Yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể những dự án không hiệu quả

Mặc dù Chính phủ đề xuất nới trần nợ công lên 55% nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết duy trì ngưỡng an toàn 50%, đồng thời yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể về những dự án đầu tư lớn nhưng không hiệu quả...

Chính phủ vẫn xin tăng nợ

Sáng 17/10, UBTVQH cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành khi để tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giai đoạn 2011-2015 vượt mức trần đã được Quốc hội quyết định (50,3% so với mức cho phép là 50%).

Chính phủ còn được đề nghị kịp thời áp dụng các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép, đưa tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách Nhà nước xuống dưới mức 25% và bảo đảm trong giai đoạn tới, số vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước.

Ủy ban Tài chính Ngân sách còn lưu ý, việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA cần được tính toán, cân nhắc thận trọng, tránh tình trạng vay vốn song trên thực tế không giải ngân được hoặc giải ngân chậm, làm gia tăng nợ công, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn vay.

Đồng thời, một số khoản vay ODA hiện đang bị ràng buộc bởi những điều kiện theo yêu cầu của nhà tài trợ, có thể làm gia tăng chi phí vay. Do đó, Chính phủ cần lưu ý, tính toán, cân nhắc thận trọng chi phí lãi vay và các điều kiện liên quan khi đề xuất đàm phán, ký kết các khoản vay này.

Đầu tư lãng phí, xử lý thế nào?

Chỉ rõ những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thất thoát tài sản của nhà nước, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn nhà nước không tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (đã có hiệu lực từ năm 2015) tại một số công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối như Mobiphone mua công ty AVG, sử dụng đất tại các doanh nghiệp Nhà nước (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam)...

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm.

Như, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng), dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia, tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng).

Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng), dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An (tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng), dự án nhà máy Đạm Ninh Bình (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng).

Về chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM đến năm 2020 với kinh phí cần khoảng 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,7%).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đầu tư cho hạ tầng giao thông là cần thiết song việc dành một tỷ lệ quá lớn nguồn lực đầu tư cho giao thông đã dẫn đến thu hẹp nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác, làm mất cân đối trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến phía Đông) cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế, phân kỳ và ưu tiên đầu tư các đoạn, tuyến bức thiết trước. Đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng miền, cần tách riêng trình Quốc hội xem xét.

Kiên Cường

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/yeu-cau-chinh-phu-bao-cao-cu-the-nhung-du-an-khong-hieu-qua-post177867.html