Zike gây nguy hiểm với phụ nữ mang thai ở tuần thai nào?

Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM phát hiện thêm một trường hợp nhiễm Zika là bé gái 4 tuổi trú huyện Bến Lức, Long An. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm Zika.

Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM phát hiện thêm một trường hợp nhiễm Zika là bé gái 4 tuổi trú huyện Bến Lức, Long An. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm Zika. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ nữ dự định có thai, đang có thai đi đến vùng dịch thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống, khi về có triệu chứng thì phải đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán bệnh kịp thời…

Bé gái 4 tuổi ở Long An bị mắc Zika

Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM chiều 19/10 cho thấy bé gái 4 tuổi tại Long An dương tính với virus Zika. Trước đó bé bị sốt, phát ban, đau khớp. Cũng trong chiều 19/10, TP HCM công bố ca Zika thứ 5 trên địa bàn và là người đàn ông Sài Gòn đầu tiên bị Zika.

Trước đó, ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận em bé 4 tháng tuối (tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk) có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy người mẹ và thai nhi từng nhiễm virus Zika. Cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản để kiểm tra sự hiện diện virus Zika.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đối với bé gái 4 tháng tuổi ở huyện Krông Buk, đoàn kiểm tra đã tìm hiểu rất nhiều yếu tố dịch tễ cùng với lấy máu, nước tiểu xét nghiệm… để xác định bé bị dị tật đầu nhỏ do nguyên nhân nào. “Chúng tôi đã hỏi gia đình, mẹ bé có tiếp xúc với hóa chất độc hại không? Có bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hay không, hoặc có mắc các bệnh lý khác trong thời gian mang thai hay không? Gia đình, người thân cũng được hỏi về những vấn đề này. Đồng thời, chúng tôi cũng lấy máu xét nghiệm những người xung quanh có triệu chứng sốt, nghi ngờ mắc Zika để làm xét nghiệm” – ông Phu cho biết.

Đối với 2 ca phát hiện mắc chứng đầu nhỏ cũng ở Đắk Lắk, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay “Cục đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên điều tra. Tuy nhiên, 2 trường hợp này không có dấu hiệu đầu nhỏ lâm sàng điển hình do Zika. Hơn nữa, hiện các bé đã lớn nên không nên nghĩ là do Zika. Lúc đó, Zika chưa bùng phát ở Việt Nam hay châu Á. Trong khi, chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm virus (Rubella…), vi khuẩn (Giang mai…), ký sinh trùng (Toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền” – PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

Zika "yên ắng" ở phía bắc, nhưng không nên chủ quan

Liên quan đến dịch bệnh do vi rút Zika, TS Trần Đắc Phu bày tỏ quan ngại: “Dịch bệnh Zika bùng phát, lo nhất là các thai phụ. Các bà mẹ không nên hoang mang nhưng phải biết cách chủ động phòng bệnh. Các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng vẫn được đẩy mạnh nhưng không thể đảm bảo không có con muỗi nào, vì thế quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cá nhân: mặc áo dài tay, xoa kem chống muỗi, ngủ màn ngay cả vào ban ngày…”.

Ông Phu cũng đặc biệt khuyến cáo các bà mẹ nâng cao ý thức, khám thai định kỳ, luôn luôn chăm sóc bệnh tật khi có thai. Trong thời kỳ mang thai, 3 tháng đầu là cực kỳ quan trọng, thai phụ không chỉ phòng muỗi đốt, mà còn chú ý nếu bị viêm họng không dùng kháng sinh, không để cúm... Phụ nữ dự định có thai, đang có thai đi đến vùng dịch thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống, khi về có triệu chứng thì phải đến cơ sở y tế.

Cũng theo ông Phu, hiện nay, tình hình dịch bệnh ở phía Bắc đang tương đối 'yên ắng', nhưng Zika vẫn có thể bùng phát vì có sự giao thương liên tiếp. Vì thế, các địa phương này không được chủ quan, phải tăng cường giám sát, theo dõi, tư vấn cho bà mẹ mang thai để có hướng xử trí phù hợp.

Bệnh do virus Zika thường nhẹ, người lớn nhiễm virus hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Bệnh được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì biến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. “Trong số các bà mẹ mang thai mắc Zika, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ - có thể khiến trẻ ảnh hưởng trí tuệ, vận động, nói năng, sinh hoạt - nhưng rõ ràng phải tư vấn rất đầy đủ, để họ không hoang mang, lo lắng. Nếu tuyên truyền không đúng, việc các bà mẹ mang thai dù không có triệu chứng gì cũng đi xét nghiệm ồ ạt là không nên” PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

Theo BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương),, trước những diễn biến phức tạp của bệnh do virus Zika, để chủ động phát hiện những trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ngay từ trong bào thai, hiện Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã đưa ra bộ câu hỏi cơ bản về Zika để khảo sát thai phụ khi đến khám tại khoa. Qua khảo sát cho thấy, 1/3 thai phụ gần như chưa biết gì về bệnh này, số còn lại chỉ “bập bõm” biết về Zika, hầu hết đều nghĩ rằng Zika gắn liền với chứng đầu nhỏ và phải hủy thai nếu mắc phải virus này. “Tuy nhiên, không phải tất cả các bà mẹ mang thai bị nhiễm virus Zika đều sinh ra trẻ mắc chứng đầu nhỏ. Không phải tất cả sẽ phải phá bỏ thai hay đình chỉ thai nghén ngay lập tức nếu thai phụ mắc Zika” - BS Anh Tuấn khẳng định.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/zike-gay-nguy-hiem-voi-phu-nu-mang-thai-o-tuan-thai-nao-n123940.html