10 dấu hiệu cho thấy trẻ có tài năng vượt trội

Khả năng đọc, học và hiểu mọi thứ nhanh chóng ngay từ nhỏ, có thể tập trung cao độ vào những chủ đề yêu thích là những dấu hiệu cho thấy con bạn có tài năng vượt trội.

Nếu phát hiện sớm năng khiếu của con, cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển kịp thời và đúng cách. Ảnh: Pexels.

Trong những năm đầu đời của trẻ, cha mẹ thường tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy con mình có năng khiếu hoặc tài năng vượt trội trong một hoạt động, lĩnh vực hoặc chủ đề nào đó.

Đó có thể là khả năng chạy nhanh hơn những bạn khác, giải các bài toán nâng cao một cách dễ dàng hay có năng khiếu âm nhạc nhạy bén và hát đúng tông.

Dấu hiệu

TS Kumar Mehta là người sáng lập Bridges Insight - viện nghiên cứu về sự đổi mới và xuất sắc. Ông cũng là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Tương lai Kỹ thuật số, thành viên trong Ủy ban về Trẻ em - một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục.

Nói với CNBC, TS Mehta nhận định điểm số cao hay thành tích vượt trội trong các bài kiểm tra không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh.

Mặc dù không có công thức chung nào để xác định chính xác, các nhà nghiên cứu và nhà tâm lý giáo dục đã chỉ ra một số đặc điểm có thể cho thấy tiềm năng cao ở trẻ. Mười dấu hiệu như sau:

Khả năng đọc, học và hiểu mọi thứ nhanh chóng ngay từ nhỏ;
Có thể tập trung cao độ vào những chủ đề yêu thích, đến mức quên cả mọi thứ xung quanh;
Có khả năng quan sát nhạy bén, tò mò và thích đặt câu hỏi;
Khả năng suy nghĩ trừu tượng, thể hiện sự sáng tạo và giàu trí tưởng tượng;
Phát triển các kỹ năng vận động sớm (ví dụ như thăng bằng, phối hợp và di chuyển);
Tìm thấy niềm vui trong việc khám phá những sở thích mới hoặc nắm bắt những khái niệm mới;
Sử dụng sớm vốn từ vựng phong phú;
Có khả năng ghi nhớ lượng lớn thông tin khác nhau;
Thể hiện sự độc lập, tự tin và trách nhiệm trong việc hoàn thành nhiệm vụ;
Có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và khám phá những cách tiếp cận thay thế.

Cho con tiếp xúc với các hoạt động liên quan đến sở thích của chúng là điều quan trọng để phát triển tài năng. Ảnh: Pexels.

Phụ huynh nên làm gì?

Khi nhận thấy con bạn có tiềm năng phát triển vượt trội, bạn nên làm gì? Làm thế nào để khuyến khích tài năng của trẻ mà không tạo áp lực tiêu cực?

Trong nhiều năm nghiên cứu những người thuộc top 1% trong lĩnh vực của họ, TS Mehta nhận thấy bước quan trọng nhất cha mẹ có thể thực hiện là tạo môi trường cho con phát triển mối quan hệ tích cực với sở thích của mình.

Theo TS Mehta, cho con tiếp xúc với các hoạt động liên quan đến sở thích của chúng là điều quan trọng để phát triển tài năng.

Nếu con thích khoa học, hãy đưa chúng đến các bảo tàng khoa học dành cho trẻ em để trải nghiệm thực hành.

Bạn cũng có thể cung cấp các vật liệu cho các hoạt động vui chơi sáng tạo, chẳng hạn như hộp đựng trứng, hộp bìa cứng, cuộn giấy vệ sinh.

Khi cha của Ed Sheeran - ca sĩ, nhạc sĩ đoạt giải Grammy - nhận ra âm nhạc là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của con trai mình, ông đã chủ động lái xe đưa con đến các buổi hòa nhạc, hy vọng con sẽ tìm thấy đam mê.

Còn đối với tay golf chuyên nghiệp Tony Finau, gia đình anh không đủ khả năng cho con đến sân tập luyện chính thức. Vì vậy, cha của anh đã mua một gậy golf và một túi bóng golf với giá 2 USD từ cửa hàng đồ cũ. Finau sau đó đã dùng chúng để tập đánh bóng vào nệm.

