Zika diễn biến 'nóng', bệnh giao mùa gia tăng

Khoảng 3 ngày nay, thời tiết ở khu vực miền Bắc thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh với chênh lệch nhiệt độ khoảng 10 độ C, kèm theo mưa ẩm, khiến bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp gia tăng, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ. Trong khi đó, tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, diễn biến dịch Zika đang “nóng hầm hập”.

Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đe dọa bùng phát trong mùa đông xuân

Bệnh nhi tăng vọt

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi - trường Đại học Y Hà Nội cho biết, ở cả trẻ em và người lớn, thời điểm chuyển sang mùa đông có thể gọi là “mùa nhạy cảm” với sức khỏe và dễ mắc bệnh hơn. Lý do vì thời tiết giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, trong khi sức đề kháng của con người sụt giảm vì không thích ứng kịp với sự thay đổi của thời tiết nên rất dễ nhiễm bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp.

Trên thực tế, thời điểm này, khoa Nhi của các bệnh viện ở phía Bắc đều có số bệnh nhân đông hơn thường lệ, trong đó rất nhiều bệnh nhi mắc các bệnh cảm cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi… Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bình thường có khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi đến khám mỗi ngày nhưng vào thời điểm giao mùa hiện nay thường tiếp nhận khoảng 3.500-4.000 bệnh nhân/ ngày, trong đó chiếm 60-70% là các bệnh lý truyền nhiễm.

“Không ngạc nhiên nếu lượng bệnh nhân nhập viện mùa này tăng cao. Với những bệnh đường hô hấp thông thường như cúm, hắt hơi, sổ mũi… nếu chúng ta không điều trị kịp thời, nhiều trẻ có thể tiến triển nặng, chuyển sang viêm đường hô hấp dưới như viêm tiểu phế quản, viêm phổi” - PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.

Còn theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều phụ huynh không giữ đủ ấm cho trẻ, đưa trẻ ra khỏi nhà hay phòng ấm đột ngột… cũng là nguyên nhân khiến cho số bệnh nhi nhập viện gia tăng trong những ngày qua.

Về mặt dinh dưỡng để phòng bệnh trong thời điểm giao mùa hiện nay, TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, cần chú ý cho trẻ ăn các chất giàu năng lượng như tinh bột, đạm động vật.

Cùng đó cần chú ý ăn nhiều các loại thức ăn giàu vitamin và chất khoáng như các loại củ quả màu vàng đỏ, rau màu xanh sẫm. Cần uống đủ nước, tốt nhất là nước từ rau quả, trái cây tươi.

Nhiều nguy cơ bệnh truyền nhiễm thành dịch

Bên cạnh những bệnh lý thông thường có xu hướng gia tăng trong thời điểm bước vào mùa rét, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, vào mùa đông xuân này, nhất là khu vực miền Bắc, người dân cũng cần đề phòng các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như cúm, sởi, rubella, quai bị, tiêu chảy do virus, tay chân miệng.

Trong khi đó, ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam, “nóng” nhất giai đoạn này là dịch sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do virus Zika. Hiện tại các tỉnh như Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Long An, đặc biệt tại TP.HCM đã ghi nhận bệnh nhân nhiễm virus Zika.

Không chỉ số ca mắc tăng nhanh mà đã có trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận nghi có liên quan tới virus Zika. TS Trương Đình Bắc nhấn mạnh: “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, sự lây lan của virus Zika ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là rất lớn”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, PGS.TS Phan Trọng Lân khuyến cáo phụ nữ chuẩn bị mang thai và 3 tháng đầu thai kỳ không nên đi lại vùng có dịch và đề phòng muỗi đốt. Đối với nam giới, khi quyết định có con thì cần tầm soát, nếu mắc Zika thì phải sau 6 tháng mới có thể có con.

Tại Hà Nội, dù hiện vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm Zika nào nhưng ngành y tế Thủ đô nhận định, rất có thể tới đây thành phố sẽ ghi nhận ca bệnh bởi muỗi truyền bệnh Zika cũng là muỗi truyền bệnh SXH lưu hành tại Hà Nội và hiện đang là cao điểm của mùa dịch SXH.

Nhằm chủ động phòng chống và phát hiện sớm mầm bệnh, ngày 1-11, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika.

Hoạt động này được thực hiện tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) và xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, bọ gậy để chủ động phòng bệnh do virus Zika và bệnh SXH.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/zika-dien-bien-nong-benh-giao-mua-gia-tang/707139.antd