10 điểm 'check-in' thú vị ở Thành phố Hồ Chí Minh

Trong kỳ nghỉ lễ dài dịp Tết dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hãy cùng Công dân và Khuyến học ghé 10 điểm check-in thú vị tại Thành phố Hồ Chí Minh để lưu dấu những kỷ niệm khó phai tại nơi được đánh giá là 1 trong 5 thành phố đẹp nhất Việt Nam.

Trong số 100 điều thú vị của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 được bình chọn từ người dân thành phố, du khách và doanh nghiệp, có 10 điểm check-in thú vị không thể bỏ qua tại thành phố xinh đẹp này.

Hãy cùng Công dân và Khuyến học điểm danh 10 điểm check-in thú vị này nhé:

Điểm "check-in" thú vị: Cầu Ánh Sao

Nhìn từ xa, cầu Ánh Sao nổi bật như một bầu trời đầy sao. Ảnh: ITN

Cầu Ánh Sao tọa lạc tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là một trong những cây cầu đẹp nhất thành phố, hiện đang là tụ điểm vui chơi, giải trí thuộc hàng "hot" nhất Thành phố Hồ Chí Minh.

Cầu Ánh Sao được xây dựng năm 2009, chiều dài 170m, rộng 8,3m với khu Kênh Đào với quảng trường thiết kế mô phỏng hình mặt trăng, khu Hồ Bán Nguyệt mô phỏng hình mặt trời. Hai bên thành cầu được lắp đặt hệ thống đèn led bảy màu. Sở dĩ có tên gọi là "Cầu Ánh Sao" bởi thiết kế cây cầu sử dụng hệ thống đèn led chiếu sáng nhiều màu, tạo nên khung cảnh rực rỡ như bầu trời đầy sao. Năm 2013, cầu Ánh Sao đã nhận được Huân chương Arthur G.Hayden của Hội Nghị Cầu Đường Quốc tế (IBC).

Điểm "check-in" thú vị: Cầu Ba Son

Cầu Ba Son được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, kết nối giữa quận 1 với Thành phố Thủ Đức, được khởi công năm 2015 và thông xe vào dịp kỷ niệm 30/4/2022, với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Khi xây dựng, cây cầu này được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.

Cầu có chiều dài hơn 1.400m với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cái tên Ba Son ra đời là sự tiếp nối của lịch sử, từ xưởng của thủy quân đến xưởng đóng, sửa chữa tàu Ba Son - nay là nơi sẽ kết nối tuyến Metro hiện đại. Tên gọi Ba Son là sợi chỉ kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hướng ra dòng sông Sài Gòn.

Điểm "check-in" thú vị: Chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng điểm đến yên bình trong lòng thành phố. Ảnh: Sưu tầm

Chùa Ngọc Hoàng (còn gọi là Điện Ngọc Hoàng, Phước Hải Tự) tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là ngôi chùa cổ quen thuộc với người dân Sài Gòn và khách du lịch với vẻ đẹp thu hút.

Ngôi chùa cổ này có lịch sử lâu đời, một địa điểm tâm linh yên bình. Chùa mở cửa mỗi ngày từ 7 giờ đến 18 giờ, riêng mùng 1 và rằm là từ 5 giờ đến 19 giờ.

Hàng năm, vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch, chùa vẫn thường lệ tổ chức lễ vía Ngọc Hoàng. Đây là một ngày đại lễ, được cho là dịp ban phúc lành lớn. Vào dịp này, lượng khách viếng chùa rất đông, bạn có thể vừa đến cầu nguyện, vừa tham quan, tận hưởng không khí lễ hội tại đây.

Điểm "check-in" thú vị: Cột cờ Thủ Ngữ - Công viên Bến Bạch Đằng

Công trình cột cờ Thủ Ngữ và công viên Bến Bạch Đằng - một địa điểm có cảnh quan đẹp, hấp dẫn người dân và khách du lịch tới Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh sưu tầm

Cột cờ Thủ Ngữ tại số 2 đường Tôn Đức Thắng (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) được xây dựng vào tháng 10/1865 ngay khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng.

