Yêu cầu không để người bệnh sốt xuất huyết phải nằm ghép

Chiều tối 17-8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội để bàn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 90 nghìn người mắc SXH, trong đó có 24 người chết. Riêng tại Hà Nội, đã có hơn 17 nghìn người mắc SXH, trong đó có bảy người chết.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội hiện có 12 quận ở mức báo động đỏ về dịch bệnh SXH, với hơn 92% số người bệnh mắc SXH của toàn thành phố. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngành y tế Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô-tô; 10 máy phun mù nóng và 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực số người mắc SXH cao.

Các quận, huyện, thị xã đã thành lập được hơn 26 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy, với hơn 63 nghìn người tham gia; xử lý hơn 210 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP Hà Nội không để người bệnh SXH nằm ghép, không truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ. Đối với Sở Y tế, cần tiếp tục huy động thêm các lực lượng tham gia phòng chống dịch, nhất là đẩy mạnh việc phun mù nóng vì hiện nay việc phun này hiệu quả hơn so với phun sương và việc phun hóa chất cần thực hiện đúng theo khuyến cáo phun ba lần; tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng. Qua kiểm tra thực tế, hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã khiến mật độ muỗi giảm rõ rệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực hơn nữa trong công tác vệ sinh môi trường, tham gia chiến dịch diệt bọ gậy và hợp tác với các cơ quan chuyên môn trong việc phun hóa chất diệt muỗi...

* Ngày 17-8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 người mắc sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên, hầu hết người bệnh mắc SXH đều đang công tác, học tập tại các tỉnh, thành phố hiện đang có dịch bệnh SXH trở về địa phương. Số người mắc bệnh SXH tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Cẩm Khê và TP Việt Trì. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế các địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ người bệnh đi từ vùng có dịch SXH về địa phương; giám sát các ổ bọ gậy và muỗi truyền bệnh SXH tại các xã, phường trên địa bàn để cảnh báo dịch bệnh kịp thời. Hướng dẫn các địa phương vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi...

* Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa Hà Đình Ngư cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 376 người mắc bệnh SXH. Riêng tháng 7, có 175 người bệnh mắc bệnh SXH từ các tỉnh, thành phố khác về điều trị tại Thanh Hóa. Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát thường xuyên, nắm vững tình hình dịch bệnh SXH để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là việc giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; triển khai phun hóa chất, chủ động diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…

* Ngày 17-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước cho biết: UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế bảo đảm hóa chất, thuốc, nhân lực cho hoạt động phòng, chống SXH trên địa bàn, sẵn sàng ứng phó khi số người bệnh mắc SXH tăng cao; củng cố các đội cơ động chống dịch của ngành y tế, nhất là giám sát chặt chẽ những ổ bệnh cũ trên địa bàn và vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 950 người mắc SXH, trong đó có một người chết.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33813802-yeu-cau-khong-de-nguoi-benh-sot-xuat-huyet-phai-nam-ghep.html