Yêu cầu mới đối với công tác dân vận hiện nay

Công tác dân vận là chiến lược và đường lối cách mạng của Đảng. Ngày nay, công tác dân vận trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn bó mật thiết với chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, góp phần tạo động lực cho phát triển đất nước.

 Phong cách dân vận gần gũi và thiết thực của Bác Hồ là bài học nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

Phong cách dân vận gần gũi và thiết thực của Bác Hồ là bài học nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử đặt ra yêu cầu mới đối với dân vận và công tác dân vận. Do đó, việc đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác dân vận phải căn cứ vào yêu cầu đó, phù hợp với tình hình mới.

Công tác dân vận do Đảng trực tiếp lãnh đạo, là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước - tổ chức giường cột của hệ thống chính trị có chức năng quản lý, ban hành thể chế và chính sách.

Công tác dân vận phải thu hút và lôi cuốn sự tham gia, chia sẻ trách nhiệm và kinh nghiệm, phối hợp các nguồn lực của tất cả thành viên của hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội, dân tộc và tôn giáo, kể cả sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhìn từ phương diện công tác xã hội và hoạt động xã hội, công tác dân vận thông qua các thiết chế tổ chức đại diện của quần chúng hoàn toàn có khả năng thu hút sự hợp tác quốc tế bằng việc thiết lập các mối quan hệ với các đối tác tương ứng (các hội và hiệp hội, các tổ chức đoàn kết, hữu nghị với các nước, quốc tế, khu vực và thế giới, các tổ chức nhân đạo vì hòa bình…) để phát triển sự hợp tác, đoàn kết và hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước.

Đây chính là hoạt động ngoại giao nhân dân, phương thức hỗ trợ hiệu quả cho ngoại giao của Đảng và Nhà nước, cùng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước vì mục tiêu phục vụ cuộc sống của nhân dân.

Do đó, công tác dân vận trong quá trình đổi mới cũng đặt ra những yêu cầu về chất lượng và hiệu quả của công tác dân vận. Có thể hình dung chất lượng công tác dân vận trong tình hình mới như thế nào? Chất lượng công tác dân vận được xác định bởi những tiêu chí, yêu cầu nào?

Thứ nhất, phải làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, làm cho dân hăng hái, phấn khởi, tự giác thực hiện nhiệm vụ và nghĩa vụ của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là chất lượng giáo dục, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân; qua đó thống nhất giữa hiểu biết với niềm tin và hành động của dân. Để tạo ra điều đó ở phía người dân, những quyết sách của Đảng và Nhà nước phải thuận với lòng dân, luôn đứng về phía người dân; mọi việc lớn, nhỏ, trước mắt cũng như lâu dài mà Đảng và Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức làm đều chỉ vì dân.

Công tác dân vận vì dân và dân cảm nhận, thụ hưởng trực tiếp lợi ích, thấy rõ Đảng và Nhà nước thực sự là của mình, vì mình… như thế, dân sẽ bảo vệ Đảng và Nhà nước, bảo vệ chế độ, hăng hái thực hiện mọi cuộc vận động, mọi phong trào thi đua yêu nước vừa vì sự nghiệp chung vừa đem lại lợi ích thiết thân cho mình.

Muốn vậy, dân vận và công tác dân vận phải khắc phục triệt để tính hình thức, phù phiếm, tính hành chính quan liêu, xa dân. Muốn vì dân thì phải hiểu dân, tin dân, tinh thành đoàn kết, kiên trì thuyết phục và nhất là nêu cao đức hy sinh, tính tiền phong, sự gương mẫu của những người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên để nhân dân noi theo.

Thứ hai, phải tăng cường được sự đoàn kết, nhất trí trong các cộng đồng dân cư ở cơ sở, cho đến phát huy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, nhất là nước ta là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc là liên minh chính trị-xã hội rộng lớn nhất, đóng vai trò nòng cốt, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết.

Sự phối hợp thường xuyên và có hiệu quả giữa hệ thống các cơ quan dân vận của Đảng với hệ thống tổ chức Mặt trận, từ Trung ương tới cơ sở, cùng với sự hợp tác, phối hợp với các tổ chức công quyền (Nhà nước), với các tổ chức dân sự để cùng vận động, tuyên truyền, giúp đỡ dân chúng, nhất là dâ cư ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số ở miền núi… sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng dân vận và công tác dân vận.

Công tác dân vận phải gây dựng và củng cố niềm tin của dân chúng.

