“Yêu nghề” hay “yêu ghế”?

(GD&TĐ) - Chuyện xảy ra tại một Nhà xuất bản trực thuộc một trường ĐH ở tỉnh T. Giám đốc tuổi đã quá niên hạn 2 - 3 năm, do yêu nghề quá mức, bà suốt ngày đến cơ quan, cần mẫn và lo toan… chăm lo cho mấy chục con người về cuộc sống. Công việc in ấn, xuất bản, rồi chỉ tiêu, thu nhập, lỗ lãi… trăm thứ đến tay bà…

Ảnh minh họa/internet

Thiết nghĩ, với sự xoay như chong chóng như vậy, kẻ khác lên, làm sao nổi?

Bà không tin vào năng lực quản lý của bất kỳ một ai cả. Bụng bảo dạ, khi nào bà huấn luyện cho một, hay hai đàn em thật tinh thông mọi việc như bà, hoặc chí ít gần bằng bà… thì bà mới yên lòng trao ấn kiếm rời bỏ ngôi vị.

Cách đây mấy năm, bà cũng đã mời một đàn em, mà người ngoài đồn rằng bà hết sức có thiện chí - để trao sứ mệnh khi hết nhiệm kỳ, về nhà ngơi nghỉ vui thú điền viên cùng chồng con. Đó là lẽ thường tình. Bởi ai cũng muốn sau khi mình nghỉ, người kế nhiệm phải là kẻ thân tín, có năng lực, thậm chí cùng đồng sàng dị mộng như mình, càng tốt.

Vì lẽ ấy, bà đã chọn cho mình một sếp Phó đạt đủ những tiêu chuẩn như vậy về sát cánh cùng bà. Đó là chuyện từ mấy năm trở về trước. Còn giờ đây, bà đã quá tuổi nghỉ hưu tới gần 3 năm…

Nghĩ đến một ngày vị trí Giám đốc bỗng nhiên tuột khỏi tay mình, chiếc ghế danh giá với đầy vẻ oai phong bất ngờ có kẻ khác ngồi… bỗng nhiên bà buồn nẫu ruột. Rồi cảnh ra đón vào đưa không còn nữa, cảnh quyền uy, như Thế Lữ có nói trong bào thơ “Nhớ rừng”, rằng: “Chao ôi một thời oanh liệt nay còn đâu”, bà không chịu được.

Đành rằng níu giữ với thời gian là điều không thể. Tuổi tác, nhan sắc, tâm lý, sinh lý rồi cũng về cõi; đặc biệt là bổng lộc, quyền cao chức trọng rồi cũng trở thành phù du…lẽ tự nhiên, theo quy luật là vậy. Nhưng cảm giác tiếc nuối, gắng gượng của bà cũng như của những người rơi vào cảnh ngộ như bà là điều khó tránh khỏi. Với lý do bà như là người khai sinh ra Nhà xuất bản (NXB), học hàm học vị có, ảnh hưởng dư luận xã hội có, bà đã ra 101 lý do để kéo dài thời gian được cống hiến làm việc của mình. Với suy nghĩ như vậy, bà không hề mảy may quan tâm đến việc Luật lao động quy định đối với phụ nữ-là đúng 55 tuổi nghỉ hưu. Không phải là trường ĐH T không biết chuyện này, nhưng để khuyên giải và “đàm phán” với vị Giám đốc yêu công việc quá đỗi này về hưu theo đúng luật định, họ đã gần như “bó tay ?!?. Hoàn cảnh này, khiến dư luận tỉnh T nghĩ đến câu thơ của Nguyễn Du trong chuyện Kiều khi Thúy Kiều buộc phải lựa chọn 1 trong 2 trường hợp “bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn”, còn trong trường hợp này, họ băn khoăn, khổ tâm khi đứng trước cảnh phải chọn “bên tình bên nghĩa, bên nào nặng hơn”. Vì sự băn khoăn khó lựa chọn ấy mà vị GĐ này đã quá nhiệm kỳ tới 2 năm, vẫn ung dung tự tại, hàng ngày ngựa xe đưa đón, vẫn oai phong lẫm liệt, mặc kệ chiếc ghế GĐ đã hết nhiệm kỳ.

Trong khi đó, đàn em của bà, người mà bà đưa về, nhằm kế nhiệm bà sẵn sàng gánh vác cho bà… vẫn chờ đợi cái ngày được bà bàn giao trọng trách, theo đúng nhiệm kỳ.

Theo lẽ thường, cây có già thì măng mới được mọc, đằng này… Bà bực mình lắm. Cây đã già đâu mà măng cứ đòi mọc? Cứ cho là cây già đi chăng nữa, nhưng cây chưa cho măng mọc, thì hãy đợi đấy, nằm sâu dưới lớp đất kia, cấm đâm chồi nhú mầm nhé!

Còn nếu định mọc đúng thời gian quy định, đúng mùa thì… còn lâu nhé. Bà còn sừng sững cây cao bóng cả, làm sao có thể để cây khác đâm chồi, kết lá?

Vì nghịch cảnh ấy, mà dư luận tỉnh T xôn xao, liệu bà GĐ này ô che ở trên không? Tại sao Ban GĐ ĐH tỉnh T không thể giải quyết được việc tưởng như dễ trong lòng bàn tay này?

Phải chăng, chiếc ghế GĐ có quá nhiều lợi ích, bổng lộc-nên vào một ngày đẹp trời, bà bỗng nhiên nuối tiếc, không thể nói lời chia tay, mặc dầu đã hết nhiệm kỳ?

Thiết nghĩ, làm việc hay ngơi nghỉ…là lẽ tự nhiên của kiếp người. Cũng như lẽ sinh tử vậy. Nếu cố gắng bàng mọi cách chống chọi với quy luật của thời gian và tuổi tác sẽ thất bại.

Trong khi có những người lãnh đạo, vì sự phát triển của cơ quan, đã đề nghị cho được nghỉ hưu sớm hơn hàng năm, hoặc vài tháng, để tạo điều kiện, cơ hội cho người kế nhiệm, thì thật lạ, trường hợp bà GĐ tỉnh T lại cứ khăng khăng đòi được làm tiếp tục. Bà đã quên rằng, điều còn lại lớn nhất của cuộc sống đó là tình nghĩa con người, ứng xử nhân văn và vì đồng loại.

Còn mọi sự ham hố, gắng gượng khác cho chiếc ghế quyền lực đều không có giá trị. Bởi khi uy tín danh dự mất đi, thì chẳng điều gì còn lại trên đời này có ý nghĩa nữa.

Sa Mộc

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/201304/Yeu-nghe-hay-yeu-ghe-1968441/