10 đền thờ cổ nổi tiếng nhất thế giới

Dù trải qua sự bảo mòn của thời gian nhưng những công trình tâm linh này vẫn mang nhiều giá trị trường tồn về văn hóa lẫn kiến trúc, đồng thời là các điểm tham quan hấp dẫn du khách.

1. Đền Baalbek ở Lebanon còn được gọi là Heliopolis (thành phố Mặt trời). Đây là khu bảo tồn La Mã cổ đại lớn nhất. Trong suốt hơn 200 năm kể từ thế kỷ 1 TCN, người La Mã đã xây dựng 3 ngôi đền Jupiter, Bacchus, Venus làm nơi thờ cúng các vị thần La Mã. Cụm công trình cổ đại này cực kỳ ấn tượng, đặc biệt là đền Jupiter (sao Mộc) nhờ được xếp bằng 54 cột Granite khổng lồ, mỗi mặt có chiều cao 21 m. Tuy nhiên chỉ có 6 trong số những cột trụ này vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay. Ngôi đền được bảo tồn tốt nhất tại địa điểm là đền thờ của Bacchus với 19 trong số 42 cột đá Corinth còn tồn tại và được xây dựng vào năm 150 sau công nguyên.

2. Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ: Công trình này còn được gọi là Nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế, đồng thời là nhà thờ Chính Thống giáo của Nga cao nhất và lớn nhất trên thế giới (cao đến 130m), tọa lạc bên bờ sông Moskva, gần điện Kremlin. Công việc xây dựng nhà thờ được vua Tsar Alexander I chấp thuận từ năm 1812 nhưng phải đến năm 1839 sau nhiều lần phác thảo và thiết kế, nhà thờ mới chính thức khởi công. Năm 1931 tòa nhà bị phá hủy dưới thời Stalin và được xây dựng lại một cách trung thực theo bản mẫu cũ trong giai đoạn 1995-2000 nhưng bằng vật liệu hiện đại.

3. Jetavanaramaya: Nằm ở thành phố cổ đại Anuradhapura thuộc Sri Lanka ngày nay và trong đống đổ nát của tu viện khổng lồ Jetavana, tòa bảo tháp chọc trời này là một trong những công trình cổ cao nhất trong thế giới cổ đại còn tồn tại. Chiều cao của tháp là 122 m, với diện tích 233.000 m2 và được làm bằng 93.300.000 gạch nung trong vòng 15 năm với kỹ thuật mái tròn khéo léo, tinh xảo đến kỳ lạ. Tháp Jetavanaramaya thuộc về giáo phái Sagalika và được ước tính đã đón hơn 10.000 tu sĩ Phật giáo tu tập. Tại đây đang lưu giữ một phần thắt lưng Đức Phật từng đeo.

4. Đền Borobudur: Quần thể đền tháp lớn ở miền trung đảo Java, Indonesia, là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Đền được xây dựng trong vòng 75 năm vào khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IX dưới triều đại Sailendra theo phong cách kiến trúc Phật giáo Java. Cấu trúc của Borobudur tượng trưng cho 3 cảnh giới của Ta Bà là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Ngoài ra, tất cả các bậc thềm từ tầng 1 đến tầng 9 đều được phủ kín những phù điêu, được chạm trổ rất công phu, mô tả về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các bồ tát và các vị đã giác ngộ Phật pháp, và cả những cảnh trên niết bàn hay dưới địa ngục.

5. Đền Karnak: Di tích nổi tiếng nằm ở thành phố Thebes, kinh đô cũ của Ai Cập gồm nhiều tàn tích. Khoảng 30 vị Pharaoh trị vì nối tiếp nhau đã liên tục xây dựng ngôi đền này và để lại dấu ấn của riêng mình. Đây là nơi người Ai Cập thờ thần Amun-Re (thần Mặt Trời), Montu (thần chiến tranh), Mut (vợ thần Mặt trời) và các vị vua Pharaoh. Với lối kiến trúc phức tạp và sở hữu nhiều tượng đá khổng lồ, ngôi đền khiến cho nhiều khách tham quan phải kinh ngạc. Một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Karnak là hội trường Hypostyle với diện tích 5.000 m2, sở hữu 134 cột lớn cao 24m xếp thành 16 hàng chống đỡ một mái đền hiện đã bị đổ.