Cột cờ Thủ Ngữ là một bộ phận kỹ thuật có chức năng báo hiệu cho tàu ra vào cảng Nhà Rồng và cũng là tín hiệu để tàu bè đi trên sông Sài Gòn biết nơi đây nếu cần ghé vào để tránh lạc xuống Cần Giờ hoặc ra Vũng Tàu. Tên gọi "Thủ Ngữ" có thể hiểu theo nghĩa: thủ (giữ), ngữ (án ngữ), tức cột cờ án ngữ ngay lối đường thủy ra vào với chức năng báo hiệu cho tàu bè.

Cột cờ Thủ Ngữ ngay từ khi xây dựng vào năm 1865 đã có cấu trúc đặc biệt: ngoài cột cờ cao bên sông Sài Gòn, tổng thể công trình này còn có ba tầng giật cấp, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ, gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác. Sau khi được trùng tu tại vị trí cột cờ từng tồn tại 156 năm qua, công trình cột cờ Thủ Ngữ và công viên Bến Bạch Đằng trở thành một địa điểm cảnh quan đẹp, hấp dẫn người dân và khách du lịch tới Thành phố Hồ Chí Minh.

Điểm "check-in" thú vị: Đường đi bộ Nguyễn Huệ

Đường đi bộ Nguyễn Huệ - là con đường sầm uất bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh, nơi du khách nào tới Thành phố cũng nhất định muốn ghé để tận hưởng và lưu lại bầu không khí sôi động ở đây. Ảnh: Người lao động

Đường đi bộ Nguyễn Huệ (phố đi bộ) được khánh thành vào đúng dịp lễ 30/04 năm 2015 với 2 khu vực chính là quảng trường Nguyễn Huệ kéo dài từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng và công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo dài từ đường Lê Thánh Tông đến đường Lê Lợi. Tổng chiều dài của phố đi bộ là 670m và chiều rộng là 64m với toàn bộ khu vực quảng trường được lát đá granite.

Đây là con đường huyết mạch trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh, nơi thường được tổ chức triển lãm đường hoa mỗi dịp Tết đến. Địa điểm này thu hút đông đảo khách du lịch đến check-in, cũng là nơi tụ tập của giới trẻ Sài Thành vào mỗi dịp cuối tuần, lễ, Tết.

Điểm "check in" thú vị: Ga tàu thủy Bạch Đằng - Saigon Waterbus

Dạo chơi công viên bến Bạch Đằng, check-in cảnh đẹp trên bến và trải nghiệm đi tàu buýt trên sông vào ban đêm, ngắm nhìn cảnh quan nơi đây là lựa chọn thú vị cho người dân và du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Tọa lạc tại địa chỉ 10B Đường Tôn Đức Thắng, (phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), gần với công viên Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Xe buýt đường sông (hay Water bus) là một loại phương tiện công cộng trên tuyến sông Sài Gòn. Lộ trình của Water bus kéo dài 11km, bắt đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đến bến Linh Đông (Thành phố Thủ Đức). Tới đây, du khách có cơ hội được vi vu trên sông Sài Gòn, hòa mình vào khung cảnh không kẹt xe, không khói bụi, không ồn ào. Nhiều người ví von nơi đây vừa mang giá trị di sản văn hóa lịch sử "trên bến dưới thuyền", vừa tạo thêm nét duyên của thành phố năng động hàng đầu cả nước.

Điểm "check-in" thú vị: Hào Sĩ Phường

Hào Sĩ Phường là con hẻm đặc biệt của Sài Gòn – nơi thu hút các bạn trẻ và du khách tới chụp ảnh. Ảnh: Sưu tầm

Tọa lạc tại địa chỉ 206/17 đường Trần Hưng Đạo (phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), Hào Sĩ Phường tách biệt hoàn toàn với khung cảnh xô bồ, náo nhiệt của đường phố Sài Gòn. Bên cạnh sự náo nhiệt thường thấy trong nếp sống, nét sinh hoạt của người dân phố thị Sài Thành là một chốn yên bình, mộc mạc tồn tại suốt trăm năm qua với thiết kế theo lối chung cư cũ, gồm hai tầng với kiến trúc cổ kính, hiện đại đan xen lẫn nhau. Hệ thống cầu thang kết nối giữa các tầng rất độc đáo.

