Zika có thể gây gây tổn thương hệ thần kinh trung ương

Các chuyên gia y tế nhận định, virus Zika không chỉ gây dị tật đầu nhỏ mà còn có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương ở người lớn.

Tiến sĩ Maria Lucia Brito thuộc Bệnh viện Phục hồi (Recife, Brazil) đã phát hiện trong tổng số 151 bệnh nhân mắc Zika đến điều trị thì có 2 người mắc chứng viêm não tủy cấp lan tỏa (ADEM). Đây là chứng bệnh gây ra do tế bào thần kinh bị nhiễm trùng, gây sưng dữ dội trong não cùng tủy sống khiến myelin bị tàn phá. Hậu quả là người bệnh sẽ bị giảm sút thị lực, tê liệt tay chân, mất phương hướng và trở nên yếu hơn.

Theo đó, virus Zika được cho là có mối liên kết với hội chứng Guillain-Barre - hội chứng tấn công các dây thần kinh ngoại vi bên ngoài não bộ và tủy sống, gây tê liệt tạm thời, một số trường hợp mắc có thể phải cần dùng đến máy thở. Phát hiện mới này của các nhà nghiên cứu Brazil cho thấy, Zika có thể gây nên một cuộc tấn công miễn dịch trên hệ thống thần kinh trung ương cực nhanh.

Virus Zika gây dị tật đầu nhỏ. Ảnh: Khoeplus.vn

Điều đó cho thấy virus Zika hoàn toàn có khả năng tấn công hệ thần kinh trung ương, thay vì các nhận định trước đó cho rằng người bệnh chỉ phải qua các triệu chứng thông thường của bệnh cúm.

Liên quan đến diễn biến tình hình bệnh do virus Zika tại Việt Nam, tính đến ngày 6/11 đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với virus Zika, trong đó có bốn thai phụ nhiễm bệnh, số trường hợp mắc bệnh tập trung đông nhất tại TP HCM.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nói rằng, phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần; nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này, đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ.

Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi.

Phụ nữ mang thai nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi và phòng chống mọi nguy cơ. Tỷ lệ các mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ vào khoảng 1-10%.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/zika-co-the-gay-gay-ton-thuong-he-than-kinh-trung-uong-778569.html