Phát huy được sức mạnh đoàn kết là phát huy được một trong những truyền thống quý báu của dân tộc, gắn liền với truyền thống yêu nước, thương người, gắn bó cố kết cộng đồng, tương thân tương ái, đạo lý và tình nghĩa của nhân dân ta. Đây là những giá trị tinh thần thuộc về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Chất lượng công tác dân vận phải góp phần chủ động và tích cực nhất trong việc xây dựng và phát huy giá trị cộng đồng dân tộc Việt Nam, tạo ra chuyển biến tích cực về xây dựng con người Việt Nam, những thế hệ người Việt Nam biết đoàn kết, biết yêu nước, tự hào dân tộc, vun trồng đạo đức lành mạnh, chống cái ác, cái xấu, thái độ vô cảm, lẩn tránh trách nhiệm, lối sống vụ lợi, vị kỷ chạy theo đồng tiền trong nền kinh tế thị trường làm tổn thương đến giá trị con người và xã hội.

Phải chú trọng phát huy, nhân rộng, cổ vũ các điển hình cá nhân và tập thể trong cộng đồng nhân dân, hướng dẫn dư luận xã hội lành mạnh, dùng sức mạnh của dư luận xã hội hỗ trợ cho các biện pháp quản lý của Nhà nước và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động của Mặt trận và các đoàn thể để chống lại có hiệu quả sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng tệ nạn, tội phạm, sự rối loạn kỷ cương trật tự, sự coi thường luật pháp.

Có như vậy mới làm cho xã hội lành mạnh, cuộc sống của người dân được yên ổn. Dân vận lúc này phải hướng vào yên dân, an dân, chăm lo dân sinh, thực hiện an sinh xã hội, nhất là với bộ phận không nhỏ dân cư còn đang nghèo đói, thiệt thòi, dễ bị tổn thương.

Chất lượng công tác dân vận vào lúc này phải thể hiện bằng việc làm và hành động thực tế để bảo vệ dân, chăm lo cải thiện đời sống, nâng cao mức sống của dân và phát triển được sức dân trong một môi trường kinh tế-xã hội công bằng, dân chủ, minh bạch.

Thứ ba, công tác dân vận phải tập hợp được quần chúng nhân dân thành lực lượng xã hội rộng lớn và nuôi dưỡng các phong trào thi đua yêu nước theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm về trước “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Toàn dân, toàn quốc cũng như toàn Đảng, toàn quân kết thành một khối vững chắc, làm nên sức sống và ý nghĩa của các phong trào thi đua yêu nước. Phong trào ấy tạo ra khí thế và sức mạnh tổng hợp, đã từng làm nên thành công của sự nghiệp vừa kháng chiến vừa kiến quốc thời kỳ chống thực dân Pháp, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh thắng hai đế quốc to, vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Phong trào thi đua yêu nước vào lúc này phải huy động sức mạnh toàn dân, toàn quân, toàn Đảng, ra sức đẩy mạnh đổi mới, chủ động hội nhập, không chỉ đánh bại mọi âm mưu và thế lực xâm lược nước ta, giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đặt lợi ích dân tộc là tối cao, trên hết, trước hết mà còn phải đánh bại giặc nội xâm, đánh thắng nghèo nàn lạc hậu, tiến tới một nước Việt Nam văn minh, hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Công tác dân vận là công tác xã hội, dựa vào sức mạnh của toàn dân, làm những việc cần làm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là các công việc thực tế hằng ngày, cùng làm với dân, bày vẽ cách làm cho dân, và làm tất cả những gì có thể làm được vì dân. “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” là khẩu hiệu hành động mà cũng là tuyên ngôn, là thông điệp của dân vận và công tác dân vận.

Đây là điểm mấu chốt nhất, là điểm đồng quy nổi bật nhất để tạo ra đồng thuận lâu bền nhất của công tác dân vận. Mọi yêu cầu chất lượng dân vận đều hướng vào đó.

Thứ tư, công tác dân vận phải đảm bảo thực hành dân chủ rộng rãi nhất, lấy đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân, có dân chủ mới phát huy được lòng hăng hái, mới nảy nở nhiều sáng kiến, mới thúc đẩy sự sáng tạo vượt khó. Có dân tin tưởng, dân giúp đỡ, dân ủng hộ, dân bảo vệ, lại được dân yêu mến thì mọi khó khăn đều vượt qua được.

Thực hành dân chủ thiết thực nhất vào lúc này là chống quan liêu, tham nhũng thành công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để lo cho dân những nhu cầu bức thiết: có ăn, có mặc, được học hành, được chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, có nhà ở, được tự do đi lại, được hưởng quyền tự do làm chủ mà họ xứng đáng được hưởng.