Nghiên cứu chỉ ra kỹ năng của trẻ phát triển nhanh hơn khi chúng được giao lưu, học hỏi hoặc cảm thấy được truyền cảm hứng từ những người có tài năng tương tự.

Iten, một thị trấn nhỏ ở rìa thung lũng Rift Valley của Kenya, là quê hương của nhiều vận động viên chạy cự ly dài hàng đầu thế giới.

"Bạn thấy hàng xóm của bạn chạy và chiến thắng, điều đó thúc đẩy bạn làm điều tương tự", huấn luyện viên Bernard Ouma - người huấn luyện các vận động viên ưu tú của Kenya - chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên CNN.

Khi trẻ em nhìn thấy những người xung quanh tỏa sáng trong một hoạt động, chúng sẽ có động lực để nâng cao bản thân và thậm chí còn xuất sắc hơn.

Trẻ phát triển nhanh hơn khi chúng được giao lưu, học hỏi hoặc cảm thấy được truyền cảm hứng từ những người có tài năng tương tự. Ảnh: Pexels.

Không ai có thể đạt được thành công vĩ đại nếu chỉ đơn độc. Đôi khi, cha mẹ cần hướng tầm nhìn ra khỏi bản thân để đáp ứng nhu cầu của con cái, bằng cách tìm kiếm cho con một người cố vấn, đồng hành bên ngoài.

Tuy nhiên, điều quan trọng là trao đổi với con bạn, đảm bảo mọi người đều hiểu rõ và cam kết với mối quan hệ cố vấn.

Người cố vấn không nhất thiết phải là người có nhiều kinh nghiệm hơn. Nghiên cứu cho thấy những người có ảnh hưởng lớn nhất đến con bạn rất có thể là bạn bè của chúng.

Mối quan hệ giữa John Lennon và Paul McCartney, thành viên của The Beatles, là một minh chứng. Họ đã cung cấp cho nhau sự hướng dẫn, huấn luyện, hỗ trợ và động viên.

Họ cùng nhau sáng tác nhạc và người này giúp lấp đầy những thiếu hụt âm nhạc của người kia. Mặc dù cả hai đều là tài năng xuất chúng, có lẽ họ sẽ không thành công như vậy nếu thiếu sự đồng hành.

Giá trị gia đình là nền tảng vững chắc của sự định hướng và chấp nhận. Nghiên cứu cho thấy trẻ em có cảm giác được ủng hộ, tôn trọng và gắn kết mạnh mẽ sẽ phát huy được tối đa tiềm năng của mình.

Để xây dựng môi trường như vậy, cha mẹ có thể tập trung vào 3 nhóm giá trị cốt lõi sau:

Tôn trọng cá nhân: Cha mẹ hãy thể hiện sự tôn trọng với cá tính, quan điểm, ý tưởng và ước mơ của con. Ngoài ra, hãy dành thời gian chất lượng cho các hoạt động gia đình, tạo không gian vui chơi tự do và khuyến khích mỗi thành viên theo đuổi đam mê riêng.
Trân trọng nỗ lực: Đối với trẻ em, giá trị này thể hiện ở cách chúng tiếp cận việc học và trưởng thành. Cha mẹ hãy làm gương với những hành vi tích cực như kiên trì, nỗ lực hết mình, không bỏ cuộc trước khó khăn. Đây là cách hiệu quả nhất để dạy con về giá trị này.
Giá trị xã hội: Nuôi dưỡng những đứa trẻ tử tế, biết quan tâm đến người khác và mong muốn đóng góp cho cộng đồng là điều quan trọng. Cha mẹ hãy khuyến khích và khen ngợi con khi chúng thể hiện sự tôn trọng và lịch sự trong giao tiếp, tham gia vào các hoạt động tập thể và tận dụng kỹ năng của mình để giúp đỡ người khác.

Tuy nhiên, TS Kumar Mehta nhận định việc đặt quá nhiều áp lực lên trẻ em có thể gây hại. Khi trẻ cảm thấy mỗi bài tập về nhà, mỗi trận đấu bóng đá hay kỳ thi... đều mang tính quyết định cho tương lai, áp lực đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và niềm đam mê của chúng.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/10-dau-hieu-cho-thay-tre-co-tai-nang-vuot-troi-post1453755.html