Yêu cầu Cục NTBD không cần cấp phép các bài hát đã phổ biến

Ngày 23-5, Bộ VH,TT&DL có văn bản số 2198/BVHTTDL-VP gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về việc rà soát, bổ sung, cập nhật danh sách hơn 300 ca khúc trước năm 1975 gây xôn xao dư luận vừa qua.

Ca khúc "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao cũng có tên trong danh sách được phổ biến.

Theo công văn này, vừa qua, việc thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn gây hiểu nhầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH,TT&DL yêu cầu Cục NTBD khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

Phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển;

Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác;

Nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn;

Trước đó, Cục NTBD đăng tải trên website của Cục danh sách 324 ca khúc sáng tác trước năm 1975 được phổ biến rộng rãi. Danh sách này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì có rất nhiều ca khúc cách mạng, những ca khúc “đi cùng năm tháng” đã rất quen thuộc với số đông công chúng nhưng đến nay mới chính thức được phổ biến.

Cụ thể, theo bản danh sách được đăng tải có rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du), “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” (Hoàng Điệp - Phạm Tiến Duật), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” (Hoàng Vân và Lê Nguyên), “Làng tôi” (Văn Cao)...

Bên cạnh đó, là hàng loạt ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Ca ngợi Hồ Chí Minh” (Lưu Hữu Phước và Nguyễn Đình Thi), “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam” (Đỗ Minh), “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (Nguyễn Tài Tuệ). Đặc biệt, trong số đó có ca khúc “Tiến quân ca” (nhạc sĩ Văn Cao), “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên) cũng có tên trong bản danh sách mới được phổ biến…

Trước những hiểu nhầm về việc “cấp phép phổ biến ca khúc cách mạng”, ngày 21-5, Cục NTBD cũng chính thức giải thích về việc này. Theo giải thích của Cục, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, vừa qua, Cục NTBD đã tiến hành rà soát đợt đầu và cập nhật, bổ sung vào danh mục 300 bài hát đã phổ biến rộng rãi trong những năm qua. Cục NTBD chỉ rà soát và công bố những tác phẩm sáng tác trước năm 1975 chứ không cấp phép.

Mặc dù đã lên tiếng về việc “rà soát, cập nhật danh sách phổ biến ca khúc” nhưng việc làm này của Cục NTBD vẫn khiến cho dư luận cho rằng, Cục đang làm một việc “thừa” vì những ca khúc “đi cùng năm tháng”, các ca khúc cách mạng đã có giá trị riêng trong đời sống tinh thần của nhân dân, không cần thiết đến giờ mới được phổ biến.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/869504/yeu-cau-cuc-nbtd-khong-can-cap-phep-cac-bai-hat-da-pho-bien