Chung quy lại, vẫn chỉ là làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân. Có trách nhiệm cao nhất đối với dân, có niềm tin đặt vào dân, có hành động thực sự vì dân, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, nhất quán giữa nói và làm ở những người lãnh đạo, quản lý, cầm quyền, ở một đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức đông tới mấy triệu người (riêng đảng viên đã là bốn triệu) thì sẽ làm được những gì mà chất lượng công tác dân vận đòi hỏi.

Tiêu chí và yêu cầu này của chất lượng dân vận hướng chủ yếu vào phẩm chất nhân cách của đội ngũ cán bộ dân vận chuyên trách mà đức là gốc, tài là vô cùng quan trọng, tài gắn liền với đức.

Có động cơ mục đích trong sáng, có học vấn, hiểu biết để có năng lực trí tuệ sáng tạo, có kiểm nghiệm thực tiễn phong phú, trải nghiệm trực tiếp cuộc sống của dân, do sống với dân, gần dân, hiểu dân, tin dân, có quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, có phương pháp khoa học, có phong cách dân chủ… thì sẽ có thành công.

Dân chúng vốn thiết thực và nhạy cảm, đánh giá của dân là trung thực, khách quan, nghiêm khắc mà cũng rộng lòng khoan thứ… dân biết rõ những đại biểu của mình làm dân vận như thế nào. Sự tin tưởng và gắn bó của dân với Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của dân với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của dân đối với xây dựng chế độ, hành động tích cực của dân khi tham gia vào sinh hoạt chính trị, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đến mức nào - điều đó tùy thuộc vào uy tín và ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cũng như hiệu quả, tác dụng thiết thực của các phong trào được tổ chức mà dân tham gia.

Rõ ràng, chất lượng công tác dân vận với ý nghĩa là công tác xã hội được tạo thành từ chất lượng cán bộ, chất lượng tổ chức bộ máy, chất lượng hoạt động của các phong trào, cùng với điều đó là tính chất, mức độ tham gia hưởng ứng của người dân, những kết quả thực tế về sự chuyển biến của tình hình nhằm đem lại lợi ích thiết thực nhất cho dân chúng.

Thứ năm, chất lượng công tác dân vận còn phải được đánh giá bởi chất lượng của lãnh đạo, quản lý và thực hành dân vận của Đảng và các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền Nhà nước, sự đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp và phong cách dân vận của các đoàn thể, nhất là của Mặt trận và các ban Dân vận từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.

Đây cũng là một nhân tố không thể thiếu. Nó liên quan trực tiếp và trước hết tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu các cấp ủy Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, phải biểu hiện ở sự quan tâm, ở trình độ nhận thức dẫn tới tầm nhìn và hành động, ở chế độ trách nhiệm, phải làm dân vận thực sự chứ không chiếu lệ hình thức, không hời hợt, qua loa đại khái.

Phải xem xét lại các quyết sách đã có, các chính sách hiện hành, các giải pháp đang thực hiện, nhanh chóng phát hiện ra những bất cập, yếu kém, lạc hậu để sửa chữa, điều chỉnh cho kịp thời.

Mức độ được lòng dân hay mất lòng dân, dân đồng tình hay phản đối, dân hăng hái tham gia hay tham gia chiếu lệ, dân gắn bó hay thờ ơ với các tổ chức đoàn thể mà họ là đoàn viên, hội viên… sẽ cho thấy chất lượng công tác dân vận là cao hay thấp, tốt hay chưa tốt, thật hay không thật, thực sự vì dân trên thực tế hay chỉ vì dân trên lời nói, danh nghĩa.

Đó là năm tiêu chí và yêu cầu để nhận diện chất lượng công tác dân vận được nhìn nhận trên quan điểm thực tiễn, đổi mới và phát triển.

Đây cũng chính là những căn cứ để đánh giá hiệu quả của công tác dân vận. Nói một cách vắn tắt, hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới cần phải như thế nào? Đây là hiệu quả từ tổ chức triển khai thực hiện, từ hoạt động (cả nội dung lẫn phương pháp, hình thức) đến kết quả đạt được của các phong trào, các cuộc vận động, cho đến sự chuyển biến nhận thức trong Đảng, trong Nhà nước, trong các đoàn thể và trong dân, sự tiến bộ, sự cải thiện tình hình cuộc sống của dân đến đâu, sự trưởng thành của cán bộ, đội ngũ cán bộ như thế nào, nhất là quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với dân, giữa cán bộ, đảng viên, công chức với dân, trong sự cảm nhận trực tiếp, đánh giá trực tiếp từ phía người dân.

Tính tổng hợp của hiệu quả, kết quả đó, có thể xem là hiệu ứng xã hội, sự lan tỏa (cả bề rộng và chiều sâu) của công tác dân vận trong đời sống, đem lại lợi ích và phát huy quyền làm chủ của dân. Tín nhiệm mà quần chúng nhân dân dành cho Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của mình được tạo ra từ chính hiệu quả, tác dụng, ý nghĩa của công tác dân vận đối với người dân, đối với sự ổn định tích cực, lành mạnh để phát triển xã hội.