6. Đền Angkor Wat: Đây thực chất là một quần thể rộng 162, 6 hecta và ban đầu được xây dựng làm đền thờ Ấn Độ giáo của Đế quốc Khmer (Campuchia ngày nay) rồi dần dần chuyển thành đền thờ Phật giáo vào cuối thế kỷ XII. Trước đó, Vua Khmer Suryavarman II xây dựng Angkor Wat vào đầu thế kỷ XII tại Yasódharapura để thờ thần Vishnu. Angkor Wat là sự kết hợp của hai nét cơ bản của kiến trúc Khmer: kiến trúc đền-núi cùng với những dãy hành lang dài và nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, ngôi đền Angkor Wat còn được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc.

7. Đền Sri Ranganathaswamy: Đây là một đền thờ quan trọng, đón hàng triệu lượt du khách ghé thăm và hành hương mỗi năm ở Srirangam (Ấn Độ) và cũng là ngôi đền Hindu lớn nhất trên thế giới (Angkor là ngôi đền lớn thứ hai). Sri Ranganathaswamy được xây dựng cho thần Vishnu, một trong ba vị thần trong đạo Hindu. Ngôi đền được hoàn thành trong 967 sau công nguyên và được xây dựng chủ yếu bằng đá sa thạch đỏ. Công trình này bao gồm 21 tòa tháp, tháp lớn nhất có chiều cao 73 m. Qua nhiều thế kỷ, ngôi đền càng ngày càng trở nên to lớn hơn rất nhiều so với kích cỡ ban đầu của nó.

8. Đền Grand Jaguar: Công trình nằm trong khu vực Petén Basin của Guatemala, di tích thành cổ Tikal, một thành phố cổ tìm được trong một khu rừng mưa ở phía Đông Guatemala của nền văn minh Maya và là một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là một trong những kim tự tháp lớn nhất của người Maya. Đền thờ Grand Jaguar được xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa, có lối đi bậc thang ở giữa, các mặt xung quanh ngôi đền cũng được làm theo dạng bậc thang. Nơi này là một điểm đến rất hấp dẫn khách du lịch với mệnh danh "Thành phố âm thanh". Các quần thể kiến trúc tại đây được UNESCO công bố trở thành di sản thế giới năm 1979.

9. Đền Todaiji: Ngôi đền còn được gọi là Đông Đại Tự, là một ngôi đền nổi tiếng tại Nhật Bản, nay được mệnh danh là ngôi đền mẹ của các ngôi đền Phật giáo tại đất nước mặt trời mọc. Ngôi chùa này được xây dựng bởi sự góp sức lực của 2.600.000 người qua việc trực tiếp xây dựng và tham gia chế tác các tượng phật bằng đồng và các vật phẩm khác. Ngôi đền được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới nhờ bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang đậm hơi hướng Phật giáo. Bên trong chính điện đền Todaiji, những bức tượng Phật khổng lồ được xây dựng với độ cao của tượng chính là 15 mét, đại điện cho Vairocana và có hai tượng Bodhisattvas hộ tống bên cạnh.

10. Thiên Đàn: Quần thể đền Thiên Đàn được xây dựng vào năm 1420 dưới triều nhà Minh trên diện tích 273ha của khuôn viên, bao gồm 3 tổ hợp ông trình, bố cục chặt chẽ theo các nguyên tắc triết học Trung Hoa cổ. Thiết kế của Thiên Đàn thể hiện tư tưởng vươn ra không trung, hướng tới chân trời cao. Ẩn mình sau những bức tường cao, quần thể công viên Thiên Đàn là một nơi nghỉ ngơi tuyệt vời giữa những con phố náo nhiệt của Bắc Kinh. Khi đến thăm ngôi đền, du khách sẽ phải đi bộ khá nhiều. Người Trung Quốc đã phát huy hết sức trí tưởng tượng của họ trong quá trình xây dựng đền. Nổi bật nhất là sự đột phá về màu sắc rõ nét. Những cung điện nguy nga thời xưa thường được lợp mái vàng- tượng trưng cho vương quyền nhưng mái ngói của đền Thiên Đàn lại sử dụng màu xanh làm - màu sắc của bầu trời.

Khang Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/10-den-tho-co-noi-tieng-nhat-the-gioi-post176978.html