodison Park. Lệnh cấm đó đã có thể thay đổi bóng đá nữ mãi mãi, nhưng đồng thời lại khơi dậy sự quan tâm đến bộ môn này.

1971: Lệnh cấm được gỡ bỏ và hiệp hội bóng đá nữ được thành lập

(Ảnh: Getty Images)

Năm 1969 - bốn mươi năm sau khi lệnh cấm được đưa ra - 44 đại diện từ các câu lạc bộ khác nhau đã cùng nhau thành lập Hiệp hội bóng đá nữ. Chỉ hai năm sau, họ đã thành công yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm bóng đá nữ, đồng nghĩa với việc các nữ cầu thủ có thể thuê trọng tài đủ tiêu chuẩn và sử dụng sân tập.

1972: Đội tuyển Anh lần đầu giành chiến thắng ở trường quốc tế

Một buổi tập của đội tuyển nữ Anh năm 1972 (Ảnh: Getty Images)

Một năm sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ, đội tuyển Anh chơi trận đấu mang tính quốc tế đầu tiên với Scotland. Đội tuyển Anh đã thắng, củng cố vị thế của mình. Đặt vào trong bối cảnh khi đó, thời điểm này ứng với kỉ niệm 100 năm trận đấu quốc tế đầu tiên của nam giới.

1999: Thời đại của những trận đấu cháy vé bắt đầu

(Ảnh: Getty Images)

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới năm 1999 được tổ chức tại Mỹ đã thu hút hơn 90.000 người hâm mộ theo dõi trận chung kết.

Đội tuyển bóng đá nữ Chelsea cũng bán hết vé cả mùa cho các trận đấu mùa giải 2021/2022 và nhiều lần thi đấu trên sân Stamford Bridge. Trong khi đó, đội nữ Arsenal cũng đã bán hết vé cho trận bán kết với Wolfsburg trên sân vận động Emirates với sức chứa hơn 60.000 người.

Nếu duy trì được tình hình này, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian khi tất cả các đội tham gia giải Women's Super League tại Anh có thể lấp đầy những khán đài lớn hơn.

2022: Bóng đá trở thành môn thể thao phổ biến nhất cho phụ nữ và trẻ em gái tại Anh

Một cảnh trong phim Bend It Like Beckham năm 2002 (Ảnh: Getty Images)

Năm 2002, Hiệp hội bóng đá Anh tiết lộ rằng bóng đá là môn thể thao được phụ nữ và trẻ em gái ở Anh tham gia nhiều nhất. Rất có thể, hiện tượng này có liên quan đến bộ phim Bend It Like Beckham được phát hành trong cùng năm. Dù vậy, bóng đá nữ vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho đến khi tất cả phụ nữ Anh cảm thấy đủ tự tin để thử môn thể thao đồng đội này.

2005: Giải vô địch bóng đá nữ châu Âu diễn ra tại Anh

Một trận đấu năm 2005 của đội tuyển nữ Anh (Ảnh: Getty Images)

Ba năm trôi qua kể từ mốc thời gian trên và trận mở màn của Giải vô địch bóng đá nữ châu Âu (Euro nữ) của UEFA đã chứng kiến một lượng khán giả chưa từng có. Hơn 29.000 người hâm mộ đã đến sân vận động để hòa chung không khí, chưa kể, số lượng khán giả theo dõi qua truyền hình ước tính đạt 2,9 triệu. Dù đội chủ nhà không vượt qua được vòng bảng nhưng sự quan tâm đến trận đấu vẫn không ngừng tăng cao.

2010: Giải vô địch bóng nữ quốc gia Anh ra đời

(Ảnh: Hiệp hội bóng đá Anh)

Năm 2010, giải Women's Super League ra đời. Được điều hành bởi Hiệp hội bóng đá Anh, giải đấu này đã thay thế Giải bóng đá nữ Ngoại hạng Anh và trở thành giải bóng đá lớn nhất dành cho nữ giới tại đất nước này, với 12 đội chuyên nghiệp tham gia.

Việc thành lập giải Women's Super League là một sự kiện quan trọng đối với bóng đá nữ và là một trong số ít giải đấu chuyên nghiệp dành cho nữ giới trên toàn cầu.

2012: Bóng đá nữ gây bão tại Thế vận hội Mùa hè 2012

Stephanie Houghton - người đã ghi bàn thắng quyết định cho đội tuyển quốc gia Vương quốc Anh - ăn mừng tại Thế vận hội Mùa hè Olympic London 2012 (Ảnh: Getty Images)

Thế vận hội 2012 là một thời khắc mang tính bước ngoặt trong lịch sử Vương quốc Anh, và cũng là một thời khắc vô cùng đáng nhớ đối với bóng đá nữ. Ước tính 70.000 khán giả đã đến lấp đầy sân vận động Wembley trong trận đấu giữa nước chủ nhà Anh và Brazil.

2021: Một hợp đồng mang tính đột phá cho bóng đá nữ được ký kết

Năm 2021, hai kênh truyền hình lớn là BBC và Sky đã ký thỏa thuận phát sóng ba năm Giải Women's Super League nhằm giúp phụ nữ tiếp cận nhiều hơn với môn bóng đá. Đây là động lực cần thiết để xã hội đầu tư và quan tâm nhiều hơn đến môn thể thao này. Nó được cho là một trong những thương vụ lớn nhất cho bất kỳ giải đấu nữ nào cho đến nay.

2022: The Lionesses trở thành đội Anh đầu tiên vô địch Euro nữ sau 60 năm

Đội tuyển nữ Anh nâng cao cúp vô địch Euro 2022 (Ảnh: Getty Images)

Đối với người Anh, trận đấu với Đức tại Euro nữ 2022 có thể là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất của lịch sử bóng đá nữ. Đây không chỉ là một chiến thắng đối với Lionesses mà còn với cả bóng đá nữ nói chung, khi khoảng 50 triệu người đã theo dõi trận đấu này qua các nền tảng phát sóng, con số lớn gấp đôi lượng người theo dõi giải Euro nữ trước đó vào năm 2017.

Nguồn: Marie Claire

Minh Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/10-khoanh-khac-thay-doi-dien-mao-bong-da-nu-tai-anh-20230726042139027.htm