Nhân vật trung tâm, điểm xuất phát và tính hướng đích của toàn bộ hoạt động dân vận, công tác dân vận phải là người dân, từng người dân đến cả cộng đồng nhân dân, dân tộc của quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Dân vừa là đối tượng, mục tiêu của công tác dân vận, của các hoạt động và phong trào xã hội mà Đảng, Nhà nước, các đoàn thể tác động tới nhằm phục vụ dân. Dân còn là chủ thể của công tác dân vận, hoạt động dân vận, bởi nhân dân cũng làm dân vận.

Các hộ dân sinh sống gần gũi bên nhau khi có những mâu thuẫn, xung đột, bất hòa mà biết cùng nhau hòa giải để đi tới đồng thuận, để tăng cường đoàn kết, hợp tác, đấy là biểu hiện cụ thể nhất về dân làm dân vận.

Ở cơ sở nông thôn và đô thị (các xóm làng, khối phố, tổ dân cư) đều có mô hình Ban công tác Mặt trận, luôn có vai trò hòa giải, tự chủ và tự quản, gây dựng cộng đồng dân cư văn hóa (gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa, khối phố văn hóa)… đó cũng là hoạt động dân vận.

Dân tham gia tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, động viên nhau vượt qua khó khăn thiếu thốn, làm công tác tư tưởng cho nhau để thống nhất nhận thức và niềm tin, khẳng định dư luận xã hội lành mạnh, chống các tin đồn, những sự xuyên tạc giả dối, những sự kích động, mị dân… đó cũng là những biểu hiện của công tác dân vận, với vai trò nổi bật của người dân, của cộng đồng dân cư.

Như vậy, hiệu quả công tác dân vận phải được nhìn nhận từ các quan hệ chủ thể-đối tượng và đối tượng-chủ thể, chung quy lại là quan hệ giữa Đảng với dân, Nhà nước với dân, Mặt trận và đoàn thể với dân, là quan hệ trong nội bộ dân với dân.

Hiệu quả công tác dân vận thể hiện trong các mối quan hệ đó, trong các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động đòi hỏi phải: Thiết thực (không phù phiếm, hình thức); cụ thể (không chung chung trừu tượng, không hô hào sáo rỗng, không viển vông xa rời cuộc sống của dân với muôn vàn tình huống, sự kiện, bức xúc, nhức nhối diễn ra hằng ngày: thiên tai lũ lụt, tai nạn giao thông, tệ nạn, bất an và bất công với bạo lực, đói nghèo, bệnh tật, thất học, thất nghiệp, lạm phát…); lâu bền (các hoạt động, các phong trào phải thường xuyên, chỉ đạo sát sao, công phu, không phải chiếu lệ, “mùa vụ”, cốt làm để tính việc, tiêu tiền, không cần biết có ích gì cho dân hay không); tiết kiệm (nên nhớ lãng phí là không thương dân, mỗi đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của dân, thương dân thì phải tiết kiệm); tiến bộ (mỗi cuộc vận động, mỗi phong trào phải tạo được chuyển biến, cái tốt tăng lên, cái xấu giảm đi, dân nhận thấy, nhìn thấy, cảm thấy những sự tăng tiến đó).

Không gì có sức thuyết phục con người, thu phục nhân tâm mạnh, bền bỉ bằng sự chân thật, thành thật, sự trung thực và lòng chân thành. Tăng trưởng kinh tế đã khó, tăng trưởng và tăng trưởng bền vững về niềm tin, lòng tin nơi dân chúng còn khó hơn nhiều.

Công tác dân vận đúng và khéo như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm cả việc gây dựng và củng cố niềm tin của dân chúng. Chung quy lại, nếu mọi việc lớn nhỏ trong công tác dân vận, trong hành vi ứng xử, hành xử của những cán bộ làm dân vận, những tổ chức phụ trách dân vận… đều luôn luôn vì dân, biết dựa vào dân, làm những gì dân mong, dân muốn, tránh những gì dân chán, dân ghét thì sẽ được dân tin, dân theo.

Đó là bí quyết thành công của dân vận theo phong cách Hồ Chí Minh. Đó là dân vận theo lối dân chủ phải ra sức theo đuổi, đẩy lùi bằng được thái độ dân vận theo kiểu “quan chủ”. Hiệu quả hay không hiệu quả của dân vận là ở đó.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/yeu-cau-moi-doi-voi-cong-tac-dan-van-hien-nay/20135/168338.vgp