Yêu cầu Trung Quốc rút máy bay chiến đấu ra khỏi Hoàng Sa

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, ngày 14-4, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc triển khai 16 máy bay J-11 đến quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết:

“Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực.

Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự. Là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 và tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Ngoại trưởng Nga nói rằng các vấn đề Biển Đông, các nước nên tự giải quyết, không nên quốc tế hóa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định:

“Lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán và đã được nhắc lại nhiều lần. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương. Đối với các vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như là vấn đề quần đảo Trường Sa thì không thể chỉ giải quyết song phương, mà phải có sự tham gia của các bên liên quan. Còn đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm”.

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Ngoại trưởng các nước G7 vừa qua đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại của mình đối với tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông trong thời gian gần đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

“Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của G7 về vấn đề an ninh biển theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tự tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Khi được hỏi về vị trí của hai giàn khoan Hải Dương 981 và 943 của Trung Quốc sau khi Việt Nam có công hàm phản đối, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết:

“Kể từ khi có thông tin về hoạt động của hai giàn khoan 981 và 943 ở khu vực trên Biển Đông, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát sao các hoạt động, cũng như các hoạt động của các bên khác trên Biển Đông”.

Khi được hỏi về tiến trình đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về khu vực phân định ở cửa vịnh Bắc Bộ, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết:

“Trong thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục tích cực thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, hai bên đã nỗ lực tiến hành những trao đổi, đối thoại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước”.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về thời gian kéo dài việc xả nước và lưu lượng nước được Trung Quốc xả xuống hạ lưu sông Mekong từ 11-4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết:

“Thông qua kênh ngoại giao, ngày 11-4, phía Trung Quốc cho biết, căn cứ vào lượng nước trên thượng nguồn, cũng như an ninh điều tiết mạng lưới điện, từ ngày 11 cho đến ngày 20-4, phía Trung Quốc sẽ điều chỉnh xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở mức 1200 m3/giây. Từ 21-4 cho đến hết mùa khô, đập thủy điện Cảnh Hồng sẽ lại gia tăng lưu lượng xả nước xuống hạ lưu sông Mekong.

Trước đó, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sau khi Trung Quốc và Lào có thông báo xả nước đập thủy điện để hỗ trợ cho việc chống hạn và xâm nhập mặn ở Việt Nam, thì lượng nước trên đã về tới Việt Nam vào đầu tháng 4-2016, làm gia tăng lưu lượng nước sông Mekong và hỗ trợ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong công tác cứu hạn cũng như chống xâm nhập mặn. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực của các quốc gia liên quan trong việc phối hợp sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và qua đó đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan cũng như cuộc sống của các thường dân trong khu vực này”.

Quang Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-ngoai/831281/yeu-cau-trung-quoc-rut-may-bay-chien-dau-ra-khoi-hoang-sa