Hiện tại, hẻm Hào Sĩ Phường là nơi sinh sống chung của cộng đồng người Hoa và người Việt, vì vậy khi đến đây sẽ bắt gặp rất nhiều những đặc trưng trong văn hóa Trung Hoa. Người dân và du khách đến đây được nhắc nhở cần chú ý tránh ồn ào để tôn trọng sự riêng tư của người dân.

Điểm "check-in" thú vị: Hồ Con Rùa

Từ Hồ Con Rùa có thể đi tham quan nhà văn hóa thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại Diamond Plaza, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố. Ảnh: sưu tầm

Hồ Con Rùa (tên gọi khác là Công trường Quốc tế) nằm ngay vị trí đắc địa giáp giữa quận 3 và quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, ngay nút giao nhau giữa 3 con đường Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân tạo thành một nút giao thông theo kiểu bùng binh, rất thuận tiện cho việc đi lại giữa các quận. Đây được coi là một địa điểm hẹn hò của giới trẻ cực kỳ nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ Con Rùa được xây dựng trong khoảng từ 1965-1967 do kiến trúc sư Nguyễn Kỳ đảm nhiệm thi công. Từ 1970 đến 1974, Hồ được trùng tu và xây dựng thêm 5 cột bê tông cao có hình dáng giống như năm bàn tay xòe ra chụm vào nhau. Tháp chính có chiều cao 34 mét cùng hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm. Tại đây còn có tượng hình con rùa bằng hợp kim trên lưng có đỡ bia đá nên dân gian đặt tên đây là Hồ Con Rùa (theo wikipedia Tiếng Việt).

Vào cuối tuần hay lễ, Tết, tại đây còn tụ tập các hội nhóm, câu lạc bộ âm nhạc tới sinh hoạt rất sôi động, có cả chương trình phun nước sắc màu vô cùng đẹp mắt và ấn tượng mà người dân và du khách đều không muốn bỏ lỡ.

Điểm "check-in" thú vị: Làng làm nhang Lê Minh Xuân

Ảnh: Làng làm nhang Lê Minh Xuân là 1 trong 10 điểm check-in thú vị phải đến một lần ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VTC News

Làng làm nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những nơi sản xuất nhang lớn nhất và lâu đời nhất khu vực Nam Bộ. Người dân ở đây sản xuất quanh năm. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán thì tuyến đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) như được "thay áo" mới với sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ từ những sạp phơi nhang ven đường.

Đây là một trong những điểm đến mang lại nhiều cảm xúc, mãn nhãn cho người dân cũng như du khách. Được biết đến nay, ngôi làng này đã gần 100 tuổi.

Điểm "check-in" thú vị: Trụ sở Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Người dân và du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp khi tới tham quan Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - nơi được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ảnh: Cổng thông tin Thành phố Hồ Chí Minh

Tọa lạc tại số 86 đường Lê Thánh Tôn (phường Bến Nghé, quận 1), Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình kiến trúc cổ điển của Thành phố, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909. Từ sau ngày Việt Nam thống nhất đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan khác. Trụ sở này nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ hướng ra sông Sài Gòn. Năm 2020, tòa nhà này đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Dịp 30/4/2023, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số đơn vị du lịch - lữ hành tổ chức chương trình tham quan tòa nhà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút hơn 10.000 lượt khách tới tham quan và và được đề cử là 1 trong 50 sự kiện nổi bật tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Trong hai ngày cuối năm 2023, Tòa nhà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa đón khách tham quan.

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/10-diem-check-in-thu-vi-o-thanh-pho-ho-chi-minh-179231230183000429.htm